Cập nhật: 30/03/2017 15:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Được chăm sóc tốt về dinh dưỡng là nhu cầu tối quan trọng để trẻ phát triển nhưng chưa đủ, vì thực tế, một số trẻ do chức năng tiêu hóa chưa hoàn chỉnh dẫn đến lượng thức ăn đưa vào chỉ hấp thu được một phần nhỏ. Các bậc cha mẹ cần hết sức lưu tâm vấn đề này.

Quan tâm chăm sóc dinh dưỡng  tốt để trẻ phát triển.

Tỷ lệ trẻ rối loạn tiêu hóa rất hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi như tiêu chảy, táo bón, đi ngoài phân sống, đặc biệt ở nhóm tuổi nhũ nhi (từ 1 tháng đến 1 năm). Chúng ta điều biết rằng suy dinh dưỡng là hậu quả của sự nghèo đói và thiếu hiểu biết về dinh dưỡng. Câu hỏi đặt ra là tại sao ở những thành phố lớn, điều kiện kinh tế đã tốt lên rất nhiều mà tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng vẫn còn tương đối cao. Qua các bệnh nhân đến khám tại Khoa Khám tư vấn trẻ em - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy nguyên nhân chủ yếu không phải do điều kiện kinh tế mà do các bé được nuôi dưỡng chưa thật đúng cách, do đó, bé không nhận được chế độ ăn cung cấp đủ nhu cầu theo lứa tuổi cũng như những thức ăn dễ hấp thu theo lứa tuổi, hoặc trên những trẻ biếng ăn không được cho ăn tăng cường cũng khiến trẻ nhanh chóng dẫn đến suy dinh dưỡng. Nhưng thực tế lâm sàng cũng cho thấy rằng có những trẻ chịu ăn và được cho ăn đúng cách nhưng vẫn không lên cân tốt. Tại sao vậy? Đó là do ở một số trẻ nhỏ, chức năng tiêu hóa chưa thật hoàn chỉnh dẫn đến thức ăn đưa vào chỉ được hấp thu một phần nhỏ.

Vậy làm thế nào để tăng cường khả năng hấp thu cho bé?

Trước hết, phải đảm bảo cho bé ăn đủ nhu cầu năng lượng theo lứa tuổi (trẻ em 3 tháng đến dưới 6 tháng tuổi, nhu cầu năng lượng là 620kcalo/ngày; trẻ em 6-12 tháng, nhu cầu là 820kcalo/ngày; trẻ 1 - 3 tuổi là 1.300kcal/ngày; trẻ 4-6 tuổi là 1.600 kcal/ngày - Theo 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý của Viện Dinh dưỡng) cân đối về đạm, chất béo, chất bột đường cũng như các vitamin (vitamin nhóm B, C, A), khoáng chất quan trọng (Ca, Fe) và đúng loại thức ăn phù hợp theo lứa tuổi của bé: dưới 6 tháng nên bú sữa mẹ, sau 6 tháng bắt đầu ăn thêm bột, trên 12 tháng ăn cháo và trên 24 tháng mới nên bắt đầu tập ăn cơm cho trẻ. Đặc biệt, một số trẻ có thói quen thích ăn bột, cháo lâu hơn thì vẫn nên duy trì cho bé hình thức ăn đó, không cần quá nôn nóng cho trẻ ăn đồ cứng sớm, vì điều quan trọng là thành phần bữa ăn và lượng ăn của trẻ chứ không phải hình thức bữa ăn là bột hay cháo, cơm, không những thế, ở những trẻ đang bị suy dinh dưỡng, cần phục hồi dinh dưỡng thì chế độ ăn xay kỹ, nhừ càng dễ tiêu hóa, hấp thu.

Ngoài những yếu tố sai lầm trong cách cho trẻ ăn uống, một lý do khác khiến trẻ hay gặp rối loạn tiêu hóa là vì thời kỳ trẻ dưới 5 tuổi có nhu cầu sinh lý phát triển rất cao nhưng các bộ máy cơ thể, chức năng sinh lý vẫn chưa hoàn thiện tốt, đặc biệt, trẻ dễ bị tiêu chảy vào thời kỳ bắt đầu ăn dặm nếu không thực hiện đúng các chu trình bảo đảm vệ sinh thực phẩm.

Do vậy, đối với trẻ nhỏ (đặc biệt những trẻ thường có rối loạn tiêu hóa, tăng cân chậm, hấp thu kém) thì việc điều chỉnh hệ vi sinh đường tiêu hóa, bổ sung một số loại vitamin và khoáng chất quan trọng là cần thiết.

Các thực phẩm cung cấp nhiều chất xơ (các loại rau, củ) cũng có hiệu quả tốt đối với cơ thể nhờ kích thích một cách chọn lọc sự phát triển và sự hoạt động của một hay một số ít các vi khuẩn ở đại tràng và do vậy, cải thiện được sức khỏe một cách rõ rệt.

Những nghiên cứu đã cho thấy, đặc biệt ở trẻ tuổi ăn dặm, sự kết hợp giữa việc bổ sung các thức ăn có chất xơ như rau, củ giúp tăng khả năng tồn tại của những vi khuẩn có ích sống ở phần trên của ống tiêu hóa dạ dày ruột, nhờ vậy làm tăng hiệu quả của chúng ở ruột già. Do vậy, cùng với bổ sung các vi khuẩn đường ruột có ích, việc ăn rau củ hàng ngày trong khẩu phần của trẻ tuổi bắt đầu ăn dặm với hàm lượng cân đối theo lứa tuổi là rất cần thiết.       

TS. Phan Bích Nga

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm