Tàu lưới rê của ngư dân Bùi Xuân Cử, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Theo số liệu tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, qua khoảng ba năm cho ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ, tỉnh Thái Bình là địa phương có số ngư dân vay vốn tham gia chương trình thuộc tốp thấp nhất cả nước. Đây là chủ trương mang lại nhiều lợi ích thiết thực, hiệu quả cho ngư dân đánh bắt xa bờ nhưng tại sao lại khó triển khai tại đây. Phóng viên Nhân Dân điện tử đã đi tìm hiểu thực tế tại địa phương.
Ba năm mới có tám ngư dân vay vốn đóng tàu
Thái Bình có khoảng 7.000 lao động đi biển với 1.200 phương tiện tàu, thuyền ven bờ và xa bờ. Những năm qua, các tàu cá hoạt động gần bờ thường không hiệu quả, cho thu nhập thấp. Những tàu công suất lớn vươn khơi khu vực Vịnh Bắc Bộ cũng khai thác bấp bênh do ngư trường đánh bắt không thuận lợi, sản lượng cá, tôm ít nên hầu hết ngư dân trong tỉnh đều vào tận vùng biển miền trung hoạt động. Với ngư trường xa đất liền thì nhu cầu nâng cấp công suất máy, chỉnh trang lại con tàu hoặc đóng mới tàu lớn đủ sức đi biển dài ngày, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu sản xuất là rất lớn. Nhưng thật ngạc nhiên, số lượng ngư dân tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn lại rất khiêm tốn. Hiện chỉ có 25 ngư dân đã được UBND tỉnh phê duyệt cho vay đóng mới tàu cá đợt 1, trong đó mới có tám ngư dân ký hợp đồng vay vốn ngân hàng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thái Bình, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Thái Bình, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Thái Bình và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Thái Bình.
Số tiền các ngân hàng cam kết cho tám ngư dân vay là 111,5 tỷ đồng, đã giải ngân được 111,4 tỷ đồng, còn lại 17 ngư dân chưa ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, điểm qua cũng thấy dường như các hợp đồng này rất khó được xúc tiến vì nhiều lý do, trong đó có hai ngư dân đề nghị lùi thời gian thực hiện; bảy ngư dân xin rút hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng; hai ngư dân rút hẳn khỏi chương trình; còn lại sáu ngư dân sau khi thẩm định thì các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã từ chối không cho vay, thông báo dừng xem xét hồ sơ và dừng tài trợ dự án đóng tàu vươn khơi. Như vậy, có thể thấy cho đến nay chỉ có tám ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ tại địa bàn tỉnh Thái Bình, một con số quá ít ỏi so với đánh giá thực tế về nhu cầu, tiềm năng cần thay thế, đóng mới phương tiện đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân ba huyện Tiền Hải, Thái Thụy và Kiến Xương.
Lỗi từ nhiều phía
Nhằm đẩy nhanh việc tiếp cận vốn vay đóng tàu của ngư dân địa phương, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Bình tổ chức các đoàn công tác gồm Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, lãnh đạo các ngân hàng thương mại tham gia chương trình, thành viên Tổ giúp việc và cán bộ tín dụng các ngân hàng thương mại xuống làm việc trực tiếp với 12 chủ tàu ở xã Nam Thịnh (huyện Tiền Hải); xã Thái Đô, Thụy Xuân và thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy) có nguyện vọng tham gia Nghị định 67 để nắm bắt tình hình thực tế. Tuy nhiên, một điều đáng nói là hầu hết các chủ tàu chưa nắm bắt đầy đủ cơ chế, chính sách hỗ trợ liên quan đến vay vốn theo Nghị định 67, nhất là quy định về mức cho vay, lãi suất, điều kiện vay vốn, thuế… Có trường hợp ngư dân đăng ký tham gia, đã được ngân hàng đánh giá cơ bản đủ điều kiện nhưng khi ngân hàng tiếp cận để đề nghị cho vay vốn thì ngư dân lại không vay hoặc đề nghị ngân hàng cho thời gian để nghiên cứu thêm về chính sách.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thái Bình, hầu hết các ngư dân đăng ký tham gia Nghị định 67 chưa xuất phát từ nhu cầu cũng như điều kiện thực tế của bản thân. Một số ngư dân đang hoạt động nghề dã kéo, bây giờ đề nghị nâng cấp thành tàu hoạt động nghề lưới vây để thuộc đối tượng được tham gia Nghị định 67, mặc dù ngư dân biết rõ việc chuyển đổi như vậy không có tính khả thi. Nhiều ngư dân đăng ký công suất đóng mới, nâng cấp quá lớn (để hưởng ưu đãi), vượt quá khả năng và kinh nghiệm quản lý để hưởng ưu đãi cao hơn. Một khó khăn nữa đặt ra với phần lớn ngư dân tỉnh Thái Bình, vì làm ăn nhỏ lẻ, ngắn ngày, không có tích lũy nguồn tài chính nên chính họ không thể huy động đủ vốn đối ứng (cho dù chỉ là 5% tổng số vốn vay theo quy định) để biến giấc mơ sở hữu tàu lớn vươn khơi, bám biển dài ngày thành hiện thực.
