Ảnh minh họa
Đại dương chiếm tới hơn 90% khối lượng nước của hành tinh và là ngôi nhà của hơn một triệu loài từ những loài lớn nhất như cá voi xanh tới những loài kỳ lạ nhất như cá blobfish.
Tuy vậy đại dương và những cư dân của nó cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởng bởi con người, với tình trạng đánh bắt cá quá mức, thay đổi khí hậu, và ô nhiễm làm mất ổn định môi trường biển khắp thế giới. Các nhà khoa học biển xem đánh bắt cá quá mức là một trong những mối đe dọa lớn nhất. Theo Điều tra về đời sống biển, một cuộc khảo sát quốc tế kéo dài một thập kỷ về đời sống đại dương hoàn thành năm 2010, ước tính 90% những loài cá lớn đã biến mất khỏi các đại dương trên thế giới, là nạn nhân đầu tiên của việc đánh bắt cá quá mức.
Hàng chục nghìn cá ngừ vây xanh bị đánh bắt mỗi năm ở Biển Bắc trong những năm từ 1930 tới 1940. Ngày nay các vùng biển ở Bắc Âu hầu như không còn thấy bóng dáng của loại cá này. Cá bơn (halibut) cũng chịu chung số phận, biến mất phần lớn ở các biển Bắc Đại Tây Dương trong thế kỷ 19. Nghề cá cũng bị ảnh hưởng, những lưới đánh cá rê còn lại ở Biển Ireland mang về chẳng có gì ngoài tôm và sò. Tình hình này còn tồi tệ hơn ở Đông-Nam Á. Ở Indonesia và Thái-lan, người ta đánh bắt cả cá con và trứng cá, nghiền thành bột để làm thức ăn cho những trang trại nuôi tôm ven biển. Nhà sinh học biển Callum Roberts, Trường đại học York, Anh nói. “Chúng ta cần một môi trường biển đa dạng giống loài, điều đó khiến nó có thể chống chọi tốt hơn với sự biến đổi khí hậu”.
LƯỚI KÉO ĐÁY- THẢM HỌA CỦA BIỂN
Cá orange roughy bị đánh bắt hàng loạt bằng tàu đánh cá lưới rà, dẫn đếnsuy giảm số lượng nghiêm trọng.
Lưới kéo đáy biển là một trong những biện pháp đánh cá hủy hoại nặng nề nhất môi trường biển. Chiếc lưới rộng khoảng 60 m2 rê trên đáy biển 20 km, lôi theo rùa, san hô và bất cứ thứ gì trên đường đi của nó, giống như chiếc máy ủi đất vậy. Với cách đánh bắt này, những sinh vật biển không mong muốn có thể chiếm tới 90% khối lượng đánh bắt trong một mẻ lưới.
Theo ước tính trong báo cáo năm 2010 của tổ chức Conservation Letter (thuộc Hiệp hội bảo tồn sinh học), một triệu con rùa biển bị giết do đánh bắt trong giai đoạn 1990-2008 và nhiều loài nằm trong danh sách bị đe dọa của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN). Những người tham gia chiến dịch với sự hỗ trợ của các nhà khoa học biển, đã nhiều lần cố thuyết phục các nước đồng ý với một lệnh cấm quốc tế, với lý do kiểu đánh bắt này hủy hoại các rạn san hô và những loài cá phát triển chậm, có thể mất nhiều thập kỷ để trưởng thành. Tác động lớn của việc đánh bắt bằng lưới kéo đáy biển biểu hiện rõ nhất ở cá biển sâu. Theo các nhà khoa học biển, loài cá orange roughy hiện số lượng giảm tới 90%. Cá này được tìm thấy ở những núi dưới biển giàu khoáng chất hình thành nên san hô và được xem như trung tâm sinh sản và nuôi dưỡng sự đa dạng sinh vật biển.
