Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) đang ngày càng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhưng vẫn giữ được không gian xanh tươi, trong lành. |
Trong những ngày chiến tranh chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ đã trở thành "đảo tiền tiêu" kiên cường và anh dũng, lập nên nhiều chiến tích anh hùng. "Ngôi sao lửa" Cồn Cỏ giờ đây đang trở thành "làng đảo xanh" với những vẻ đẹp tự nhiên của biển trời và dậy lên sức sống từ bàn tay, khối óc sáng tạo của con người.
Đảo nhỏ kiên cường "Sóng gọi hồn tôi về đảo nhỏ Đảo nhỏ kiên cường Cồn Cỏ ta ơi Chiến hạm nổi lên bốn bề sóng gió Những trái tim như ngọc sáng ngời ".
Những câu thơ viết về hòn đảo anh hùng của nhà thơ Hồ Khải Đại trong những năm hừng hực khí thế chống Mỹ, cứu nước, không hiểu vì sao lại bay về neo đậu trong trí nhớ, khi con tàu chở đoàn chúng tôi ra thăm Cồn Cỏ nhân kỷ niệm 10 năm thành lập huyện đảo.
Từ thuở ấu thơ, tôi và bạn bè đã yêu mến anh bộ đội trên đảo Cồn Cỏ qua bài hát đầy lạc quan vui nhộn "Con cua đá": "Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá. Nó nằm trong lá nó nằm trong khe. Nó có tám cái que và hai cái càng...". Nhưng thú thật lúc đó chúng tôi chưa thể hình dung nổi đảo Cồn Cỏ như thế nào, người lính chiến đấu đêm ngày ăn "canh cua đá" ra sao?
Dường như hôm nay trời Quảng Trị dồn tất cả niềm vui cho biển rộng, biển xanh đến tận cùng. Sóng biển dịu êm vỗ lóc bóc mạn tàu. Từ bến cảng Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ chỉ 15 hải lý. Gần lắm, nhưng cũng đủ cho du khách tha hồ ngắm những cánh én xập xòe chao nghiêng trên mặt sóng.
Cồn Cỏ đây rồi, một hòn đảo với diện tích khiêm nhường 2,3 km 2 , nó giống như ngọn đồi thoai thoải của làng mà hồi bé tôi thường chăn trâu. Nhưng đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà đế quốc Mỹ dùng mọi vũ khí và sinh lực để hủy diệt nhưng không làm gì nổi.
Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ Lê Quang Lanh, nhắc lại cho tôi vài nét cơ bản về lịch sử: "Đảo Cồn Cỏ người xưa còn đặt tên là Hòn Cỏ, Hòn Gió, Hòn Mệ, Thảo Phù hay còn gọi đảo Con Hổ".
Trước khi thành huyện đảo, Cồn Cỏ là một địa danh thuộc xã Vĩnh Quang (nay là thị trấn Cửa Tùng) huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Khói lửa chiến tranh đã ngưng tắt gần bốn thập kỷ, nhưng trong lòng dân lũy thép Vĩnh Linh, lòng dân "đất thánh" Quảng Trị, đảo Cồn Cỏ vẫn chói ngời "Ngôi sao lửa" - ngôi sao chân lý - biểu tượng niềm tin và ý chí quật cường của thời đại anh hùng.
Trải qua 1.500 ngày đêm đối mặt quân thù và gần 1.000 trận đánh lớn nhỏ, quân và dân Cồn Cỏ đã bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm, bắn cháy 17 tàu chiến và hải thuyền Mỹ - ngụy.
1.500 ngày đêm đảo Cồn Cỏ đã trở thành "túi đựng bom khổng lồ" của giặc Mỹ. Với thế gọng kìm bằng không quân và hải quân, kẻ thù muốn san phẳng hòn đảo này, nhưng tinh thần "Thà hy sinh tất cả chứ không để mất đảo" càng giục giã quân và dân ta đạp bằng mọi mưu toan của kẻ thù.
Đứng trên đảo Cồn Cỏ hôm nay, sóng biển như đang vọng về hai câu thơ Bác Hồ: Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ Dường như "ngôi sao lửa" bất diệt ấy trong mỗi mầm cây, ngọn cỏ và cả những tảng đá san hô âm thầm dưới đại dương kia đang thắp sáng những gương mặt anh hùng như Thái Văn A, Nguyễn Tăng Mật, Cao Văn Khang, Lê Văn Ban, Cao Tất Đắc, Bùi Hạnh cùng hàng trăm chiến sĩ pháo thủ, công binh, hàng nghìn dân quân tiếp ứng lương thực vũ khí cho trận đánh đầy gian nan khốc liệt này.
