Ảnh Internet
Lễ hội là di sản văn hóa của dân tộc ta, là sinh hoạt cộng đồng hấp dẫn, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia. Trên khắp đất nước ta, địa phương nào cũng có lễ hội, diễn ra quanh năm, phần lớn là vào đầu năm.
Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống nhằm thoả mãn khát vọng trở về cội nguồn, sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ, sáng tạo văn hoá của nhân dân. Trong số đó các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số có những nét đặc sắc riêng rất giá trị, vì vậy việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần đó là hết sức cần thiết.
Hiện nay, tại một số địa phương vẫn còn lưu giữ được các lễ hội truyền thống văn hoá quý báu đó như, Lễ hội Ok om bok của đồng bào Khmer - Sóc Trăng, lễ hội này diễn ra hàng năm vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Theo quan niệm của bà con Khmer, đây là ngày cuối cùng một chu kỳ của mặt trăng xoay quanh trái đất, và cũng là thời điểm hết thời vụ của năm. Cúng trăng là để tạ ơn thần mặt trăng trong một năm đã bảo vệ mùa màng, đem lại mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu cho mọi nhà, đồng thời giúp cho nông dân trúng mùa trong năm tới; Lễ hội trò trám của đồng bào dân tộc Tày – Phú Thọ, diễn ra từ đêm 11 đến hết ngày 12 tháng Giêng hàng năm, chính là lễ còn lại duy nhất hiện nay ở miền Bắc còn lưu giữ tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, mừng nòi giống, mong muốn con người sinh sôi nảy nở; Lễ hội Ka Tê của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận diễn ra vào mồng 1 tháng 7 âm lịch hàng năm(theo lịch Chăm), không còn là niềm vui riêng của bà con dân tộc Chăm như trước đây, mà có thể nói đây là một trong những ngày hội lớn của các dân tộc anh em Kinh, Chăm, Raglai; Lễ hội Lồng tồng của đồng bào Tày, Nùng phía Bắc, diễn ra hàng năm vào 15,16 tháng Giêng. Đây là lễ hội dân gian truyền thống của người dân địa phương, được tổ chức với mong ước một năm mới mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc....ở những lễ hội này, người ta vẫn có thể bắt gặp những nhân tố mang tính chất truyền thống như trang phục, cách tế lễ thần linh và các vật tế lễ…..Thông thường ở những lễ hội mang tính chất thuần tuý là hướng đến được giao lưu tình cảm, vui chơi giải trí và cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, người người khoẻ mạnh, nhà nhà no ấm thì các yếu tố liên quan đến lễ hội cũng không cầu kỳ mà thường là những sản vật do bà con tự sản xuất được như con gà, gùi lúa…
Thi cấy lúa trong lễ hội Lồng tồng
Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là hiện giờ có những lễ hội hiếm hoi còn lưu giữ được bản sắc truyền thống, thì lại có hàng ngàn lễ hội khác của bà con các dân tộc thiểu số lại đang rơi vào tình trạng bị quên lãng hoặc bị biến tướng, thêm thắt nửa truyền thống, nửa hiện đại không còn mang đậm những giá trị văn hoá nguyên sơ, nguyên vẹn truyền thống như ban đầu.
Trong khi các lễ hội làng, bản của đồng bào dân tộc thiểu số đang có xu hướng bị thu hẹp và mất dần bản sắc thì những lễ hội du lịch lại được mở rộng dần. Những lễ hội này thường chạy theo xu hướng vui chơi, giải trí kết hợp với mục đích kinh doanh mà ít chú ý tới những yếu tố tạo nên bản sắc văn hoá và tính truyền thống của nó, ở những lễ hội này, ta thường bắt gặp nhan nhản sản phẩm hàng hoá hiện đại hay các trò vui chơi ăn đỏ đen, thiếu văn minh.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương lại mắc bệnh hình thức là đua nhau tổ chức các lễ hội mà lại thiếu mất sự nghiên cứu kỹ lưỡng nên thường tạo ra những lễ hội na ná giống nhau, không tạo ra được bản sắc riêng biệt của từng dân tộc, từng địa phương. Hay một điều đáng buồn hơn là nhiều nơi cố gắng tổ chức lễ hội nhưng trong những buổi trọng lễ ấy lại chẳng có ai mang trang phục dân tộc của mình mà toàn bộ đã được “Âu hóa” Một số tỉnh chỉ đến khi phục dựng lại lễ hội mới nhanh chóng may một số bộ trang phục dân tộc thì lại không giống với trang phục truyền thống.
Việc mất dần những bản sắc văn hoá riêng trong các lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số đang đưa ra báo động xanh cho các cấp quản lý. Nên chăng gìn giữ và duy trì những lễ hội dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số thì việc đầu tiên là tuyên truyền để bà con các dân tộc hiểu rõ giá trị của các lễ hội dân gian truyền thống đó . Ngoài ra, sự hỗ trợ của các tổ chức về mặt tinh thần và vật chất để các lễ hội có điều kiện được khôi phục cũng là một điều vô cùng cần thiết khi điều kiện cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Theo điều tra, thống kê, tổng số lễ hội trong toàn quốc có 7.966 lễ hội, trong đó: Lễ hội Dân gian 7.039 (chiếm 88,36%); Lễ hội Tôn giáo 544 (chiếm 6,82%); Lễ hội Lịch sử cách mạng 332 (chiếm 4,16%); Lễ hội Du nhập từ nước ngoài 10 (chiếm 0,12%); Lễ hội khác 40 (chiếm 0,50%)./.
Sưu tầm