Cập nhật: 19/04/2017 15:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một điểm bán hàng chỉ dành riêng cho khách nước ngoài tại Quảng Ninh vừa bị xử phạt. 

Mới đây, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo chấn chỉnh hình thức kinh doanh du lịch “tua 0 đồng”. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ chủ trì, phối hợp các cơ quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm chấn chỉnh hình thức kinh doanh du lịch này nhằm bảo vệ hình ảnh, uy tín du lịch Việt Nam.

Hệ lụy từ việc kinh doanh du lịch “tua 0 đồng” dư luận đã đề cập nhiều. Vấn đề đặt ra là cùng với việc xuất hiện những tua du lịch này là số lượng khách tăng quá nhanh tại một số điểm đến, gây ra tình trạng quá tải, lộn xộn, mất trật tự công cộng, làm khó khăn cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự và vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó là tình trạng bán hàng phá giá khiến du khách bị “chặt chém”, gây thất thu thuế cho địa phương và cả nước; tình trạng nợ tiền của các công ty lữ hành Trung Quốc với các cơ sở cung ứng dịch vụ tại Việt Nam dễ dẫn tới rủi ro cho các doanh nghiệp trong nước. Đó là chưa kể, đây là thị trường khách dễ chịu tác động của các biến động, tăng trưởng nhanh nhưng cũng có thể sụt giảm đột ngột.

Do đó, theo các chuyên gia du lịch, để giải quyết tình trạng này, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên; kiên quyết xử phạt và rút giấy phép hoạt động đối với những doanh nghiệp, hướng dẫn viên có hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu, xác định rõ đối tượng khách và sức chứa, khả năng phục vụ của điểm đến để có kế hoạch phát triển sản phẩm và thị trường phù hợp. Đối với các cơ sở cung ứng dịch vụ mua sắm tại điểm đến, chính quyền địa phương cần phối hợp cơ quan chức năng quản lý các điểm này, yêu cầu niêm yết giá và phục vụ tất cả các đối tượng khách; có biện pháp mạnh để xử lý tình trạng cố tình phá giá, không xuất hóa đơn tài chính, nhất là tình trạng khép kín trong các trung tâm bán hàng. Tại các điểm đến, cần phát cho khách tờ rơi Bộ quy tắc ứng xử trong du lịch, hướng dẫn những điều khách được làm, không được làm, từ đó hạn chế những biểu hiện gây mất trật tự công cộng, ảnh hưởng môi trường…

Theo Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, trước mắt, tổng cục sẽ phối hợp Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù để xử lý mạnh tay những sai phạm trong kinh doanh du lịch, tập trung ở những địa bàn trọng điểm; lập tức rút giấy phép kinh doanh đối với các đơn vị lữ hành bán tua phối hợp các cửa hàng kinh doanh khép kín chỉ phục vụ khách Trung Quốc. Lãnh đạo Tổng cục nhấn mạnh biện pháp quản lý về lâu dài là cần bổ sung vào Luật Du lịch một số nội dung về các hành vi bị cấm như: doanh nghiệp kinh doanh kiểu mua đầu khách, vi phạm quy định về thương mại, giao dịch ngoại tệ; quy định hình thức xử phạt ở mức cao. Đối với một số trường hợp, cần áp dụng cả Bộ luật Hình sự vào xử lý nếu tính chất sự việc nghiêm trọng. Tổng cục Du lịch Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc trong lĩnh vực quản lý Nhà nước để bảo đảm quyền lợi cho khách du lịch hai bên, bảo đảm môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh, hiệu quả.

Chuyên viên Lê Vàng của Vụ Thị trường thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, chính Cục Du lịch quốc gia Trung Quốc cũng đã phải luật hóa một số nội dung liên quan việc chấn chỉnh các “tua du lịch 0 đồng” trong nước mình. Điều 46 Nghị định quản lý lữ hành của nước này đã quy định: hợp đồng tua của các đơn vị phải chi tiết các điểm mua sắm trong chương trình và bắt buộc phải thông báo cho khách nắm được. Bất kỳ công ty nào có hành vi lừa dối, ép buộc khách mua sắm sẽ bị phạt nặng từ 10 đến 50 vạn nhân dân tệ, tước thẻ hành nghề đối với hướng dẫn viên, trưởng đoàn, và tước giấy phép hoạt động của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) lại đẩy mạnh khâu tuyên truyền, cảnh báo du khách bằng cách trình chiếu với tần suất cao các đoạn phim giúp khách cảnh giác với hàng nhái và những “bẫy mua sắm” khi tham gia “tua du lịch 0 đồng”. Hàn Quốc cũng đã “quyết chiến” với những doanh nghiệp kinh doanh “tua du lịch 0 đồng” với việc tước giấy phép của gần 70 doanh nghiệp. Đây là những giải pháp mang tính gợi ý mà ngành du lịch Việt Nam có thể tìm hiểu, cân nhắc, điều chỉnh để áp dụng.

 

Theo TRANG ANH/ nhandan.com.vn 

Tệp đính kèm