Giáo sư sinh học biển Ron O’Dor tại Trường Dalhousie Canada nói trong Điều tra về đời sống biển: Thực tế đáng buồn là con người không nhận ra chúng ta tác động sâu sắc đến đại dương thế nào, nhiều điều chúng ta chưa kịp thấy đã biến mất trước khi chúng ta có cơ hội. Phương pháp đánh bắt này cần bị cấm.
VÀ NGUY CƠ AXIT HÓA NƯỚC BIỂN
Tác động lớn của việc đánh bắt bằng lưới kéo đáy biển biểu hiện rõ nhất ở cá biển sâu. Theo các nhà khoa học biển, loài cá orange roughy hiện số lượng giảm tới 90%.
Đại dương hấp thụ tới 1/3 khí thải các-bon đi-ô-xít trong lúc sản sinh tới 50 % lượng ô-xy chúng ta hít thở. Nhưng cái giá phải trả của việc hút nhiều lượng CO2 là ngày càng tăng lượng axit trong nước. Giáo sư O’Dor nói: Hai điều tồi tệ nhất xảy đến với đại dương là sự ấm lên toàn cầu và axit hóa đại dương. Chúng sẽ tạo nên những tác động khủng khiếp tới rạn san hô. Bởi sự axít hóa, san hô không thể phát triển và sẽ bị phân hủy.
Đại dương trở nên axit hóa nhiều hơn 30% từ khi cách mạng công nghiệp bắt đầu vào thế kỷ 18 và được dự đoán sẽ tăng lượng axit tới 150% vào cuối thế kỷ này, theo báo cáo của UNESCO đưa ra năm ngoái. Một rặng san hô ở ngoài khơi biển Na Uy được phát hiện năm 2007 có nguy cơ sẽ chết vào năm 2020. Ước tính gần đây cho rằng, 30% rặng san hô sẽ lâm vào tình trạng nguy hiểm vào năm 2050, bởi tác động của việc axit hóa đại dương và trái đất ấm lên.
Mức axit cao cũng làm gián đoạn khả năng phát triển, tái sinh và thở của các sinh vật biển. Điều tra đời sống sinh vật biển cho biết, sinh vật phù du, những thực vật cực nhỏ sản sinh phần lớn ô-xy của đại dương đã giảm chừng 1% từ 1900. Con số tuy nhỏ nhưng ít người biết rằng đời sống thực vật ảnh hưởng rất lớn tới chuỗi thức ăn của các sinh vật biển khác. Chẳng hạn chim biển thường nghỉ và ăn ở Spitsbergen, một hòn đảo Na Uy gần Bắc Cực nay đã hoàn toàn vắng bóng bởi không còn nguồn thức ăn dồi dào như trước.
Giáo sư bảo tồn sinh học tại trường Oxford, Anh, Alex Rogers nói: Có những điều lớn lao không thể tính đếm bằng giá trị kinh tế được. Chúng ta có thể tính thiệt hại của nghề cá, nhưng sao có thể tính giá trị việc sản xuất ô-xy hay hấp thu các-bon đi-ô-xít của biển?
Các nhà bảo tồn biển cho rằng, ít nhất 30% đại dương cần được đưa vào vùng bảo vệ, nơi đánh cá và khai thác mỏ khoáng có giá trị ở đáy biển phải bị cấm hay hạn chế. Nhà sinh học biển Callum Robert, người giúp hình thành mạng lưới đầu tiên về các vùng bảo vệ biển năm 2010 nói rằng như thế chưa đủ. “Tôi có thể tổng kết: Chúng ta cần đánh cá ít hơn, bằng những cách gây hại ít hơn, ít nước hơn, ít ô nhiễm hơn và bảo vệ nhiều hơn. Chúng ta sẽ phải xây dựng sức sống, sự đa dạng, giàu có, của đời sống biển, tạo cho đại dương khả năng phục hồi chúng cần để vượt qua những giai đoạn khó khăn trước mắt”.
DƯƠNG QUÂN
Theo nhandan.com.vn