Cập nhật: 05/04/2017 16:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là làng nghề tái chế bông ở thôn Gia, Yên Đồng, Yên lạc. Về Yên Đồng mà hỏi nghề bật chăn bông và tái chế bông thì ai cũng biết. Song muốn biết thật rõ ràng về nghề tái chế bông thì chỉ có thôn Gia là nổi tiếng nhất.

Theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Trập, một nghệ nhân lâu năm trong nghề cho biết: Nghề làm cốt lõi chăn bông được du nhập về thôn Gia – Yên Đồng từ năm 1911. Những năm đầu mới hình thành, chỉ có một số hộ gia đình với dụng cụ sản xuất cốt lõi chăn bông rất thô sơ, nguyên vật liệu là phế liệu vải sợi được thu mua từ Hà Tây và các tỉnh miền núi phiá Bắc, thị trường thì nhỏ hẹp, chỉ quanh xã và một số xã lân cận, đến khi nguồn bông khan hiếm, người dân trong làng đã nghĩ ra việc tái chế bông từ các mảnh vải loại của nhà máy. Năm 2006, trong tổng số 623 người dân trong độ tuổi lao động thì đã có 356 người làm nghề, cả làng có 266 hộ thì có 148 hộ làm nghề tái chế bông (trong đó chưa tính đội ngũ lao động của làng đi làm ở nơi khác). Giá trị sản xuất của làng nghề tái chế bông (năm 2005) đạt trên 7 tỷ đồng, giải quyết hầu hết công ăn việc làm cho người dân trong làng với thu nhập gần 1 triệu đồng một người/tháng.

Việc tái chế bông làm theo hai cách: Thủ công và làm bằng máy. Những mảnh vải vụn của các nhà máy được mua về được tẩy trắng, để khô, sau đó, dùng dao to bản, dày và thật sắc băm những mảnh vải sao cho thật nhỏ, rồi cho vào máy để máy tước nhỏ sợi vải thành những sợi bông. Còn làm bằng máy thì đơn giản hơn, tẩy trắng bông và cho vào máy tước nhỏ cho thành sợi bông là được. Sợi bông tái chế xong, sẽ được gia công thành các sản phẩm chăn, gối, đệm… bán rộng rãi trên thị trường.

Sắp tới, làng nghề của thôn sẽ được quy hoạch đi vào sản xuất tập trung với diện tích đất khoảng 5ha; động viên các hộ gia đình mở xưởng để sản xuất lớn và đa dạng hoá sản phẩm; xã tạo điều kiện để cho các hộ sản xuất tái chế bông và chăn bông đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi để phục vụ sản xuất hiệu quả hơn.

Trong tương lai, làng nghề thôn Gia sẽ phát triển hơn nữa, để xứng đáng là một làng nghề có truyền thống lâu đời.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm