Sapa có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống trong đó có dân tộc Xá Phó. Là một dân tộc khá ít người ở Việt Nam, sống chủ yếu tại bản Nậm Sài Sapa Lào Cai. Mặc dù không có quá đông dân nhưng dân tộc vẫn có rất nhiều những lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa riêng. Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu lễ hội “cúng nương” là một lễ hội để cầu mùa của người dân Xá Phó.
Lễ “cúng nương” truyền thống của người dân Xá Phó Sapa
Lễ “cúng nương” diễn ra vào tháng 5 âm lịch trước vụ làm nương mới để cầu cho một năm mùa màng tươi tốt. Chuẩn bị cho buổi lễ, người ta sẽ chọn một ngày tốt nào đó trong tháng, chuẩn bị lễ vật, giống thóc, trang phục mới,…Mời mọi người đến giúp tra lúa thì phải mời cho đủ đôi, có nam có nữ. Người đi giúp là người mà gia đình không có tang.
Bà chủ của buổi lễ sẽ chuẩn bị lúa giống và các vật lễ khác và nấu cơm cho tất cả mọi người trước khi đi ra đồng. Những người đến giúp tra lúa phải là số chẵn đủ cặp đôi vì theo người Xá Phó quan niệm, cặp đôi chính là biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở là một sự viên mãn nhất, việc đủ cặp đủ đôi sẽ mang lại may mắn cho gia đình.
Lễ “cúng nương” của người Xá Phó
Chuẩn bị xong mọi thứ, mọi người sẽ cùng lên nương làm lễ. Vợ chồng chủ nhà đi trước, còn những cặp đôi khác đi sau, bà chủ thì đeo thóc giống còn chồng sẽ mang đồ lễ và phát đường cho vợ đi.
Để chuẩn bị cho buổi lễ thì trước ngày diễn ra, nương phải được dọn sạch để còn tra lúa mới. Bà con Xá Phó thường chọn những mảnh nương to nhất, rộng nhất, đẹp nhất thuộc sở hữu của gia đình để làm lễ cúng “ma nương”. Ma nương là loại ma trú ngụ ở ruộng nương, vì vậy người Xá Phó cho rằng nếu không cúng và chia đất cho ma này cẩn thận thì ma nương sẽ cùng với ma trời, ma rừng để làm hại mùa màng, năm đấy sẽ nhiều hạt lép, sâu bọ phá ruộng.
Nghi lễ “cúng nướng”
Lễ vật gồm 1 con gà trống lông đỏ, 1 chai rượu, 1 gói cơm tẻ, 1 vòng cổ bạc, 1 vòng tay bạc, xôi 5 màu, 1 đĩa là trầu không, vôi, 1 con dao nhọn,…
Khi tới nương, ông chủ nhà lấy dao chặt 1 cây nứa rồi làm 8 nan cắm ở đầu nương chỗ đặt lễ vật cúng. Sau đó, cắt 1 tàu lá chuối, 1 cái hoa chuối rừng vì chuối rừng vỏ vàng tượng trưng cho hạt thóc giống, hạt lúa vàng bóng, mùa màng bội thu. Chủ nhà cầm tầu lá chuối dải quay cầng về hướng đông – là hướng của sự sống. Sau đó lấy cụm lúa đặt ở giữa tầu lá, cho vòng bạc vào cum lúa, và một con gà được đeo vòng cổ. Với người Xá Phó, lúa cũng có hồn, vì thế họ đeo vòng bạc để giữ hồn lúa ở lại nương để sang năm mùa màng lại tươi tốt, bông lúa lại to vàng óng như chuối rừng.
Xong xuôi lễ, chủ nương sẽ dùng dao chẻ đủ 8 nan, cắm 2 nan chéo vào nhau tạo thành chữ u xuống đất ở 4 góc xung quanh lá chuối. Sau đó, chủ nương sẽ tiến hành lễ cúng nương với bài cúng riêng của dân tộc Xá Phó (Chủ nương sẽ cúng làm 2 lần).
Lễ hội truyền thống của người dân Xá Phó
Cúng xong chủ nương cúi người lạy để tạ ơn sau đó tiến hành tra lúa. Lúc này, vợ chồng nhà chủ sẽ mang dụng cụ và thóc vào vị trí thật nhanh, chồng thì húng còn vợ thì tra lúa giống, lần lượt những đôi khác cùng vậy, và người húng lúa phải là nam và người nữ chỉ cho lúa và lấp đất lại. Động tác này mang biểu tượng của sự phồn thực với người Xá Phó, người nam và người nữ phối hợp nhịp nhàng cùng cầu mong cho một năm mùa màng bội thu. Động tác này phải thực hiện nhanh nhất có thể vì họ tin rằng càng làm nhanh thì cây lúa càng sinh sôi phát triển nhanh, còn nếu làm chậm thì lúa chậm phát triển, sinh nhiều hạt lép.
Sau khi tra hết mảnh nương, chủ nương sẽ gọi tất cả mọi người, mời dùng lễ với hàm ý cầu may. Mọi người dùng tay bốc cơm, xôi, gà,… và uống rượu. Chủ nhà sẽ dùng trước sau đó, phải để lại một ít cho ma nương, như thế ma nương mới không tức giận mà phá hoại nương.
Đây là nghi lễ nông nghiệp giàu bản sắc văn hóa Xá Phó, nó là một tín ngưỡng đã gắn chặt với họ từ xa xưa, lễ cúng để giữ gìn truyền thống và để thêm lạc quan vào cuộc sống của họ. Lễ “cúng nương” là một giá trị văn hóa dân gian của riêng tộc Xá Phó nói chung trên cả nước và người Xá Phó ở Sapa nói riêng mà cần được giữ gìn và phát huy.
Sưu tầm