Về phía các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Thái Bình, trong thời gian qua chưa tích cực thực hiện chương trình vì tâm lý muốn bảo toàn vốn và sợ rủi ro khi đối tượng vay là người hành nghề trên biển. Việc tiếp nhận và gửi trả hồ sơ không có văn bản xác nhận, thậm chí từ chối cho vay không rõ ràng và có một thực tế là hồ sơ thẩm định kéo dài, làm ngư dân đợi chờ, mất rất nhiều thời gian, gây bức xúc không đáng có. Vì không mặn mà với đối tượng vay vốn là ngư dân nên các ngân hàng thương mại cũng chưa tích cực hướng dẫn khách hàng về cơ chế, chính sách, thủ tục vay vốn…
Đối với chính quyền các địa phương, nhất là chính quyền cấp xã thời gian qua để xảy ra sai sót lớn trong việc thẩm định không chặt chẽ về điều kiện tham gia chương trình của một số ngư dân, một số trường hợp không có tàu nhưng vẫn cho đăng ký nâng cấp tàu, cá biệt một số ngư dân đăng ký tham gia Nghị định 67 nhưng không có chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng theo quy định… Do chính quyền địa phương không sâu sát, không rà soát đưa các ngư dân không đủ điều kiện, không có nhu cầu ra khỏi danh sách nên gây khó khăn cho tỉnh, cho ban chỉ đạo cũng như ngành ngân hàng trong việc thẩm định, xét duyệt cho vay.
Một nguyên nhân không nhỏ làm cho ngư dân hoang mang, lo lắng đó là chất lượng, tay nghề của những đơn vị nhận đơn hàng đóng tàu cũng cần được UBND tỉnh quan tâm, xử lý nghiêm khi để xảy ra sai phạm, hỏng hóc, ảnh hưởng đến việc sản xuất trên biển của ngư dân. Đơn cử trong số tám con tàu được vay vốn đóng mới và đi vào hoạt động chưa lâu thì đã có hai con tàu vỏ thép của ngư dân Đặng Thanh Khuyên và Bùi Xuân Cử chất lượng sơn không bảo đảm, nghiêm trọng hơn một số chỗ trên tàu đã han rỉ. Tàu vỏ thép của ông Bùi Xuân Cử đi trên biển nước tràn vào phần vỏ trong tàu do bơm hút khô không hàn kín. Được biết, tàu của ông Cử do doanh nghiệp tư nhân cơ khí công nghiệp tàu thủy Nguyễn Văn Tuấn (địa chỉ xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đóng mới và bàn giao ngày 19-7-2016.
Như vậy, quá trình triển khai cho ngư dân vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ ở tỉnh Thái Bình đang gặp rất nhiều rào cản khác nhau từ nhiều phía. Nếu không sớm tháo gỡ, có giải pháp đồng bộ, quyết liệt vì mục tiêu cao nhất là tạo mọi hành lang pháp lý và điều kiện tốt nhất cho đối tượng ngư dân tiếp cận gần nhất, nhanh nhất với nguồn vốn vay để đóng tàu ra khơi sản xuất, nâng cao đời sống cũng như bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. .
Theo Bài và ảnh: MAI TÚ/nhandan.com.vn