Cập nhật: 28/03/2017 15:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bãi biển TP. Đà Nẵng đang bị triều cường xâm thực. TP. Đà Nẵng làm gì để bảo vệ bãi biển được xếp hạng là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh này?

Bãi biển TP. Đà Nẵng đang bị triều cường xâm thực mạnh gây sạt lở nặng. Cùng với đó, hàng chục cống xả nước trực tiếp đổ ra biển đã cuốn trôi một khối lượng lớn cát bãi biển. Nhiều khu vực tạo thành vòng nước xoáy rất nguy hiểm, bãi tắm thu hẹp dần, ảnh hưởng đến hoạt động vui chơi, tắm biển và kinh doanh du lịch. Vậy thành phố Đà Nẵng làm gì để bảo vệ bãi biển được xếp hạng là một trong 6 bãi  biển đẹp nhất hành tinh này?

 

Triều cường xâm thực ảnh hưởng hàng quán du lịch dọc bãi biển Mỹ Khê.

Tình trạng sạt lở bờ biển ở thành phố Đà Nẵng diễn ra diện rộng, dài cả cây số từ phường Mân Thái, quận Sơn Trà đến phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Đoạn nặng nhất là bãi biển Mỹ Khê, bờ cát bị sụp sâu, tạo nên hàm ếch. Có nơi triều cường xâm thực sát vào chân bờ kè, bãi biển bị thu hẹp. Các chủ quầy hàng dịch vụ du lịch ven biển phải lùi quán vào sâu trong bờ, sát bờ kè.

Bà Nguyễn Thị Thu, ở phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, một hộ bán nước giải khát tại bãi biển Mỹ Khê cho biết, triều cường xâm thực làm nhiều quán bị đánh sập, cuốn trôi, không thể buôn bán: "Ngày mô cũng dời miết, lần cuối cùng là dời lên trên này. Cũng mua dây cáp về níu kéo lại vào dây. Cuộc sống nhờ vào biển, nhờ vào cái quán này. Nếu mà tình trạng nước tiếp tục cuốn thì sợ không có đất để mà bán".

Năm nào cũng vậy, vào thời điểm gió mùa là bãi biển Đà Nẵng xảy ra hiện tượng triều cường xâm thực, xói lở. Năm nay, bờ biển sạt lở nặng và ăn sâu vào đất liền với nhiều dấu hiệu bất thường.

Cửa thoát nước xả trực tiếp ra bãi biển, cuốn trôi cát, xé toạc bãi biển Đà Nẵng.

Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân xâm thực bờ biển do tác động gió mùa. Ngoài ra, qua khảo sát thực tế, hiện nay dọc bãi biển Đà Nẵng có 50 cửa thoát nước mưa, trực tiếp thải ra bãi biển Đà Nẵng. Sau mỗi trận mưa, khoảng 5000 mét khối cát dọc bãi biển bị cuốn trôi, bãi biển bị xé toạc biến dạng.

"Bây giờ, nếu làm cái van thì đến lúc mưa cũng vẫn xả ra. Sở xin Thành phố giao cho Sở Xây dựng thiết kế hệ thống cống xả không được xả trên bãi biển, không được xé cát trên bờ biển. Tại vì mưa lớn vẫn xả trên bãi biển là bị xé toạc ra. Hiện nay, đã mời chuyên gia thoát nước, họ đã nghiên cứu một hệ thống cống ngầm bê tông, về mặt khoa học có thể chấp nhận được", Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng nói.

Còn ông Lương Thạch Vỹ, Giám đốc Ban quản lý các Dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên thành phố Đà Nẵng cho biết, trước đây khi triển khai dự án thoát nước, đơn vị tư vấn đã thiết kế đường ống ngầm dài 300 mét xả dưới đáy biển nhưng không đảm bảo an toàn khi vận hành nên phải ngưng hoạt động.

 

Triều cường xâm thực sát các hàng cây ven biển Mỹ Khê .

Hiện nay, hệ thống thoát nước ven biển đã quá tải, các máy bơm thu gom nước cũng đã chạy hết công suất nên toàn bộ nước mưa phải xả ra biển. Khắc phục tình trạng này, thành phố đang xúc tiến triển khai Dự án xây dựng hệ thống cống bao từ nguồn vốn của Tổ chức JICA - Nhật Bản. Đường kính ống cống từ 1,8 mét đến hơn 2 mét, xây dựng song song nằm phía dưới lòng mương thoát hiện tai.

Hệ thống cống bao này khi hoàn thành sẽ gom toàn bộ hệ thống nước thải và nước mưa về bể xử lý, không còn xả ra biển. Trong khi chờ triển khai dự án này, UBND thành phố Đà Nẵng đã đầu tư khẩn cấp xây dựng 3 cửa xả ven bãi biển Mỹ Khê, mua thêm 10 máy bơm để hút nước mưa về bể tập trung, hạn chế nước thoát ra biển.

"Nhiều năm nay, cứ mỗi lần mưa, đặc biệt vào mùa mưa lũ thì bãi biển bị tàn phá, ảnh  hưởng cảnh quan bãi biển. Do đó, lãnh đạo Thành phố đã thống nhất sẽ làm một cống hở nối tiếp từ cửa xả ra tới bãi biển để điều chỉnh dòng nước thoát ra từ cửa xả sau những trận mưa đi theo cống này, không cho tràn lên bãi biển thì sẽ hạn chế khối lượng cát trôi ra biển", ông Mai Mã nói.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cho rằng, bãi biển Đà Nẵng là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong và ngoài nước. Mùa du lịch đã đến, đặc biệt là chuẩn bị Tuần lễ cấp cao APEC, nếu tình trạng xâm thực kéo dài sẽ làm xấu hình ảnh của thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Anh đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục nghiên cứu và triển khai sớm phương án bảo vệ bờ biển Đà Nẵng: "Thành phố rất quan tâm đến môi trường mà đây là một điểm nóng. Thành phố có du lịch, có bãi biển này mà không giữ được là thành phố Đà Nẵng sẽ mất thương hiệu ngay. Tôi đề nghị làm sớm, khẩn trương bảo vệ bờ biển"./.

Theo PV/VOV.VN

Tệp đính kèm