Bên những lùm cây xanh rậm rịch được dựng lên một tấm biển nền đỏ, nổi bật dòng chữ vàng: "Mãi mãi khắc ghi và biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu hy sinh anh dũng cho Cồn Cỏ mãi trường tồn".
Tôi cùng anh bạn đồng nghiệp và hai chiến sĩ biên phòng bước lên tượng đài tưởng niệm thắp nén hương tri ân 103 liệt sĩ. Tình cờ gặp một cựu chiến binh, ông tâm sự: "Có thể do hoàn cảnh chiến tranh ác liệt và bị thời gian khỏa lấp cho nên nhiều người chưa được ghi danh trên tấm bia".
Từ không đến có Phó Bí thư Huyện đảo Cồn Cỏ Nguyễn Thanh Bình hào hứng kể cho chúng tôi nghe những chuyện mới về đảo Cồn Cỏ, sau ngày đất nước thống nhất, "vĩ tuyến 17 ngày và đêm" đã sạch bóng quân thù.
Ngày càng đông du khách đến với Cồn Cỏ.
Với chủ trương "dân sự hóa", năm 2002, mô hình "đảo thanh niên" của Tỉnh Đoàn Quảng Trị được thiết lập. 43 thanh niên trẻ, khỏe và nhiệt huyết đã xung phong ra đảo lập nghiệp. Họ phải sống xa đất liền, chịu đựng mọi thiếu thốn về vật chất, tinh thần, đem sức trẻ xây dựng cuộc sống, xóa tan không khí cô tịch trên hòn đảo vắng, họ bắt đầu từ đàn gà nhỏ được mang từ đất liền ra. Gà chịu sương, chịu gió, gà nếm bão, trải dông để nhân lên một giống gà mới rất "Cồn Cỏ" giữa trời biển mênh mông. Tiếng gà ấy giục giàn bầu ra quả, giục cây chuối trổ buồng, giục sự sống nảy mầm đang thai nghén từ cây, từ đất. Điều giản dị bắt đầu từ một tiếng gà như tiếng gọi của bình minh, khởi đầu cho nhịp sống của đảo, đồng hành nhịp sống của quê hương.
Ngày 1-10-2004, thể theo nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 174/2004/NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, đơn vị hành chính thứ 10 của tỉnh Quảng Trị. Mới chỉ 10 năm thôi, dẫu cư dân lập nghiệp trên đảo chưa nhiều nhưng huyện đảo Cồn Cỏ đã có bước đột phá trong quy hoạch, cái điều cốt lõi đầu tiên những người lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã thấy được "Muốn an dân phải bảo đảm tính quy hoạch khoa học và bền vững". Từ bảo đảm những điều cần nhất của con người trong cuộc sống hằng ngày như "đường, trường, điện, trạm" mới khơi dậy được những chiến lược tầm xa như dịch vụ - du lịch -nông lâm thủy hải sản.
Mười năm "đi từ không tới có" đã xảy ra trên đảo Cồn Cỏ như thế nào, không ai cắt nghĩa và trả lời được. Chỉ biết rằng, mỗi viên gạch hồng, mỗi hạt ximăng, mỗi cây thép, mỗi viên đá để dựng nên những tòa nhà cao đẹp khang trang kia đều được những con tàu thầm lặng oằn mình cõng hằng ngày từ đất liền ra, qua bao nguy hiểm gió dật, sóng dồi. Cũng không ai hiểu được cây bàng trên đảo Cồn Cỏ đã bao lần thay mùa lá mới và ông chủ xây dựng công trình đã bao lần thay quân. Những đội quân thợ xây bình dị trong bộ quân phục bạc mầu, chống chọi với nắng Cồn Cỏ, mồ hôi họ mặn hơn nước biển để từ dưới chân đảo đến tận đỉnh đồi mọc dậy san sát những công trình.
Đang vào mùa cao điểm xây dựng, đảo Cồn Cỏ âm âm tiếng máy và náo nức tiếng cười nói của các tốp thợ xây. Đứng từ trạm gác biên phòng, tôi thấy rõ mồn một công trình Cầu cảng, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, kè chống xói lở, ngổn ngang đất đá, tấp nập máy xúc, máy ủi, xe tải, xe ben...
Trạm viễn thông Cồn Cỏ với cột phát sóng vi ba cũng đã mọc lên. Sắc diện Cồn Cỏ hôm nay mỗi ngày lại sáng lên bởi những con đường láng xi-măng phẳng phiu chạy ngang, chạy dọc dưới bóng cây xanh mát, sáng lên trường học, nhà mẫu giáo, trụ sở các cơ quan dân chính đảng. Rồi hệ thống phát thanh truyền hình huyện đảo ra đời đã kịp thời dẫn tin trong nước, tin địa phương và cả những dòng sự kiện hằng ngày trên đảo nhỏ này để mọi người cùng chứng kiến. Nhà văn hóa thanh niên huyện đảo thường tổ chức những cuộc giao lưu giữa tuổi trẻ lập nghiệp với những người lính đảo.
