Cập nhật: 14/06/2017 15:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cứ vào dịp 6/3 âm lịch hằng năm, người dân tỉnh Cao Bằng lại nô nức kéo nhau đi chẩy hội Sinh Mình (còn gọi là lễ hội Thanh Minh), ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên. Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, cầu cho mùa màng tươi tốt, bản làng bình yên, gia đình no ấm, lứa đôi hạnh phúc.

Phần thi nấu xôi ngũ sắc tại lễ hội. Ảnh: Phạm Khoa - TTXVN

Lễ hội bắt nguồn từ câu chuyện xa xưa, có một đôi trai gái người dân tộc Nùng tên là Sinh và Mình yêu nhau say đắm. Vì những hủ tục lạc hậu từ ngàn xưa để lại mà tình yêu của họ bị ngăn cấm. Tuyệt vọng, họ đành phải tìm đến cái chết để có thể mãi ở bên nhau.

Câu chuyện buồn về mối tình thủy chung, son sắt của chàng trai, cô gái ngày nào đã khiến dân làng thương cảm. Cứ đến tiết Thanh minh, khi người dân Cao Bằng làm lễ tảo mộ, dâng hương tưởng nhớ tiền nhân, người dân xã Phúc Sen đều tổ chức dâng hoa, cúng tế đôi trai gái để tỏ lòng cảm thông và an ủi linh hồn của họ. Đây cũng là lời nhắc nhở đối với các bậc cao niên, những người làm cha làm mẹ hãy loại bỏ những hủ tục không còn phù hợp trong đời sống hiện nay để ủng hộ cho hạnh phúc đôi lứa của con em mình. Giếng nước đôi trai gái quyên sinh năm xưa ngày nay trở thành địa điểm chính diễn ra hội Thanh minh.

Nhiều hoạt động vui chơi văn hóa mang đậm truyền thống dân tộc được tổ chức như: Hát lượn, hát đối đáp về chủ đề tình yêu; tổ chức các trò chơi dân gian: Tung còn, giao hữu bóng đá… Từng tốp thanh niên nam nữ trong trang phục truyền thống cùng nhau cất lên lời hát để thêm hiểu, thêm yêu bản làng, quê hương mình. Đây cũng là cơ hội giao lưu gặp gỡ, kết bạn của những đôi trai gái từ khắp các vùng để từ đó nảy nở, đâm chồi những mối tình đẹp, hứa hẹn sẽ đơm hoa kết trái trong một ngày gần mà không bị những hủ tục xưa kia ngăn cản.

Theo ông Sầm Việt An, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao vào Du lịch Cao Bằng, xã Phúc Sen, nơi đồng bào dân tộc Nùng sinh sống có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, có nhiều làng nghề nổi tiếng như nghề rèn dao, búa, nông cụ; nghề làm hương, nghề dệt thổ cẩm, nghề làm giấy bản…

Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, năm nay ngành văn hóa đã quyết định nâng cấp lễ hội từ cấp xã lên thành lễ hội cấp tỉnh, đồng thời hỗ trợ kinh phí cho địa phương tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí và thi tay nghề. Bên cạnh việc tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống, năm nay Ban tổ chức lễ hội còn tổ chức thêm màn thi rèn dao, thi quay lợn, nấu xôi, làm các món ăn đặc sản địa phương… Cuộc thi khuyến khích người dân nâng cao tay nghề, quảng bá sản phẩm, giữ gìn bản sắc văn hóa và thu hút khách du lịch.

Lễ hội năm nay, mặc dù trời mưa phùn, nhiệt độ xuống thấp nhưng hàng nghìn khách du lịch vẫn đổ về tham dự, tạo nên bầu không khí vui tươi phấn khởi tại địa phương.

 

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm