Cập nhật: 07/04/2017 16:08:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tàu Trung Quốc tổ chức nạo vét, bồi đắp trái phép trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Nguồn: Reuters)

Ngay trong ngày đầu diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, thời báo The Washington Times số ra ngày 6/4 đã đăng bài phân tích về việc Mỹ cần có hành động mạnh mẽ đối với các hoạt động vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông.

Theo bài viết, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida đưa đến cho Mỹ cơ hội tái định hướng chính sách của Mỹ trong việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo thế giới cũng có thể giúp Mỹ tạo ra nền tảng cho khung quan hệ hợp tác Mỹ-Trung hướng tới sự ổn định, đảm bảo lợi ích của Mỹ không bị đe dọa, duy trì tự do hàng hải, không để các hành động quân sự hóa tiếp diễn đồng thời góp phần bảo vệ môi trường biển tại khu vực.

Bài viết cho rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ đều nhận thức rõ những lợi ích của Mỹ tại khu vực, tuy nhiên, dường như chính quyền Tổng thống Donald Trump vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm đối với chính sách của mình tại Biển Đông, mặc dù chính quyền mới của Mỹ đã từng chỉ trích mạnh mẽ Trung Quốc về vấn đề thâm hụt thương mại, các hành động quân sự hóa tại Biển Đông và việc giải quyết vấn đề khủng hoảng hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên.

Phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về "đường lưỡi bò" tại Biển Đông kết luận rằng việc Trung Quốc ngăn chặn ngư dân Philippines đánh bắt cá tại bãi cạn Scarborough là vi phạm luật pháp quốc tế.

Phán quyết cũng đồng thời bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong phạm vi "đường chín đoạn." Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục thách thức luật pháp quốc tế, tiến hành xây dựng các đường băng và các cảng quân sự tại Biển Đông.

Qua phân tích các bức ảnh vệ tinh chụp các thực thể tại Biển Đông gần đây, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) kết luận rằng các công trình quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông như các đường băng, nhà chứa máy bay, các trạm radar và nhà chứa tên lửa đất đối không đã được hoàn thành hoặc gần hoàn thành.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng mạnh mẽ lên án việc Trung Quốc tiến hành các hoạt động tôn tạo, xây dựng đảo nhân tạo tại Biển Đông là hành động chiếm đóng bất hợp pháp tại các khu vực có tranh chấp, không phù hợp với các quy định quốc tế và cần phải dừng lại.

Biển Đông có vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng với tuyến đường biển huyết mạch đi qua, hằng năm có khoảng 45.000 chuyến tàu vận tải qua lại, trị giá hàng hóa vận chuyển qua đây lên tới 5.000 tỷ USD, chiếm hơn một nửa lưu lượng vận tải đường thủy trên toàn thế giới. Hơn 80% lượng xăng dầu của Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan được vận chuyển qua vùng biển này.

Bất chấp phán quyết của tòa trọng tài quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục tiến hành mở rộng các hoạt động tôn tạo tại 7 thực thể tại Trường Sa, làm hủy hoại các rạn san hô tại đây.

Mặc dù có những phát biểu không ủng hộ vấn đề chống biến đổi khí hậu nhưng chính quyền tổng thống Donald Trump không thể làm ngơ trước việc Trung Quốc tiếp tục các hoạt động nạo vét làm hủy hoại môi trường sinh thái biển.

Theo các nhà khoa học, việc Trung Quốc hủy hoại các rạn san hô sẽ gây ra thiệt hại lâu dài đối với môi trường biển. Nếu tiếp tục các hoạt động hủy hoại môi trường sinh thái, nguy cơ mất an ninh lương thực sẽ hiện hữu và đe dọa tới cuộc sống của hơn 500 triệu người dân khu vực vốn sống chủ yếu dựa vào các hoạt động đánh bắt cá tại các ngư trường truyền thống.

Chuyên gia sinh thái, sinh học biển John W. McManus cho rằng các tranh chấp lãnh thổ là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự hủy hoại môi trường sinh thái biển, nhất là việc xây dựng cảng biển quân sự tại các đảo ở Biển Đông, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các loài sinh vật tại đây.

Giải quyết vấn đề môi trường Biển Đông cần sự hợp tác của tất cả các bên có tranh chấp. Karin Dokken, một nhà khoa học chính trị tại Trường Đại học Oslo cảnh báo rằng: "Vấn đề môi trường có thể tạo ra sự hợp tác xong cũng có thể kích hoạt các xung đột. Nếu các bên tranh chấp không tìm ra được giải pháp chung cho vấn đề môi trường, rất có thể xung đột sẽ xảy ra."

Do phải mưu toan cuộc sống, ngư dân khu vực cũng đang rơi vào nguy hiểm vì bị đẩy ra tuyến đầu trong cuộc chiến môi trường sinh thái mới. Các va chạm giữa ngư dân Trung Quốc và các quốc gia láng giềng là những ví dụ điển hình.

Vì vậy, tại cuộc đối thoại quan trọng này, Mỹ cần hành động có chủ đích, đã đến lúc Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo, cảnh báo mạnh mẽ các hành động vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông và rằng Mỹ không có ý định từ bỏ lợi ích và các cam kết của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh đó, Mỹ nên tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng hải tại Biển Đông; tái khẳng định các hiệp định quân sự với đồng minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; ủng hộ sử dụng các biện pháp hòa bình giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; ủng hộ các bên tuân thủ luật pháp quốc tế; các hoạt động bay tuần tra trên không phận quốc tế là hợp pháp và phù hợp với luật pháp quốc tế; các bên cần tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng sinh học cũng như môi trường sinh thái tại Biển Đông.

 

Theo NGUYỄN HOÀNG/WASHINGTON/VIETNAM+

http://www.vietnamplus.vn/my-can-thach-thuc-cac-hanh-dong-cua-trung-quoc-tai-bien-dong/439807.vnp

 

Tệp đính kèm