Cập nhật: 02/05/2017 10:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Gần đây, bộ phim Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn) bị khán giả của suất chiếu sớm livestream (phát trực tiếp) trên Facebook lại “hâm nóng” dư luận chuyện phát tán phim trên mạng.

Khán giả đã livestream bộ phim Em chưa 18 trên Facebook - Ảnh chụp từ Facebook nhân vật

Trước giờ, việc xem lậu một bộ phim có bản quyền vừa mới ra rạp hình như đã thành chuyện “xưa như quả đất”!

Khán giả vô ý hay rạp quản lý kém?

Ngay sau khi được phản ảnh phát hiện một khán giả nữ đang phát trực tuyến bộ phim Em chưa 18 trên Facebook tại cụm rạp CGV Cần Thơ ngay trong suất chiếu sớm, nhiều người trong êkip của đoàn phim như nam diễn viên Kiều Minh Tuấn, Will 365 và nhà sản xuất Charlie Nguyễn đều lên tiếng phản đối hành động này.

“Tôi thật sự cảm thấy buồn vì ý thức của những bạn trẻ này. Không chỉ nói riêng cho bộ phim và việc phạm luật, những gì họ đang làm sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho cả nền điện ảnh mà trong đó có cả họ là khán giả” - đạo diễn Charlie Nguyễn chia sẻ.

Tuy nhiên, chính nữ khán giả đó sau khi bị phát hiện và bị yêu cầu xử lý lại tỏ thái độ bất cần và có những phản ứng tục tĩu đối với những góp ý của cư dân mạng.

Trước đó, có nhiều phim Việt từng là nạn nhân của việc xâm hại bản quyền trên mạng như: bản full HD Bụi đời Chợ Lớn 60 phút từng xuất hiện tràn lan trên các trang phim dù chưa ra rạp, Chạy đi rồi tính vừa ra rạp đã liên tục bị khán giả phát livestream trên Facebook. Tấm Cám - chuyện chưa kể, Vòng eo 56... cũng khiến nhà sản xuất đau đầu vì bị phát tán trên mạng.

Một thực tế cho thấy việc quản lý chặt chẽ rạp chỉ diễn ra tại nhiều cụm rạp ở Sài Gòn, Hà Nội. Còn ở một số nơi khác, việc quản lý rạp lại “thoáng” hơn.

Kaity Nguyễn của Em chưa 18, một phim mới chiếu suất trước khi ra mắt đã bị livestream.

Bảo vệ bản quyền, chuyện không bao giờ cũ

Ông Hà Thân, tổng giám đốc Công ty cổ phần tin học Lạc Việt, cho biết để hạn chế việc sao chép bản quyền, nhiều đơn vị đã áp dụng công nghệ như mã hóa đoạn văn, chống cho copy bằng chữ và hình ảnh...

Thậm chí còn có công nghệ phát hiện sự sao chép, có thể phát hiện đoạn văn đó sao chép từ đâu. “Nhưng công nghệ chỉ có thể giúp được phần nào và đúng lúc đúng chỗ. Quan trọng là phải có sự can thiệp của luật pháp.

Tuy nhiên đối với thủ phạm vi phạm bản quyền chính là các chuyên gia công nghệ thì cũng... bó tay” - ông Hà Thân nói.

Ông Hà Thân cũng cho rằng vấn đề thực thi luật pháp trong việc bảo vệ bản quyền còn lỏng lẻo, trong khi đã có những văn bản pháp lý chỉ rõ nếu phát hiện những văn hóa phẩm bị sao chép thì có thể yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ Internet ngưng dịch vụ đó lại.

Bức xúc trước vấn đề này, luật sư Phan Vũ Tuấn thấy khó hiểu tại sao người xem không chịu bỏ ra vài chục ngàn ra rạp để thưởng thức một bộ phim hoành tráng, mà lại thích xem phim lậu với hình ảnh nhòe nhoẹt trên mạng?

Bởi trong nhiều bộ phim được phát tán trên các website, có rất nhiều bộ phim mới công chiếu, thậm chí là “bom tấn” như Kong: Skull Island, Fast and furious...

Luật sư Phan Vũ Tuấn cũng nhận xét công nghệ giờ đây thay đổi quá nhanh, đặc biệt với phần mềm live broadcast (truyền hình trực tuyến), càng tạo điều kiện dễ dàng cho việc vi phạm bản quyền và phát tán trên mạng.

Theo luật sư Phan Vũ Tuấn, việc xử lý các vi phạm về bản quyền sách, phim... không khó, nhờ vào các quy định pháp luật hiện hành và tùy mức độ nặng nhẹ.

“Việc chia sẻ một cuốn sách, một bộ phim lên mạng không chỉ khiến đơn vị xuất bản hoặc đơn vị sản xuất phim thất thu một cuốn sách, một lượt vé xem phim, mà có thể dẫn tới thất thu hàng ngàn, hàng triệu cuốn sách, hoặc hàng trăm ngàn, hàng triệu lượt vé xem dựa theo lượt chia sẻ, hoặc được lưu lại, phát tán bằng các hình thức khác.

Lúc đó, đơn vị sản xuất bị xâm phạm hoàn toàn có thể khởi kiện và yêu cầu đền bù những thiệt hại trên” - luật sư Tuấn nói.

Luật sư Tuấn cũng cho biết có thể căn cứ vào văn bản pháp luật đã có để ngăn chặn chuyện xâm hại bản quyền. Tuy nhiên, ngoài việc nỗ lực bảo vệ bản quyền bằng công nghệ, bằng pháp luật, việc nâng cao ý thức người dân về vấn đề bản quyền mới là quan trọng nhất.

Khi được hỏi ý kiến về việc chống nạn quay phim trực tuyến vi phạm bản quyền tại rạp phim, có khán giả đã đề xuất lắp thiết bị phá sóng trong rạp, vừa khỏi lo ngại phim bị quay lậu, vừa ngăn được một số khán giả sử dụng điện thoại trong rạp.

Tuy nhiên, đây không hẳn là một ý tưởng khả thi vì còn rất nhiều vấn đề khác phải bàn...

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

Theo tuoitre.vn

Tệp đính kèm