Trong Chương trình phát triển Công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp, làng nghề giai đoạn 2010-2015, xã Triệu Đề huyện Lập Thạch xác định: Việc duy trì và phát triển làng nghề nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ định hướng đó, xã Triệu Đề đã tập trung chỉ đạo, tạo điệu kiện và khuyến khích người dân phát triển kinh tế làng nghề theo hướng bền vững.
HTX sản xuất mây tre đan xã Cao Phong tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương
Toàn xã Triệu Đề có 12 thôn, trong đó người dân của 7 thôn thuộc làng Triệu Xá có nghề truyền thống làm mây tre đan; với các sản phẩm chủ yếu là: thúng, mủng, nong, nia..., phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Trước đây, do chất lượng sản phẩm chưa cao, lại sản xuất với quy mô nhỏ nên hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp. Vì vậy, để làng nghề thực sự trở thành thế mạnh, mở ra hướng đi mới trong quá trình phát triển và hội nhập của địa phương. Chính quyền xã Triệu Đề đã tạo mọi điều kiện thuận lợi như: giúp người dân có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi mở rộng quy mô sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn. Nhờ đó các sản phẩm mây tre đan của làng Triệu Xá đã có sự cải tiến nhiều về hình thức và chất lượng, được nhiều người dân ưa chuộng; đặc biệt một số sản phẩm chất lượng cao đã được xuất khẩu sang các nước Châu Âu.
Việc phát huy có hiệu quả thế mạnh làng nghề truyền thống ở xã Triệu Đề không chỉ góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động; tăng thu nhập cho người dân, mà còn là tiền đề quan trọng để địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình đã đề ra./.
Sưu tầm