Cập nhật: 12/06/2017 14:56:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đội tàu đánh bắt thủy sản của ngư dân đảo Lý Sơn. Ảnh: KT.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, đến nay, cùng với sự phát triển các ngành, nghề biển, vẫn còn những vấn đề lớn về phát huy động lực cần giải quyết, những khó khăn về tổ chức và quản lý cần tháo gỡ, những vụ việc vi phạm về môi trường và làm suy thoái hệ sinh thái biển cũng đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời.

Phát triển kinh tế biển còn nhiều bất cập

Thực tế những năm qua cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế vùng ven biển, những vụ việc vi phạm về môi trường và làm suy thoái hệ sinh thái biển xảy ra nhiều hơn, mức độ vi phạm ngày một lớn, quy mô tác hại có xu hướng tăng dần, nhất là chung quanh các khu công nghiệp, các dự án lớn vùng cửa sông, ven biển. Có những cơ sở công nghiệp, hoặc đô thị dọc ven biển có các việc làm tác động xấu với môi trường biển lân cận hoặc các cửa sông, trong đó có vụ việc Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra tại vùng biển bốn tỉnh miền trung thời gian qua.

Ở góc độ chủ quan, ta có thể nhìn nhận hai thực tế: Thứ nhất, đó là sự yếu kém và khó khăn của một số tập đoàn, tổng công ty lớn một thời được hy vọng làm đầu tàu cho kinh tế biển phát triển. Việc này đã để lại những hậu quả cho một số ngành kinh tế biển quan trọng, ưu tiên và có tính công nghiệp cao, giá trị sản phẩm làm ra hàng năm lớn, gây hệ lụy cho phát triển kinh tế biển về sau nếu không kịp thời cơ cấu những ngành đó. Thứ hai, thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa các ngành kinh tế biển. Chúng ta đều biết rằng, các ngành kinh tế biển gắn kết với nhau theo không gian biển được quy hoạch chặt chẽ trên nền tảng các nguồn tài nguyên khác nhau: tái tạo và phi tái tạo, từ những tiềm năng vật thể và phi vật thể, nhờ ưu thế địa kinh tế của khu vực, nhờ cảnh quan và nhờ những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Giàu lên từ biển không chỉ đo bằng sự đóng góp kinh tế biển vào GDP của đất nước mà còn ở cả sự cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng ven biển, hải đảo, phát triển văn hóa cũng như tiến bộ xã hội, tiềm lực tổng hợp để bảo đảm chủ quyền và an ninh.

Riêng về thủy sản, nhiều năm qua, nhất là từ khi Bộ Chính trị có Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 6-5-1993 về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt, Đảng và Nhà nước đã có những chính sách nhằm phát triển mạnh sản xuất thủy sản và giải quyết khó khăn cho ngư dân. Nhờ các chính sách đầu tư, số tàu, thuyền và công suất máy trang bị tăng lên, cơ cấu nghề có bước chuyển đổi tích cực, các hộ ngư dân nghèo gắn với một số nghề ven bờ được hưởng một số chính sách ưu đãi.

Bên cạnh đó, năng lực khai thác có tăng lên nhưng không được đổi mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong nghề cá biển chậm được ứng dụng, dẫn tới năng suất lao động thấp, phụ thuộc vào đầu tư và cường lực khai thác. Đặc biệt, năng suất các nhân tố tổng hợp gần như không đáng kể, nguồn lợi một số vùng tiếp tục có xu hướng xấu đi, nhiều vùng và nhiều loài thể hiện rõ dấu hiệu cạn kiệt. Dù có tàu công suất lớn, trang bị tốt hơn, nhưng nhìn chung vẫn hoạt động theo hình thức phân tán, nhỏ lẻ, và đây là cơ cấu điển hình của tổ chức nghề cá biển nước ta hiện tại.

Cần nhiều giải pháp đột phá

Để vượt qua khó khăn và yếu kém trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, cần có những đề án mạnh mẽ và khả thi nhằm cơ cấu lại cũng như có lộ trình cụ thể để hình thành mô hình tăng trưởng mới, như Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã nêu: “Chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ”, từ đó làm cho ngành thủy sản nước ta thật sự có sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Với quan điểm tổng hợp về các ngành kinh tế biển, quản lý nhà nước về biển cũng cần tiếp cận tổng hợp đa ngành với cốt lõi là quản lý các hoạt động kinh tế. Điều đó có nghĩa là ở nước ta, hiện không nên tiếp cận công việc quản lý theo nguyên tắc: các bộ, ngành quản lý phần kinh tế biển riêng rẽ, một bộ tổng hợp quản lý chung, mà những cơ quan này hầu như không gắn với sản xuất, không gắn với các cộng đồng lao động. Tiếp cận quản lý như vậy tạo ra sự cắt khúc, nhiều tầng nấc, chồng chéo và thực tế không hiệu quả. Hơn nữa, kinh tế và xã hội vùng biển và ven biển có quan hệ mật thiết với nhau. Hoạt động khai thác của ngư dân trải khắp các ngư trường trong vùng đặc quyền kinh tế, cộng đồng ngư dân nước ta lâu nay sinh sống suốt dọc ven biển cũng như trên một số đảo với những tính chất xã hội truyền thống đặc thù. Chính vì lẽ đó, trong quản lý nhà nước về kinh tế biển cần chọn điểm nhấn là nghề cá.

Vì vậy, nên chăng đã đến lúc cần rà soát lại cách quản lý các ngành kinh tế biển cũng như thủy sản những năm qua. Từ đó, thông qua giải pháp về quản lý mới thật sự tạo đột phá mà không tốn kém nhiều cho sự phát triển tiếp theo về kinh tế, xã hội vùng biển đảo Việt Nam từ nay đến năm 2020.

 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm