Bên cạnh sự thuận tiện cho việc đi lại, giao thương của dân cư, vùng biên giới Tây Nam cũng là địa điểm hoạt động buôn lậu đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các mặt hàng thuốc lá, đường, hoa quả… đòi hỏi lực lượng Hải quan và các cơ quan chức năng phải vất vả đấu tranh, ứng phó.
Doanh nghiệp làm thủ tục sau thông quan tại cơ quan hải quan. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Nhiều phương thức, thủ đoạn buôn lậu
Theo quan sát của phóng viên, hoạt động buôn bán qua lại tại khu vực cửa khẩu biên giới Tây Nam diễn ra khá yên bình với các mặt hàng nông sản, hàng tiêu dùng thiết yếu, chủ yếu từ Thái Lan, Campuchia với số lượng hàng lưu thông không lớn. Ngoài bà con buôn bán, còn có khách du lịch sang tham quan, mua sắm…
Tuy nhiên, đằng sau vẻ yên bình ở cửa khẩu, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp tại các đường mòn, lối mở.
Ông Trần Quốc Hoàn, Cục trưởng Hải quan tỉnh An Giang cho biết, một trong những thủ đoạn của các đối tượng là tập kết hàng tại biên giới Campuchia, lợi dụng dòng sông biên giới chung, kênh rạch, đường mòn, các bến đò ngang. Đồng thời, thuê người canh đường nhiều nơi, nhiều điểm cả ngày đêm. Sau đó, chờ trời tối hoặc vắng các lực lượng chức năng, thẩm lậu hàng hóa qua biên giới.
Tại cửa khẩu Tịnh Biên, giáp Campuchia, nằm cách thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang 10 km, ban ngày, mọi hoạt động du lịch, buôn bán, qua lại cửa khẩu diễn ra bình thường. Nhưng đến thời điểm nhá nhem tối, các đội vận chuyển hàng lậu sẽ xuất hiện, nhanh chóng chia nhỏ các kiện hàng và liên tục vận chuyển qua khu vực đường biên cửa khẩu. Khi bị phát hiện, những người này có thể bỏ quay lại sang phía bên kia, hoặc nếu bị bắt cũng chỉ xử phạt hành chính.
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng buôn lậu hoạt động theo mạng lưới, có sự phân công đối phó với lực lượng hải quan, cắt cử người theo dõi “động tĩnh” của cán bộ chống buôn lậu. Thậm chí, ngay từ khi cán bộ xuất phát đi kiểm tra, truy bắt đã có thông tin từ đội ngũ được thuê theo dõi khu vực trụ sở, thông báo cho đồng bọn để lẩn trốn, khiến công tác truy quét gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, lực lượng chức năng, trong nhiều trường hợp phải đối mặt với hiểm nguy, chống trả từ các đối tượng buôn lậu.
Mới đây, khi bị lực lượng chức năng vây bắt hàng lậu qua kênh Vĩnh Tế (tại địa phận 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang), các đối tượng buôn lậu đã chống trả, bỏ chạy. Sau đó, những đối tượng này quay lại với số lượng đông hơn với ý định hành hung cán bộ hải quan để cướp lại hàng hóa. Cơ quan hải quan đã phải liên hệ với các lực lượng chức năng khác đề nghị tiếp ứng để đối phó với những đối tượng liều lĩnh, mạnh động này.
Đối với tỉnh Kiên Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Trần Minh Tiến cho biết, lượng hàng hóa buôn lậu ở vùng biên giới ở địa phương không lớn và hoạt động nhỏ lẻ. Các đối tượng thường sử dụng xe máy chạy với tốc độ cao nhằm phân tán lực lượng chức năng.
Đối với mặt hàng đường, các đối tượng dùng nhiều hình thức như đổi bao bì trắng, sang chiết thành các bao bì của Việt Nam nhằm hợp thức hoá… sau đó vận chuyển bằng xe máy từ Campuchia vào tiêu thụ nội địa.
Thực tế, qua khảo sát, nhiều lao động nghèo khu vực biên giới chỉ kiếm sống chủ yếu dựa vào vận chuyển hàng lậu thuê.
Chó nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện ma túy, hàng cấm. Ảnh: VGP/Huy Thắng
Cần cải thiện công tác phối hợp
Ông Trần Quốc Hoàn cho biết, cơ quan hải quan và các lực lượng phối hợp tỉnh An Giang đã có nhiều nỗ lực và thu được một số kết quả trong phòng chống buôn lậu. Trong nửa đầu năm 2017, Hải quan An Giang đã phát hiện bắt giữ 60 vụ, trị giá hàng hóa thu giữ là hơn 8,3 tỷ đồng. Còn nếu tính từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 218 vụ vi phạm, trong đó có 80 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tổng trị giá tang vật bắt giữ lên tới gần 27 tỷ đồng. Có những vụ việc, tang vật vi phạm lên tới 7-8 tỷ đồng.
Điển hình là vào cuối tháng 11/2016, Hải quan Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên đã theo dõi, mật phục bắt giữ đối tượng Rim Ri Linh (người Campuchia) vận chuyển trái phép 18 kg vàng, trị giá trên 16 tỷ đồng qua biên giới.
Tiếp đến, trong tháng 3/2017, đơn vị tiếp tục phát hiện đối tượng nữ người Campuchia vận chuyển trái phép qua cửa khẩu 8 kg vàng và 100 triệu Riel (tiền Campuchia). Cơ quan hải quan đã khởi tố 2 vụ việc nêu trên.
Ông Hoàn cho biết, để chống buôn lậu, lực lượng hải quan đã dùng biện pháp “nghi binh”, đánh lừa sự theo dõi của các đối tượng. Bằng cách chia lẻ lực lượng đi nhiều hướng khi ra khỏi trụ sở, sau đó tập trung tại một địa điểm rồi phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện vây bắt, bất ngờ hành động, đã khiến các đối tượng không kịp trở tay.
Tuy nhiên, ông Trần Quốc Hoàn cũng thẳng thắn chia sẻ, tình hình buôn lậu thuốc lá điếu, đường, nông sản... còn diễn biến phức tạp, kết quả kiểm tra bắt giữ còn thấp so với thực tế hàng lậu qua biên giới.
Nguyên nhân là do địa bàn có nhiều kênh rạch, mùa mưa, nước nổi, tạo thuận lợi cho hoạt động buôn lậu diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, với lực lượng tương đối mỏng, hải quan địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, vây bắt các đối tượng buôn lậu.
Vì vậy, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chống buôn lậu, đại diện các cục hải quan cho rằng cần có sự phối hợp kịp thời, đồng bộ hơn nữa giữa các lực lượng chức năng, trên cơ sở các quy chế đã được ký kết, nhằm phát huy những thế mạnh và tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị bạn về thông tin, phương tiện, nhân lực nâng cao hiệu quả đấu tranh, đặc biệt trong việc phòng ngừa, xử lý nghiêm đối tượng chống người thi hành công vụ.
Đồng thời, để thực hiện nhiệm vụ, cơ quan hải quan cũng cần sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, phân loại các đối tượng, trong đó tập trung vào các đối tượng thường xuyên qua lại trên biên giới.
Về mặt chính sách, theo ông Trần Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Kiên Giang, nhằm quản lý tốt hơn mặt hàng hoa quả, tạo thuận lợi cho việc buôn bán hợp pháp của người dân, đơn vị kiến nghị với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phối hợp với Bộ Tài chính đưa mặt hàng xoài tươi Campuchia vào danh mục thuộc diện kiểm dịch và có những hướng dẫn cụ thể, để mặt hàng này được phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Còn với mặt hàng đường, ông Trần Minh Tiến đề xuất giải pháp ngành thuế cần phối hợp với hải quan quản lý các hoá đơn đầu vào, đầu ra của các kho đường, kiểm soát gian lận khi các công ty đường của Việt Nam sử dụng hoá đơn của mình áp dụng cho đường nhập lậu.
Ngoài ra, đại diện hải quan địa phương cho rằng, các mức xử lý đối với buôn lậu hiện nay (buôn lậu trên 50 cây thuốc lá mới bị xử lý hình sự, hay phạt hành chính 2-5 triệu với giá trị hàng dưới 50 triệu) là quá nhẹ, cần có sự điều chỉnh đề phù hợp, tăng tính răn đe với các đối tượng buôn lậu qua biên giới.
Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn