Cập nhật: 09/04/2017 16:11:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 7/4, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức tọa đàm với chủ đề “Triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW đối với các doanh nghiệp du lịch”.

Ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Ông Ngô Đông Hải, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn đánh giá cao vai trò của ngành du lịch, luôn quan tâm và tạo điều kiện để ngành phát triển.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng đã chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế hiệu quả. Trong xu thế chung đó, ngành du lịch cũng đã chuyển mình mạnh mẽ, phát triển nhanh chóng, đang chứng minh là một ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Theo công bố của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến năm 2016, ngành du lịch đã đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm, lần đầu tiên đạt 10 triệu lượt khách quốc tế/năm; đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 6,1% và gián tiếp, lan toả đạt 14%.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng, bên cạnh kết quả đạt được, ngành du lịch vẫn còn nhiều yếu kém. Trong đó, thấy rõ nhất là chưa có nhiều sản phẩm du lịch thật sự hấp dẫn, cạnh tranh; chất lượng dịch vụ nhiều nơi chưa đáp ứng được nhu cầu; quy mô DN du lịch chủ yếu là nhỏ, vừa, nhân lực hạn chế. Nhiều DN chạy theo du lịch giá rẻ, giá trị gia tăng thấp, khai thác ngắn hạn, ảnh hưởng đến vấn đề môi trường sinh thái…

Do đó, ông Ngô Đông Hải cho rằng, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” có ý nghĩa lịch sử đối với sự nghiệp phát triển du lịch Việt Nam nói chung, DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch nói riêng.

Nghị quyết đã khẳng định quan điểm của Đảng trong việc định hướng, tạo mọi điều kiện để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Cũng trong những ngày này, nhiều địa phương, tổ chức, đơn vị đang phấn khởi triển khai nghiên cứu quán triệt Nghị quyết 08 và xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 08 của địa phương, tổ chức, đơn vị mình.

Phát triển du lịch có bản sắc và bền vững

Tại buổi tọa đàm, các tổ chức, DN du lịch đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, liên hệ các nhận định của Nghị quyết 08 đối với trường hợp cụ thể của DN, đơn vị mình để đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết 08; liên hệ, cụ thể hoá thành mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của mình; xác định trách nhiệm trong liên kết, phối hợp để nâng tầm du lịch Việt Nam, kiến nghị Nhà nước ban hành chính sách, giải pháp cụ thể tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, việc thực hiện mục tiêu tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD, giá trị xuất khẩu qua du lịch đạt 20 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm... như Nghị quyết đề ra đòi hỏi toàn ngành du lịch và DN phải nỗ lực rất lớn.

Các DN phải nỗ lực tăng doanh thu nhưng không phải bằng mọi giá mà quan trọng nhất là phải có nhận thức rõ ràng về du lịch có trách nhiệm, có văn hoá, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Cần nhận thức du lịch đòi hỏi tính liên ngành, liên vùng, do đó cần có sự phối hợp tạo ra chuỗi sản phẩm cũng như bảo đảm lợi ích của cộng đồng dân cư ở các điểm du lịch.

Các DN cần có sự phối hợp, cam kết không phá giá dịch vụ, chạy theo các hoạt động du lịch rẻ tiền, cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng đến môi trường. Các DN cần có sự phân chia lĩnh vực hoạt động theo sở trường, xây dựng các nhóm liên kết đủ mạnh, mới giúp tăng sức cạnh tranh.

Các DN để phát triển bền vững cần có chính sách ngắn hạn kết hợp với dài hạn, nghiên cứu kỹ thị trường để đưa ra các sản phẩm du lịch mới.

Thay vì cạnh tranh, tranh giành nhân lực giỏi của nhau, các DN cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực du lịch bài bản theo chiến lược phát triển.

“Mỗi DN thay vì thấy mô hình nào làm ăn dễ rồi đua nhau làm thì cần phải xây dựng cho mình những sản phẩm du lịch riêng biệt. Mỗi năm, một DN nên cố gắng công bố một sản phẩm du lịch được nâng cấp hoặc xây dựng mới”, ông Bình nhấn mạnh.

Có cùng quan điểm, ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist - Tổng Công ty Du lịch Hà Nội - cho rằng các DN du lịch cần hướng tới các sản phẩm khác biệt để tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm du lịch của các nước trên thế giới.

Nhấn mạnh đến các yếu tố khác ngoài DN, ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Hà Nội cho rằng, vai trò của các cấp chính quyền trong việc xây dựng và phát triển môi trường du lịch, đầu tư xây dựng những điều kiện trọng yếu như hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất, cơ sở pháp lý cho các hoạt động du lịch. Còn cộng đồng dân cư, có thể nói họ sẽ đóng vai trò “sứ giả” khi tiếp xúc với khách đến địa phương du lịch. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, vai trò của dân cư khi tiếp xúc với khách du lịch chiếm đến 50-60% phản hồi đánh giá của khách, quyết định tới việc khách du lịch có quay lại không.

Theo Huy Thắng/chinhphu.vn

Tệp đính kèm