Cập nhật: 12/06/2017 14:55:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam hiện đã xác định được hơn 11 nghìn loài sinh vật biển cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình; xác định được khoảng 35 loại hình khoáng sản có quy mô trữ lượng khai thác khác nhau, nhất là nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt.

Do tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường biển thiếu bền vững đang dẫn đến tình trạng suy giảm các nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển và ô nhiễm môi trường biển, hải đảo, nhất là ô nhiễm môi trường những vùng biển ven bờ.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), hiện nay có khoảng từ 70% đến 80% số lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ trong nước. Nguồn rác thải nêu trên chủ yếu là từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý ra các con sông ở vùng đồng bằng ven biển, hoặc xả thẳng ra biển, với hàng triệu tấn chất thải mỗi năm.

Hiện nay, nước biển tại một số khu vực có biểu hiện bị a- xit hóa do độ pH trong nước biển tầng mặt biến đổi. Nước biển ven bờ có biểu hiện bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, kẽm, một số chủng thuốc bảo vệ thực vật. Do chất lượng môi trường biển thay đổi dẫn đến nơi cư trú tự nhiên của loài bị phá hủy, gây tổn thất lớn về đa dạng vùng bờ, với ước tính có khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và hơn 70 loài đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.

Tiến sĩ Dư Văn Toán (Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo) cho biết: Do sự phát triển, mở rộng đô thị và sự gia tăng dân số cơ học, việc xây dựng bến cảng và nhà máy; các hoạt động du lịch và nuôi trồng thủy hải sản đã không chỉ còn là nguy cơ, mà sự ô nhiễm môi trường đã phá vỡ nhiều cảnh quan và tính đa dạng sinh học (ÐDSH) tại nhiều vùng biển ở nước ta. Ðiển hình như Vịnh Hạ Long, từ năm 1999, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã cảnh báo rằng việc xây dựng cảng mới ở vùng Vịnh Hạ Long, có thể dẫn đến sự gia tăng về giao thông đường biển trong khu vực. Việc phát triển cơ sở hạ tầng của du lịch cũng là mối đe dọa đối với Vịnh Hạ Long… Biến đổi khí hậu với mực nước dâng cao có thể tác động mạnh tới cảnh quan, hệ thống đảo, hang động và ÐDSH của Vịnh mà Việt Nam lại chưa đủ nguồn nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó…

Theo Bộ trưởng TN và MT Trần Hồng Hà: Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chúng ta đã thiết lập và vận hành hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về biển và hải đảo từ trung ương đến địa phương. Các bộ, ngành, địa phương có biển đã tổ chức rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phục vụ quản lý biển và hải đảo. Ðặc biệt, với Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý cho việc sử dụng, quản lý, bảo vệ các vùng biển, đảo và phát triển kinh tế biển của Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tăng cường hợp tác với các nước vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Bộ TN và MT đã phối hợp các bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, thống kê các nguồn thải ra môi trường biển, quan trắc môi trường biển, cũng như thực hiện các giải pháp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đầu tư kinh phí xây dựng các hệ thống xử lý chất thải tại các khu vực ven biển; thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra nhằm xử lý kịp thời các vụ vi phạm gây ô nhiễm môi trường biển; tích cực trồng rừng ngập mặn, bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ven biển, xây dựng quy hoạch các khu bảo tồn biển…

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tình trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và môi trường biển thiếu bền vững, làm suy giảm các nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học; suy giảm các hệ sinh thái biển và ô nhiễm môi trường biển, hải đảo, nhất là ô nhiễm môi trường những vùng biển ven bờ, hình thành nên các điểm nóng ô nhiễm. Ðể khắc phục tình trạng nêu trên, hưởng ứng Ngày Ðại dương thế giới (8- 6); Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2017 (từ ngày 1 đến 8- 6) có chủ đề “Vì tương lai của chúng ta”, Bộ TN và MT kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên cả nước có những hành động thiết thực để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam ở Biển Ðông. Khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, tích cực bảo vệ môi trường biển; nâng cao ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, từng bước khẳng định vị thế Việt Nam là một quốc gia mạnh về biển; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng vì sự phát triển bền vững của đất nước…

 

Theo THÚY HỒNG /nhandan.com.vn

Tệp đính kèm