Cập nhật: 29/03/2017 17:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chùa Vĩnh Phúc và Đình Vũ Di thuộc xã Vũ Di Huyện Vĩnh Tường.

Đình làng Vũ Di thờ Đức thánh Bạch Hạc Tam Giang (gọi tắt là Đức thánh Hạc). Ngài là Nhân thần (tên húy là Trần Lan và Trần Ngọc, tên chữ là Thổ Lệnh và Thạch Khanh). Thời nhà Trần, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh quân Mông – Nguyên được hai vị thần Thổ Lệnh và Thạch Khanh ngầm giúp mưu lược kế sách nên đã 03 lần giành chiến thắng, giữ yên bờ cõi nước Nam. Theo ngọc phả của các đình thờ Đức thánh Bạch Hạc Tam Giang còn lưu giữ ở Viện Thông tin Khoa học – Xã hội và Viện Hán – Nôm đều ghi rõ: Hai ông là vị thần đứng đầu các vị thần của nước Nam xưa, đức lớn trời cho, trước sau hiếu nghĩa, giúp nước yên dân, tiếng thơm muôn đời vạn thuở.  

Chùa Vĩnh Phúc (tên thường gọi là Chùa Vũ Di) được khởi dựng từ rất sớm nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân làng Vũ Di. Đến năm 1997, được phục hồi trên nền đất cũ như hiện nay. Trong chùa có hệ thống tượng Phật được tọa tác đẹp, có chiều sâu và bài trí theo đúng lối truyền thống như tượng phù điêu tư thế ngồi khoanh tròn trong một bia đá, hai tay chắp trước ngực, mắt nhắm, mặt đỏ; tượng Đức Ông ngồi trên bệ, đội mũ cánh chuồn, mũ trang trí hình mặt trời và hoa dây cách điệu, ngực áo có hình hổ phù và rồng chầu, chân đi hài, hai tay đặt trên đùi, mặt đỏ, dáng vẻ uy nghi; tượng Thánh Tăng ngồi trên bệ, mặc áo hải hội nhiều lớp, chân đi hài, tay trái cầm chén nước cam lồ, tay phải bấm làm phép, mắt sáng long lanh, nét mặt hiền hậu, v.v…. Cách bài trí trong chùa gồm 03 lớp: lớp thứ nhất gồm 03 pho tượng Tam Thế Phật (Các vị Phật ở Quá khứ, Hiện tại và Tương lai); lớp thứ hai gồm 03 pho tượng thuộc bộ tượng Di Đà Tam Tôn; lớp thứ ba là tượng Quan Âm Chuẩn Đề; lớp thứ tư gồm 03 tượng Ngọc Hoàng – Nam Tào – Bắc Đẩu; lớp thứ năm là bộ tượng Cửu Long Thích Ca Sơ Sinh.

Trải qua nhiều biến cố, đến nay Đình Vũ Di và Chùa Vĩnh Phúc còn lưu giữ một số hiện vật như chuông đồng có niên đại Gia Long thứ II (năm 1803), lư hương đồng, mâm đồng, khán thờ, án gian, v.v.…

Hàng năm, Đình và Chùa Vũ Di là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng dân cư thôn Vũ Di với 04 ngày hội tiệc lớn.

ST

Tệp đính kèm