Thật tuyệt vời khi được ngồi thư giãn ở quán cà-phê Nhân Diệu để nhâm nhi cốc cà-phê sáng thơm nức, được ăn bát cháo nấu ốc biển mà anh lính trẻ biên phòng "đạo diễn" và được ngắm trăng Cồn Cỏ giữa mùa hạ này.
Mười năm không có tội phạm Thiếu tá Phan Mạnh Tường, Chính trị viên Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ kể: Năm ngoái ở đơn vị nọ có xây một gian nhà bằng để chứa tội phạm, nhưng nhà xây đã lâu vẫn không bắt được tội phạm nào vào giam giữ. Một hôm, cánh lính trẻ bắt được 700 con cua đá về và xin người bảo vệ phòng giam gửi tạm số cua đá đó. Ai ngờ sáng hôm sau thì "690 con đã vượt ngục an toàn ", còn lại 10 con đang tiếp tục chui qua hai lỗ thông hơi, khi cửa mở ra mới phát hiện được.
Rồi anh Tường bảo: "Đã mười năm qua, phải thừa nhận đây là một hòn đảo sạch nhất về môi trường, không tai nạn giao thông, không có tệ nạn tội phạm. Việc xây dựng làm cho đảo đẹp hơn lên chứ không làm vỡ cảnh quan của đảo. Dân và bộ đội thương yêu và giúp đỡ nhau hết mực".
Nép mình dưới bóng cây phong ba cổ thụ là ngôi nhà của vợ chồng Lan Hiển. Chồng chị là một cán bộ công chức nhà nước ở huyện đảo. Chị Lan có hai người con: Nguyễn Hoàng Sơn học lớp 5, Nguyễn Thùy Trang học lớp 3. Trông đứa nào cũng bầu bĩnh và khỏe mạnh.
Lan tâm sự: "Hồi mới ra đây em thiếu thốn trăm bề, nhất là nước sinh hoạt. Vợ chồng em biết các chú bộ đội ở đồn cũng thiếu nước sinh hoạt nhưng nhiều hôm các chú vẫn mang nước tới cho gia đình em nấu ăn. Bây giờ thì em không lo nữa, với dịch vụ giải khát cũng đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày rồi.
Huyện đang tích cực xây dựng hệ thống nước sạch để mọi người dùng".
Chúng tôi tới thăm gia đình anh Ngô Quang (anh làm cán bộ điện lực huyện đảo, cả gia đình anh cùng ra Cồn Cỏ định cư). Chị Lam vợ anh Quang tâm sự: "Nếu không có điểm tựa thì gia đình tôi cũng quay về đất liền thôi. Nhưng chúng tôi sống được trong môi trường mới chính là nhờ sự quan tâm sâu sát và giúp đỡ của người lính". Rồi chị liệt kê hàng chục trường hợp dân bị ngộ biến giữa đêm: trẻ em cảm sốt lên cơn co giật, người lớn đau bụng quằn quại đều được các y, bác sĩ quân y đến cấp cứu kịp thời.
Thiếu tá Tường tiếp lời: "Ở đây, lính đảo từ hải quân, bộ binh đến biên phòng đều tận tình giúp đỡ dân trên đảo và cả ngư dân đi biển gặp nạn. Cuối tháng 1-2014, một chiếc tàu thu mua cá của cảng Cửa Việt trong lúc chở ba tấn cá và sáu thuyền viên đã bị chìm. Lập tức Trạm tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Cồn Cỏ và các cơ quan chức năng đã kịp thời trục vớt và đưa họ lên bờ an toàn".
Về kinh tế gia đình, chị Lam cho biết: Đất đảo Cồn Cỏ rất thích hợp cho chăn nuôi. Gia đình chị đã nuôi 13 con bò, con nào cũng béo, lông vàng mượt, đang xây thêm một dãy chuồng nữa để chuẩn bị mang từ đất liền ra tám con dê.
Chị Lam chỉ tay lên ngay rừng cây trước mặt: - Thả dê lên đó cho chúng ăn chú nờ.
Thiếu tá Phan Mạnh Tường nói đùa: - Chị coi chừng dê nhà chị lẫn vào dê biên phòng thì mất luôn đó.
Chị Lam biện hộ rắn rỏi: - Nếu lẫn vào đâu thì tôi sợ chứ lẫn vào dê của các anh thì tôi lại đỡ công chăn, đến khi dê lớn cần bán tôi lên dắt về.
Tất cả cùng cười vang. Đôi mắt chị Lam long lanh đầy ánh biếc Cồn Cỏ.
PHAN THẾ CẢI
Theo nhandan.com.vn