Không biết tự bao giờ, lễ hội xuống đồng, hay còn gọi là lễ hội Lồng Tồng (theo tiếng dân tộc Cao Lan) đã trở thành nét sinh hoạt cộng đồng đặc sắc của người dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô.
Sau những ngày nghỉ Tết, vui Xuân, đồng bào Cao Lan lại tất bật chuẩn bị một mùa sản xuất mới; các thôn bản nhộn nhịp chuẩn bị lễ hội xuống đồng để cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Theo nghi lễ hàng năm, lễ hội Xuống đồng được bà con người Cao Lan sinh sống ở 4 thôn Đồng Dạ, Đồng Găng, Đồng Dong và Xóm Mới tổ chức từ ngày 7 đến 16 tháng Giêng âm lịch. Từ vài ngày trước hội, các cụ cao niên trong làng, trong xã đã tổ chức họp bàn, phân công công việc chuẩn bị; riêng các thanh niên thì chuẩn bị trang phục, dụng cụ. Buổi sáng sớm ngày hội, các gia đình mang lễ vật ra đồng góp lễ. Các lễ vật được chuẩn bị một cách chu đáo với ý nghĩa báo cáo với tổ tiên thành quả lao động sau một năm, cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.
Dù trời lạnh và mưa nhưng vẫn có rất đông người dân đến tham gia lễ hội
Khi chúng tôi có mặt ở thôn Đồng Dong, trên khắp các cánh đồng, bà con nông dân đã tấp nập đi dự hội; cánh đồng thường ngày vốn yên bình bỗng trở nên nhộn nhịp trước không khí tưng bừng, vui vẻ của ngày hội. Những người phụ nữ hàng ngày chỉ mải mê với công việc đồng áng, những cụ già và các em nhỏ hôm nay cũng khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống màu sắc rực rỡ, hoa văn tinh tế để đi trẩy hội với khuôn mặt rạng ngời niềm vui. Những tiết mục văn nghệ đặc sắc mang đậm nét truyền thống của người Cao Lan: múa cầu mùa, lên nương, phát rẫy được các chàng trai, cô gái Cao Lan thể hiện. Bên cạnh đó còn có các trò chơi dân gian: ném còn, đập niêu, chọi gà, đặc biệt là cuộc thi cày, cấy. Ông Vi Đình Trưng, 80 tuổi, người trông coi đình làng thôn Đồng Dong cho biết: “Lễ hội xuống đồng của người Cao Lan chúng tôi đã có từ lâu đời, đây không chỉ là dịp để người dân ôn lại giá trị văn hoá truyền thống, tạo không khí vui tươi phấn khởi để bước vào vụ sản xuất mới, với mong ước mùa màng bội thu, mà còn là nét đẹp văn hoá truyền thống được giữ gìn qua bao năm, được mong đợi mỗi khi Tết đến, xuân về.”
Tiết mục múa "Lên nương"
Một trong những nghi lễ chính không thể thiếu trong lễ hội, phản ánh rõ nét nhất lễ tiết nông nghiệp của cư dân trồng lúa nước là việc bà con cầm nắm thóc vãi xuống đất và vẩy ít nước lên Trời với lời khấn cầu mong cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Đặc biệt, phần thi cấy, cầy là hai tiết mục làm cho bầu không khí trở nên náo nhiệt nhất. Dưới đôi bàn tay thoăn thoắt của các cô, các chị, từng nhánh mạ non xanh mướt được cấy thẳng hàng. Các thanh niên trai tráng cũng đang gắng sức lật từng thớ đất trong mỗi đường cày, bừa của mình, hứa hẹn đem lại một mùa sản xuất nông nghiệp nhiều may mắn. Thông qua những hoạt động tập thể này, bà con nông dân sẽ có được những giây phút thư giãn, thoải mái, tạo sự hứng khởi trước khi bước vào vụ sản xuất mới. Đây không chỉ là hoạt động nhằm phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết, tạo nên không khí thi đua sôi nổi trong lao động, sản xuất của những ngày đầu xuân mới.
Đồng chí Trần Văn Dung, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Quang Yên phấn khởi cho biết: “Năm nay, lễ hội xuống đồng ở 4 thôn trong xã đều được các thôn tổ chức với quy mô lớn hơn năm trước, với hình thức, nội dung phong phú, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Nếu như những năm trước đây, lễ hội được tổ chức trong 2 ngày thì năm nay các thôn đều tổ chức trong 3 ngày. Đặc biệt phần lễ hội, ngoài những trò chơi dân gian ném còn, thi cấy, cày như mọi năm thì các thôn cũng tổ chức thêm nhiều những trò chơi mới như bóng chuyền, chọi gà, bịt mắt đập niêu, buổi tối thì chiếu phim lưu động phục vụ nhân dân... Từ khí thế và tinh thần trong lễ hội xuống đồng, chúng tôi tin tưởng sẽ thực hiện thắng lợi vụ Xuân và các vụ sản xuất khác trong năm”.
Sưu tầm