Cập nhật: 26/04/2017 15:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong màn sương sớm còn chưa tan, đúng 6 giờ 30 phút ngày 6/2/2014 (tức ngày mồng 7 tháng Giêng), đoàn rước cây bông đã tập trung đông đủ các thành phần tại nhà văn hóa thôn Yên Phú - làng Thượng Yên (Đồng Thịnh - Sông Lô) để chuẩn bị nghi thức rước cây bông về cúng tế tại đền Thượng. Bộ trang phục quần trắng, áo the khăn xếp, hia, mũ đỏ của các chân kiệu và đội quan viên tế làm nổi thêm sắc màu lễ hội. 

Đồng hồ điểm 7 giờ, chiêng trống gióng lên 3 hồi báo hiệu nghi thức rước cây bông bắt đầu. Đội hình đám rước đi đầu là cờ thần, phường bát âm, bộ bát bửu, tiếp đến là kiệu lễ và sau nữa là 3 cây bông lúa, bông vải, bông đỗ. Đông đảo nhân dân địa phương và du khách chen chân theo trước và sau đám rước. Cứ mỗi lần đám rước nghỉ trạm, thì trong tiếng trống, tiếng chiêng hòa tiếng dòng người hân hoan, nô nức, còn có cả những điệu múa lân, múa sinh tiền…

Đông đảo người dân xem hội chờ mong kết thúc lễ tế để cướp lộc bông.

Trên suốt đoạn đường từ nhà văn hóa thôn Yên Phú về đến đền Thượng, người xem đứng chật các ngõ, tìm cho mình một địa điểm thích hợp để có thể quan sát toàn bộ lễ rước. Chị Dương Minh cho biết: “Kinh nghiệm mấy năm trước, đi theo đám rước toàn bị xô đẩy, kéo nhau nên năm nay, từ sáng sớm, mấy chị em đã chuẩn bị sẵn ghế trên tầng 2 ngôi nhà để có thể quan sát từ xa và ghi lại hình ảnh đám rước mà không bị che khuất tầm nhìn. Còn các cụ, mặc dù cũng háo hức xem hội nhưng chỉ biết dựa cửa nghe tiếng chiêng trống đi qua chứ không dám theo kiệu đám rước”.

Khi đám rước về đến sân đền Thượng, lễ khai hội bắt đầu. Trong mùi thoang thoảng hương trầm, một lần nữa nhân dân và du khách gần xa cùng tưởng nhớ lại công lao của vị thần Tản Viên Sơn thánh cũng như nguồn gốc, ý nghĩa đầy đủ của lễ hội cướp bông. Sau lễ khai hội, đội tế lễ gồm 18 người bắt đầu vào phần việc của mình. Kịch tính và hấp dẫn nhất là phần hội cướp bông. Đúng 10 giờ 30 phút, sau khi thực hiện xong việc tế cây bông, chủ tế báo hiệu nghi thức cướp bông bắt đầu, tiếng chiêng trống gióng lên liên hồi, trong nháy mắt, đoàn người quần đảo, tranh giành cướp bông, hoặc nếu không thể cướp được bông cũng mong được chạm tay vào thân cây bông. Người cướp được bông sẽ đem về đặt trang trọng trên bàn thờ gia tiên. Quan niệm dân gian ở vùng này rằng, nếu ai cướp được bông hoặc chạm được tay vào linh vật thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ. Buổi chiều cùng ngày, đông đảo người đi hội tham gia các trò chơi như bịt mắt bắt vịt, đập niêu, kéo co, cờ tướng… trong tiếng reo hò, cổ vũ của đoàn người. Không khí sân đền bắt đầu nóng lên khi có không ít người giành được chiến thắng trong các trò chơi. Và họ tin rằng, với những chiến thắng này sẽ là điềm báo mang đến những thắng lợi cho họ trong cả năm nay.

Ngày vui hội kết thúc, lễ tế tạ và đóng cửa đình sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ ngày mùng 8 tháng Giêng. Trên những cánh đồng xuân tại xã Đồng Thịnh, cây lúa đã xanh màu trở lại, chở theo những khát vọng và niềm tin của nhân dân trong vùng về một mùa bội thu, nhà nhà no ấm.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm