Tàu xa bờ phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) làm lễ cầu ngư cho một mùa biển thắng lợi.
Dự kiến đến năm 2020, ngư dân Nghệ An có khoảng 1.600 tàu xa bờ, chiếm khoảng 41% tổng số tàu, thuyền đánh bắt toàn tỉnh, số tàu có công suất từ 250 CV đến hơn 1.500 CV là khoảng 1.120 chiếc, giúp họ vươn khơi xa đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Hiệu quả nhờ tàu lớn
Đứng trên con tàu công suất hơn 800 CV, biển kiểm soát NA 90802 TS được đóng theo chính sách hỗ trợ vay vốn của Nghị định 67/CP trị giá 10 tỷ đồng, ngư dân Nguyễn Văn Minh ở xóm Đại Bắc, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) phấn khởi cho biết: Những tàu được vay vốn theo Nghị định 67/CP (ngư dân gọi là tàu 67) có công suất lớn, thân vỏ chắc, có đầy đủ máy thông tin, định vị, tầm ngư hiện đại là mơ ước bao đời của ngư dân chúng tôi. Nhờ tàu lớn, vươn ra ngư trường Vịnh Bắc Bộ và những ngư trường mới cho nên đánh bắt hiệu quả hơn, thu được nhiều hải sản giá trị kinh tế cao.
Mặc dù bước đầu làm quen với trang, thiết bị hiện đại nhưng bình quân mỗi chuyến biển tàu ông Minh đã đạt doanh thu vài trăm triệu đồng, lãi khoảng 100 triệu đồng. Các thiết bị trên tàu 67 hiện đại, lại trang bị tời kéo lưới; thủy thủ có nơi lao động và nghỉ ngơi thuận tiện và đỡ vất vả hơn, ngư dân làm việc trên biển cũng nhàn hơn và thu nhập cao hơn so với trước đây, bình quân khoảng từ tám đến 10 triệu đồng/người/tháng. Có nhiều chuyến biển đi trong vòng 10 đến 15 ngày, nếu trúng luồng cá lớn, ngư dân được chia cả chục triệu đồng.
Ngư dân Nguyễn Văn Phương, phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai) chủ tàu vỏ thép NA 99299 TS công suất 822 CV khoe: Trước đây, đi tàu nhỏ, mỗi khi ra khơi vào mùa mưa bão là luôn đối mặt với nguy hiểm. Có nhiều hôm vừa ra đến vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ, nghe đài báo có gió cấp 5, cấp 6, đành quay đầu vào bờ, thua lỗ đủ bề. Nay, nhiều hôm “chui” trong sóng lớn đánh bắt mà tàu vẫn “vững như bàn thạch”. Nhờ có con tàu 67 đóng mới trị giá hơn 13 tỷ đồng này mà chưa đầy một năm hoạt động, ông Phương cùng các bạn tàu đã đi được 20 chuyến biển xa, đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị cao, đạt doanh thu hơn bốn tỷ đồng.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An Trần Hữu Tiến: Hai năm qua, ngư dân Nghệ An đã được duyệt hồ sơ đóng mới 101 tàu 67, với tổng số vốn 844 tỷ đồng. Hiện đã, đang đóng mới 71 tàu với số vốn giải ngân 579 tỷ đồng, đã có 69 tàu công suất lớn đi vào hoạt động. Đội tàu 67 của Nghệ An được đầu tư trang, thiết bị hiện đại, đồng bộ giúp ngư dân thuận lợi vươn khơi xa hơn, bám biển dài ngày hơn, làm ăn hiệu quả hơn so với trước đây. Đã có nhiều chuyến đi biển đạt doanh thu hơn một tỷ đồng, như các tàu của ngư dân Phạm Ngọc Sơn, Hoàng Đức Mến ở xã Tiến Thủy (Quỳnh Lưu). Cũng từ Nghị định 67/CP, Nghệ An đã hình thành được đội tàu dịch vụ hậu cần gồm năm chiếc, mỗi tháng đi ba đến bốn chuyến biển, thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng.
Chung vốn đóng tàu vươn khơi
Theo Chi cục trưởng Thủy sản Nghệ An Nguyễn Chí Lương: Thời gian qua, Nghệ An cùng các huyện, thị xã ven biển ưu tiên nguồn vốn thông qua nhiều chính sách khuyến khích ngư dân cải hoán tàu cũ, nâng công suất máy, đóng mới tàu lớn và hỗ trợ hệ thống thông tin liên lạc. Cùng với đó, hằng năm ngư dân Nghệ An huy động các nguồn lực, mạnh dạn vay vốn đầu tư hàng chục con tàu có công suất từ 500 CV đến 1.500 CV. Trong số những con tàu lớn vươn xa có không ít tàu được đóng mới từ nguồn vốn của con em nhiều ngư dân từng đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Tàu NA 90686 TS do thuyền trưởng Trần Xuân Khai ở xã Quỳnh Long có 15 người, thì có tới 12 người đã từng tham gia XKLĐ ở Đài Loan (Trung Quốc), Ma-lai-xi-a, Hàn Quốc, Gu-am (Mỹ). Hay tàu NA 96588 TS do Trần Văn Biển làm thuyền trưởng cũng có gần chục người từng đi XKLĐ ở Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Những con tàu này có công suất máy lên đến cả nghìn mã lực, giá trị mỗi con tàu khoảng chín đến 10 tỷ đồng đã dọc ngang vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ hay các vùng biển xa hơn. Anh Biển khoe, tháng 4 và tháng 5 vừa rồi, tàu đánh bắt hiệu quả, đạt doanh thu hơn hai tỷ đồng, mỗi thuyền viên được chia 50 triệu đồng, cao hơn thu nhập khi đi XKLĐ. Ngư dân Trần Đình Chính (45 tuổi) trên tàu NA 96588 TS từng có thâm niên tham gia đánh cá ở Đài Loan (Trung Quốc) tâm sự: Lao động trên biển ở xứ người quá vất vả, ngôn ngữ lại bất đồng. Khi đó chỉ ước mơ, khi nào về nhà có tiền đóng được tàu lớn mà vươn khơi xa. Nay mơ ước đó đã trở thành sự thật! Theo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long Trần Văn Nguyện: Trước đây, số vốn của những người đi XKLĐ ở Quỳnh Long cũng như một số địa phương khác thường đầu cơ đất đai, xây nhà cao tầng, sắm đồ đạc đắt tiền thì nay đã chuyển dần vào đầu tư tàu xa bờ, dịch vụ nghề cá... Rất nhiều người trong số đó đã hùn hạp đóng được tàu to, máy lớn, tham gia cổ phần để vươn khơi, bám biển. Nhờ đó, hoạt động nghề biển đạt hiệu quả cao đã hút lao động trở lại. Nhiều gia đình đã gọi chồng, con đi XKLĐ trở về cùng chung vốn đóng tàu đi biển.
Theo thống kê, năm 2010, đội tàu xa bờ hơn 90 CV của Nghệ An chỉ có 848 chiếc, chiếm khoảng 20% tổng số tàu, thuyền toàn tỉnh, thì nay đã tăng lên gần 1.400 chiếc, chiếm 35% và công suất máy bình quân đạt 390 CV/chiếc; tàu công suất từ 250 CV đến 1.577 CV có gần 1.000 chiếc. Đội tàu xa bờ đã “hút” lao động trực tiếp trên biển, bình quân mỗi tàu cần từ 10 đến 15 lao động cùng với một lượng lớn lao động gián tiếp trên bờ (nhất là phụ nữ) vào nghề dịch vụ: tiêu thụ, chế biến hải sản, đan vá lưới hay các nghề liên quan khác.
Theo Chủ tịch Hội Nghề cá Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) Phan Văn Hải: Từ ngày có tàu to, đánh bắt dài ngày, an toàn hơn khi hoạt động ở vùng biển xa. Tàu có khoang hầm lạnh rộng dễ sắp xếp hải sản và khi gặp luồng cá lớn vẫn đánh được hết, không để phí và đánh bắt được nhiều loại hải sản có giá trị cao. Là người tiên phong bám ngư trường Hoàng Sa, ông Hải cho biết thêm: Tuy ngư trường Hoàng Sa tương đối xa nhưng lại là nơi có nhiều hải sản giá trị kinh tế cao, doanh thu mỗi chuyến biển từ Hoàng Sa về khá đều, thường khoảng 300 đến 400 triệu đồng. Tàu to, máy lớn, thiết bị đánh bắt hiện đại đã tạo thuận lợi cho ngư dân bám ngư trường Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, sản lượng và chất lượng đánh bắt ở Nghệ An tăng nhanh, sáu tháng đầu năm 2017, sản lượng đánh bắt của tỉnh đạt 65,8 nghìn tấn hải sản các loại, bằng 138,5% so cùng kỳ năm 2016, giá trị xuất khẩu và kinh tế tăng cao. Cùng với đó, Nghệ An đã thành lập hơn 200 tổ, đội hợp tác trên biển (mỗi tổ có khoảng năm đến 10 tàu xa bờ) và được hỗ trợ máy thông tin tầm xa giúp việc làm ăn trên biển cũng như góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo.
Theo Giám đốc Ban quản lý cảng cá Nghệ An Nguyễn Hữu Thọ: Cơ sở hạ tầng nghề cá phát triển chưa tương xứng với sự phát triển của đội tàu xa bờ và hiện mới đáp ứng được khoảng 40 đến 50% nhu cầu của tàu xa bờ. Đáng chú ý, do thiếu kinh phí cho nên nhiều cửa lạch bị bồi cạn, không tổ chức nạo vét được khiến tàu lớn ra vào khó khăn. Các cảng cá lớn ở Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Diễn Châu chưa có đủ diện tích, mặt bằng, hệ thống giao thông kết nối còn yếu kém, chưa có trang, thiết bị bốc xếp lẫn nhà máy chế biến hiện đại và các dịch vụ hậu cần khác cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của tàu xa bờ. Ngoài ra, hệ thống khu neo đậu, tránh, trú bão trong tỉnh còn hạn chế; việc đào tạo chuyên môn kỹ thuật về khai thác các trang, thiết bị hiện đại trên tàu xa bờ, cách bảo dưỡng tàu (nhất là tàu vỏ thép) cho đội ngũ thuyền, máy trưởng, ngư dân chưa thật sự bài bản và chuyên nghiệp…
Theo Bài và ảnh: THÀNH CHÂU
nhandan.com.vn