Sản xuất mây tre đan ở Văn Quán còn mang tính thủ công.
Được công nhận là nghề truyền thống, nghề mây tre đan đóng một vai trò không hề nhỏ cho phát triển kinh tế của xã miền núi Văn Quán (Lập Thạch), đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình.
Tuy vậy, đến nay, làng nghề mây tre đan truyền thống ở đây đang gặp phải không ít khó khăn.
Nghề phụ, thu nhập chính
Cũng giống như Triệu Đề, nghề mây tre đan ở Văn Quán đã có từ lâu đời. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, đan lát trở thành nghề phụ lúc nông nhàn, góp phần tăng thêm thu nhập cho không ít hộ gia đình. Hiện nay, Văn Quán có khoảng 140 hộ làm nghề, tập trung ở 2 thôn Nhật Tân và Xuân Lan, chiếm hơn 50% số hộ mỗi thôn. Ông Nguyễn Đình Chi (thôn Nhật Tân) cho biết: “Trong thôn chỉ có nhà làm ít nhà làm nhiều, còn hầu như nhà nào cũng làm mây tre đan, tranh thủ những lúc chập tối, sáng sớm hay những lúc nông nhàn, nhà thì làm rổ, rá, nhà làm lồng gà”.
Cùng với sự phát triển của thị trường, trong những năm qua, mây tre đan Văn Quán đã có những bước phát triển đáng kể. Là một nghề phụ, song sản xuất các sản phẩm mây tre đan đã đem lại cho người làm nghề khoản thu nhập không hề nhỏ. Chỉ tính riêng thôn Nhật Tân, tổng giá trị sản xuất kinh doanh năm 2012 đạt 6,21 tỷ đồng, trong đó, giá trị sản xuất của nghề đạt 3,49 tỷ, chiếm 56,2%. Thu nhập bình quân từ nghề đạt 3 triệu đồng/người/tháng đối với một lao động thường xuyên và hơn 1 triệu đồng/người/tháng đối với người làm tranh thủ lúc nhàn rỗi.
Đến nay, 2 thôn Xuân Lan và Nhật Tân đều đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Ông Nguyễn Trường Giang – cán bộ khuyến công xã Văn Quán cho biết: Mây tre đan Văn Quán đa dạng về chủng loại như: rổ, rá, lồng gà, bu gà, dát giường, chao đèn, bàn ghế… Tùy theo từng thời điểm và nhu cầu của thị trường mà người làm nghề có sự chuyển đổi một cách linh hoạt. Bà Nguyễn Thị Mỵ (Nhật Tân) không giấu nổi niềm vui: “Thời điểm từ tháng 7 đến nay, đặc biệt là vào những tháng giáp tết, nhu cầu về lồng gà, bu gà lớn, 2 vợ chồng tôi tập trung vào làm lồng, không phải đi bán, mà có lái buôn vào tận nhà lấy. So với làm rổ, rá, làm lồng nhanh hơn mà thu nhập khá cao, khoảng gần 5 triệu đồng mỗi tháng. Dù chỉ là nghề phụ, làm tranh thủ làm những lúc không phải ra đồng, song nó lại là nguồn thu chính của gia đình tôi”.
Khó khăn trong sản xuất truyền thống
Từ năm 2005, trong khi Nhật Tân vẫn tiếp tục với sản xuất các sản phẩm mây tre đan truyền thống, Xuân Lan hướng đến sản xuất dòng sản phẩm xuất khẩu thông qua hoạt động của doanh nghiệp Tiến Đa trên địa bàn. Song, cùng với những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, 2 năm trở lại đây sản xuất mây tre đan xuất khẩu ở Xuân Lan có sự sụt giảm nghiêm trọng do thị trường bị bó hẹp, sản xuất của doanh nghiệp bị hạn chế. Nếu trước đây, trong thôn có khoảng 60% số hộ làm mây tre đan xuất khẩu, thì đến nay, trong thôn chỉ còn khoảng 20 hộ duy trì sản xuất. Tuy vậy, thu nhập từ làm mây tre đan xuất khẩu không cao, thấp hơn so với sản xuất mây tre đan truyền thống, do phải nhập nguyên vật liệu, công lao động thấp.
Không chỉ khó khăn về thị trường xuất khẩu do tác động từ bên ngoài, việc sản xuất mây tre đan truyền thống được xem là có ưu thế hơn hiện nay cũng gặp không ít khó khăn như việc sản xuất còn mang tính chất thủ công, năng suất lao động thấp. Bà Mỵ cho biết: “Mỗi ngày, 2 vợ chồng tôi làm được khoảng chục cái lồng gà, không đủ bán, có những hôm 4 - 5 người vào hỏi mua, đặt hàng, song tôi cũng chỉ dám nhận bán cho một người vì sợ làm không kịp”.
Tuy vậy, trường hợp lái buôn vào đến tận nhà lấy hàng, đặt hàng như thế không phải lúc nào cũng có, tùy thuộc vào từng thời điểm, từng hộ làm nghề. Được biết, mặc dù được công nhận là làng nghề truyền thống song sản xuất mây tre đan ở Văn Quán còn mang tính chất nhỏ lẻ, không thường xuyên, số hộ làm nghề nhiều, song quy mô không lớn, chủ yếu làm tranh thủ thời gian nông nhàn. Cùng với đó là thị trường không ổn đinh nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Ông Chi chia sẻ: “Nhà tôi làm thúng, rổ, rá. Thi thoảng có khách đến đặt hàng song không nhiều, chủ yếu vẫn phải tự mình đem ra các chợ huyện để bán”.
Đứng trước những khó khăn trong phát triển làng nghề, ông Giang cho biết: “Năm 2013, chúng tôi đã tổ chức 2 lớp đào tạo nghề mây tre đan cho 30 học viên tham gia. Dự kiến, trong những năm tiếp theo, xã sẽ tiếp tục mở thêm nhiều lớp đào tạo nâng cao tay nghề, hướng tới các sản phẩm cao cấp, tinh xảo hơn. Đặc biệt, với nguồn vốn hỗ trợ phát triển làng nghề, thời gian tới, xã sẽ khuyến khích bà con đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, mở rộng, phát triển làng nghề, khai thác tối đa tiềm năng vốn có của địa phương là nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào”.
Sưu tầm