Cập nhật: 01/04/2017 15:58:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghề rèn ở thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, Vĩnh Tường từ lâu đã nổi tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Khoảng 5 năm trở lại đây, sản xuất - kinh doanh ở làng nghề này có nhiều đổi mới và phát triển. Có được kết quả trên là do người dân địa phương đã mạnh dạn vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) huyện Vĩnh Tường để đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc hiện đại. Đây là yếu tố quan trọng giúp làng nghề rèn có điều kiện thay đổi phương thức sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm cạnh tranh.

Có mặt tại gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, chúng tôi thấy đôi vợ chồng trẻ đang miệt mài làm việc bên các loại thiết bị máy móc hiện đại. Chỉ tay vào chồng thép lớn xếp ngay ngắn ở giữa nhà, anh Cường cho biết: “Nhìn mỗi tấm thép mỏng manh thế thôi nhưng cũng nặng hơn 1 tạ. Nếu không có chiếc cẩu tự hành này thì không biết bao giờ vợ chồng tôi mới vận chuyển hết những tấm thép kia vào máy dập”.

Được biết, 3 năm trở lại đây, anh Cường đã vay gần 1 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh huyện Vĩnh Tường để đầu tư đồng bộ nhiều loại thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ nghề rèn truyền thống của gia đình. Nhờ đó, quy mô sản xuất, kinh doanh của vợ chồng anh Cường ngày càng được mở rộng. Hiện nay, gia đình anh chuyên làm các loại phôi dao và cung ứng cho gần 100 hộ dân trong thôn Bàn Mạch.

Theo những người dân thôn Bàn Mạch, trước đây, chỉ những người có sức khỏe mới theo được nghề, vì mọi công đoạn đều phải làm thủ công, vất vả nhất là việc quay bễ, quai búa. Tuy nhiên, ngày nay, các công đoạn trên đều đã được làm bằng máy nên hầu hết ai cũng có thể làm được. Không những vậy, năng suất, chất lượng sản phẩm lại tăng cao gấp nhiều lần.

Anh Cường cho biết thêm: "Nếu ngày trước, làm nghề rèn vất vả, nặng nhọc bao nhiêu thì nay đã nhàn hạ hơn rất nhiều do có các thiết bị, máy móc hỗ trợ. Ngay như gia đình tôi, sau khi vay được vốn của ngân hàng, tôi đã mua 3 máy dập to, 4 máy đột và 1 cẩu tự hành. Nhờ có các loại thiết bị, máy móc này nên mỗi ngày vợ chồng tôi cho ra lò khoảng 2 tấn phôi dao, tăng gấp 50 lần so với ngày trước."

Không những nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, các loại thiết bị và máy móc hiện đại còn giúp vợ chồng anh Cường cắt giảm nhiều nhân công lao động, từ đó, giảm giá thành chi phí đầu vào cho mỗi sản phẩm. Với việc sản xuất và cung ứng phôi dao, trung bình mỗi năm, vợ chồng anh Cường thu lãi từ 300 - 400 triệu đồng.

Hiện nay, ở xã Lý Nhân có trên 10 khách hàng truyền thống có dư nợ khoảng 1 tỷ đồng/hộ ở Agribank Chi nhánh huyện Vĩnh Tường. Với gói vay lớn, các hộ này hầu hết đầu tư đồng bộ các loại thiết bị, máy móc hiện đại và mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh, đến nay, nhiều hộ đã có cuộc sống khấm khá, thậm chí, có hộ còn mua được đất mặt đường, ô tô phục vụ vận chuyển hàng hóa của làng nghề đi khắp các tỉnh, thành phố.

Anh Nguyễn Văn Thi cho biết: "Gia đình tôi đang vay hơn 1 tỷ đồng của Agribank Chi nhánh huyện Vĩnh Tường để đầu tư các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất - kinh doanh. Nếu không có nguồn vốn của ngân hàng, có lẽ, chúng tôi không có điều kiện để đổi mới phương thức sản xuất như thế này. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng những năm gần đây rất phù hợp, thủ tục vay vốn lại nhanh chóng giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn dễ dàng hơn".

Gia đình anh Nguyễn Văn Thi là một trong những hộ có quy mô sản xuất- kinh doanh lớn ở địa phương. Nhờ có đầy đủ các loại thiết bị, máy móc nên anh Thi có điều kiện sản xuất từ khâu làm phôi đến khâu hoàn thiện sản phẩm. Với hình thức sản xuất khép kín, trung bình mỗi ngày, gia đình anh cho ra lò hàng chục nghìn sản phẩm và thu về nguồn lợi nhuận từ 500 - 600 triệu đồng/năm.

Có thể khẳng định, với dư nợ hiện nay lên hàng chục tỷ đồng, Agribank chi nhánh huyện Vĩnh Tường đã và đang giúp các hộ làm nghề ở thôn Bàn Mạch từng bước hiện đại hóa phương thức sản xuất. Hiện nay, toàn xã có khoảng 500 máy búa, máy cán và máy dập, sản xuất hàng vạn sản phẩm/ngày. Việc đưa các loại thiết bị, máy móc vào sản xuất - kinh doanh đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở địa phương. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Lý Nhân ước đạt gần 150 tỷ đồng, chiếm gần 75%/tổng thu nhập.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm