Bản Đoòng, một bản làng nhỏ nằm giữa vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, bên cạnh hang Én và kỳ quan Sơn Đoòng, đây là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, cuộc sống của họ gần như tách biệt với bên ngoài vì đường đi lại cách trở.
Bản làng giữa kỳ quan
Vượt qua quãng đường gần 100km từ TP Đồng Hới, rồi theo chân cán bộ kiểm lâm Hồ Trung Hậu, chúng tôi cuốc bộ gần 3 giờ đồng hồ men theo lối mòn nhỏ giữa đại ngàn Trường Sơn, băng qua những dòng suối, những con dốc cao dựng đứng, đi sâu vào vùng lõi Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để tìm đến với bản Đoòng, bản làng đặc biệt nằm bên cửa hang động lớn nhất thế giới – hang Sơn Đoòng.
Trên con đường vào bản, chúng tôi được cán bộ kiểm lâm Hồ Trung Hậu kể cho nghe những câu chuyện về bản Đoòng, những tập tục của đồng bào nơi đây và cả công việc đầy gian nan cũng như những kỷ niệm gắn bó của các cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng với đồng bào. Cuốn theo những câu chuyện của anh kiểm lâm vui tính và thỉnh thoảng là điệp khúc khích lệ “gần đến” của anh khiến sự mệt nhọc trong hành trình của chúng tôi vơi đi rất nhiều.
“Cố lên các phóng viên trẻ, băng qua cánh rừng này là chúng ta đến nơi rồi, cũng may là đi vào mùa này, chứ vào mùa mưa đường đi lại khó khăn, trơn trượt, vắt rừng thì nhiều, ghê lắm”, vừa nói, cán bộ Hậu rút trong túi quần ra một ống thuốc xịt nhỏ rồi tiếp lời “bảo bối để chơi bọn vắt đó chú ạ”.
Là một bản làng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, bản Đoòng là nơi sinh sống của của đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều, bản nằm trên một mô đất bằng phẳng giữa thung lũng gần với hang Én và hang Sơn Đoòng, bao quanh là những vách núi dựng đứng hùng vỹ đẹp đến nao lòng. Cả bản chỉ có vỏn vẹn 10 hộ dân với hơn 40 nhân khẩu, nằm lọt thỏm giữa đại ngàn, đường sá đi lại gian nan cách trở, người dân bản Đoòng sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.
Đến với bản Đoòng khi trời mặt trời vừa đứng bóng, bản làng nhỏ với những nóc nhà lụp sụp đặc trưng của đồng bào dân tộc hiện ra trước mắt chúng tôi, dừng chân trước căn nhà của anh Nguyễn Văn Tường (SN 1981), là một trong những người con của trưởng bản và cũng là anh em của những công dân khác trong bản làng này. Nhấp chén rượu với củ sắn vừa luộc, Tường bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống mưu sinh của anh cũng như người dân bản Đoòng.
“Dân bản nghèo lắm, sống nhờ vào rừng cả, hàng ngày tui cứ lên rừng bẻ măng, xuống suối bắt con cá để cả nhà ăn, ngày mô biết ngày đó rứa chứ không mua không bán chi cả, cứ hết là lại đi bắt tiếp, rồi cũng nuôi con gà, con lợn, trồng sắn, trồng sạu để ăn hằng ngày nữa”, anh Tường tâm sự.
Cả bản đều là anh em
Sau ít phút dừng chân, cán bộ Hậu tiếp tục dẫn chúng tôi đến gặp trưởng bản, vị cán bộ kiểm lâm cũng không quên cảnh báo chúng tôi về sự khó tính của người được cho là quyền uy nhất nơi này. Quả thực như vậy, phải mất một lúc thuyết phục, chúng tôi mới được vị trưởng bản tiếp chuyện. Ngồi trầm ngâm bên bếp lửa, Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc, người dân bản vẫn thường gọi là “bố Tòa” bắt đầu giới thiệu cho những vị khách miền xuôi về gốc tích bản làng của mình.
Bản Đoòng được hình thành từ năm 1990, “bố Tòa” là một trong 4 người đầu tiên di cư đến vùng đất này để dựng nhà lập bản, và cũng từ đó đến nay, ông là Trưởng bản duy nhất. “Ngày xưa tui và 3 người nữa đến đây rồi lập bản, sau ni sinh con sinh cái dần đông lên, người trong bản đều là anh em họ hàng cả, vì thế nên con cháu tui ở đây cứ đến tuổi thì phải cắt rừng, băng suối đến các bản khác để tìm vợ, gả chồng, tui làm trưởng bản đến giờ đã là 27 năm rồi”, “bố Tòa” chia sẻ.
Qua vài ba câu chuyện, “bố Tòa” dần cởi mở, ông vui vẻ mời chúng tôi lên nhà ăn ngô, uống nước lá rừng để nói chuyện được nhiều hơn. Bố Tòa tâm sự, vì không có đường, không điện, không trạm y tế, không có sóng điện thoại nên cuộc sống của người dân bản Đoòng vô cùng vất vả, phải chịu cái đói, cái nghèo và sự lạc hậu. Hơn nữa, vì là vùng trũng nên vào mùa mưa lũ, bản Đoòng bị cô lập hoàn toàn, hiểm nguy luôn rình rập.
“Ở đây mưa lũ là sợ lắm, lũ to nhất là cách đây 7 năm, sau những trận mưa lớn, nước từ trên núi đổ về, chảy xiết, cuốn trôi hết nhà cửa, không còn chi cả, cả bản phải chạy lên vùng núi cao tìm nơi trú ẩn, phải ăn măng rừng mà sống, lũ rút lại về dựng lại nhà sinh sống tiếp”, vợ của Trưởng bản “bố Tòa” nhớ lại trận lũ năm 2010.
Ngoài việc lên rừng tìm rau, bẻ măng, bắt cá, người dân bản Đoòng còn trồng ngô, sắn để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày, ở đây cũng từng có gần 2 ha ruộng để trồng lúa nằm bên bờ suối nhưng nhiều năm nay, do không có nước về nên đất trở nên cằn cỗi phải bỏ hoang, dân bản vẫn sống nhờ vào gạo hỗ trợ của Nhà nước. Cũng vì cách trở nên người dân bản Đoòng rất ít khi về xuôi, có con đường, cái điện vẫn luôn là niềm ao ước của đồng bào nơi đây.
Thiếu úy Lê Thế Quang, một cán bộ kiểm lâm có thâm niên nhiều năm gắn bó với người dân bản Đoòng cho biết, mặc dù cuộc sống khó khăn, lạc hậu nhưng người dân tại bản Đoòng vẫn luôn chấp hành tốt các quy định về bảo vệ rừng, không đốt rừng làm rẫy, cam kết thực hiện tốt các quy định bảo vệ rừng Quốc gia với lực lượng kiểm lâm. Cứ như vậy, hằng ngày người dân bản Đoòng vẫn sống chan hòa, gắn với rừng, với thiên nhiên giữa lòng rừng di sản!
Sưu tầm