Ngày 31- 3 tại TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Ban chỉ đạo quốc gia về y tế biển, đảo tổ chức sơ kết bốn năm triển khai đề án “phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” với sự tham gia của UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển cùng đại diện các bộ, ngành liên quan.
Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã tạo hành lang pháp lý để các bộ, ngành, địa phương đầu tư cho phát triển y tế, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, lực lượng vũ trang và người lao động đang sinh sống, hoạt động trong vùng biển, đảo Việt Nam; giúp người dân an tâm làm ăn, sinh sống, bám biển, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Qua bốn năm triển khai Đề án, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương đã chủ động thành lập ban chỉ đạo để chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với đặc thù của từng địa phương, đơn vị; đồng thời có hướng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện vận chuyển cho các huyện đảo… Nhờ đó, nhận thức của người dân về việc tự bảo vệ sức khỏe dần được nâng cao; người dân sinh sống trên các huyện đảo, xã đảo đã được hưởng thụ chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế.
Đến nay, các cơ sở khám chữa bệnh trên các huyện đảo, xã đảo và ven bờ từng bước được cải thiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giúp người dân có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng hơn. Nhiều nạn nhân bị tai nạn, bị bệnh hiểm nghèo đã được cứu sống kịp thời.
Sau khi phát động chương trình Ngành y tế cùng ngư dân bám biển, đã có hơn 2.000 tủ thuốc tặng cho các nghiệp đoàn nghề cá các tỉnh: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Hải Phòng để trang bị cho các tàu cá đánh bắt xa bờ.
Trên toàn tuyến biển, đảo các lực lượng quân y đã thực hiện cấp cứu, điều trị cho hàng nghìn lượt bệnh; khám bệnh, phát thuốc điều trị cho gần 90 nghìn lượt; phẫu thuật cho 1.850 người bệnh; tổ chức 22 chuyến bay trực thăng và 45 chuyến tàu quân sự vận chuyển bệnh nhân an toàn về đất liền... Tuy nhiên, một số bộ ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa của đề án, còn giao khoán cho ngành y tế trong việc triển khai đề án; công tác tuyên truyền còn chưa đủ để thay đổi nhận thức của ngư dân, người lao động trên biển, cư dân trên đảo về quyền bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý chưa đủ, một số cơ chế chính sách chưa phù hợp; thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng… dẫn đến hiệu quả thực hiện còn hạn chế.
Việc triển khai thực hiện các nội dung, mục tiêu của đề án vẫn còn chậm, thiếu đồng bộ mà nguyên nhân vẫn là chưa được sự quan tâm đúng mức của các cấp, các ngành. Kinh phí cho các hoạt động còn thiếu, cả ở trung ương và địa phương; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế vùng biển, đảo chưa được đầu tư thích đáng, chưa đáp ứng được yêu cầu; nguồn nhân lực phục vụ trong hệ thống y tế biển còn thiếu, hiểu biết về kiến thức y học biển còn hạn chế.
Để triển khai các nhiệm vụ, nội dung của Đề án giai đoạn 2017-2020 và những năm tiếp theo, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về y tế biển, đảo Phạm Lê Tuấn, cần tăng cường sự phối hợp liên ngành giữa các bộ, ngành ở Trung ương và chính quyền các địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền kế hoạch tổng thể, kế hoạch hằng năm và các dự án để triển khai Đề án.
Bộ Y tế cũng đề nghị Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức, điều phối hệ thống vận chuyển cấp cứu trên biển bằng các phương tiện do các địa phương, bộ ngành quản lý; đề xuất chủ trương đầu tư đóng mới, hoán cải tàu biển hiện có để có đủ điều kiện cấp cứu, điều trị trên các tàu quân sự, cảnh sát biển; đầu tư cho một số cơ sở cấp cứu biển để thực hiện nhiệm vụ đề án đề ra. Chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn xây dựng các phương án tổ chức, huy động phương tiện tàu thuyền, máy bay phục vụ công tác cấp cứu, cứu nạn trên biển; tăng cường công tác kết hợp quân dân y củng cố y tế cơ sở, xây dựng các cơ chế phối hợp liên ngành nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và bộ đội.
Các bộ, ngành rà soát, xây dựng dự án nâng cao năng lực các Trung tâm y tế để phục vụ y tế biển, đảo; các bộ, ngành địa phương xây dựng qui chế phối hợp trong việc triển khai Đề án; chủ động tìm kiếm các nguồn vốn viện trợ, ODA… và bố trí ngân sách ưu tiên cho các Sở ngành, huyện thị ven biển, để triển khai các hoạt động của Đề án.
Đối với các địa phương ven biển cần rà soát, kiện toàn kế hoạch triển khai thực hiện theo các chỉ tiêu, nhiệm vụ của đề án 317, bổ sung các dự án vào danh mục đầu tư công của địa phương và chủ động bố trí ngân sách từ nhiều nguồn để thực hiện. Nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tăng cường kết hợp quân dân y trong củng cố y tế cơ sở, sẵn sàng đáp ứng các tình huống khẩn cấp, phòng chống dịch bệnh và góp phần xây dựng thế trận phòng thủ trên đảo.
Việt Nam có đường bờ biển dài 3.260 km, có hơn 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ, gần bờ và xa bờ; có vùng nội thủy, lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích hơn một triệu km2. Việt Nam hiện có 153 quận, huyện, thị xã ven biểu, đảo thuộc 28 tỉnh, thành phố với tổng cộng 2.374 xã, phường thị trấn ven biển.
Theo HIẾU TUẤN
nhandan.com.vn