Cán bộ huyện Hạ Lang, Cao Bằng tuyên truyền cho người dân về hệ lụy khi vượt biên lao động trái phép.
Tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động tạo ra nhiều hệ lụy ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng. Cuộc sống nơi đất khách quê người không như mong đợi, người lao động bị lừa, bị cướp tiền; có trường hợp còn trả giá bằng cả mạng sống. Thực tế này cho thấy, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ cơ quan chức năng để tuyên truyền, hướng nghiệp giúp người dân không chọn phương án tha hương đầy rủi ro.
Tình trạng vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động tạo ra nhiều hệ lụy ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng. Cuộc sống nơi đất khách quê người không như mong đợi, người lao động bị lừa, bị cướp tiền; có trường hợp còn trả giá bằng cả mạng sống. Thực tế này cho thấy, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ cơ quan chức năng để tuyên truyền, hướng nghiệp giúp người dân không chọn phương án tha hương đầy rủi ro.
Chúng tôi đến gặp gia đình ông Lý Văn Eng và bà Hoàng Thị Minh trú tại xóm Sộc Sơn Ðinh (xã An Lạc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng). Cách đây ít lâu ông bà phải tổ chức tang lễ cho người con trai còn "xanh" tóc là anh Lý Văn Cương. Anh Cương đã xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê tại một nhà máy mía đường, không may bị tai nạn lao động qua đời. Bà Hoàng Thị Minh rơm rớm nước mắt kể: Nó mới sang làm được 10 ngày thì gia đình bất ngờ nghe tin đã chết vì bị thanh kim loại lao vào người. Mãi mấy hôm sau mới đưa được thi thể từ bên kia biên giới về. Là lao động chính trong gia đình, bất chấp nguy hiểm, anh Cương vẫn chọn đi làm trái phép ở Trung Quốc với mong muốn đỡ đần bố mẹ. Mẹ anh Cương không ngờ ngày anh đi cũng là lần cuối cùng được nhìn thấy con trai mình...
Câu chuyện xảy ra với anh Cương là hệ quả đáng tiếc từ tình trạng lao động vượt biên trái phép ở tỉnh biên giới Cao Bằng. Chị Vương Thị Ðẹo, trú tại xóm Lũng Tàn (xã Ða Thông, huyện Thông Nông) do gặp tai nạn lao động, bị chấn thương nặng vùng xương chậu, hiện nay không ngồi dậy được, mọi sinh hoạt đều phải nhờ người thân trong gia đình. Trong khi đó, chấp nhận vượt biên trái phép vì khó khăn kinh tế, thế nhưng vợ chồng anh Nông Văn Thích (xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc) lại bất hòa, hạnh phúc gia đình tan vỡ vì chồng không tin tưởng vợ đi làm xa. Hay như chị Thẩm Thị Nghinh, trú tại xóm Bản Chao (xã An Lạc, huyện Hạ Lang), từ ngày bị bắt nhốt và đuổi về nước đến giờ vẫn còn hoảng loạn tinh thần. Người phụ nữ này luôn trong tình trạng sợ hãi, mất trí nhớ, không trò chuyện với ai, không tiếp xúc với người lạ. Một số người khác lại bị cướp hết tiền khi trên đường về nhà qua các lối mòn đầy bất trắc...
Thực tế nêu trên cho thấy, người lao động vượt biên trái phép luôn trong trạng thái "thân cô thế cô" nơi đất khách, chịu nhiều thiệt thòi. Không ít trường hợp sang đến nơi thường xuyên bị chủ ép lao động với thù lao rẻ mạt, bị "quỵt" tiền công và đối xử tệ bạc. Hơn nữa, vượt biên trái phép khiến chính quyền không thể bảo vệ công dân khi xảy ra các vấn đề về an toàn lao động. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 10 công dân vượt biên trái phép đi lao động bị chết do tai nạn.
Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Nguyễn Ích Chánh cho rằng, vấn đề tạo việc làm cho người dân vùng biên giới chưa hiệu quả là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vượt biên trái phép để lao động. Hầu hết người lao động dạng này đều chọn lúc nông nhàn, thời điểm cuối năm hoặc tìm một công việc với mức lương cao. Người dân sang đất khách cũng chỉ lao động phổ thông như thu hoạch mía, thu hái nông sản... nhưng có mức thu nhập tốt hơn so với làm trong nước, khoảng 300 nghìn đồng/ngày/người. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như nhận thức về luật pháp của người dân còn hạn chế; lực lượng chức năng thiếu nhân lực, khó kiểm soát đường biên giới dài, lại nhiều lối mòn sang nước bạn. Thủ tục pháp lý để xuất cảnh lao động còn rườm rà dẫn đến việc người dân tự ý vượt biên trái phép, không được bảo đảm quyền lợi…
Theo thống kê của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cao Bằng, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh có 18.017 lượt công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê. Trong đó tập trung nhiều nhất tại các huyện: Phục Hòa, Hạ Lang, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Bảo Lạc... Tình trạng vượt biên trái phép để lao động ngày càng gia tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ðể hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nêu trên; các cấp ủy, chính quyền địa phương cần phối hợp với lực lượng liên ngành như: Công an, biên phòng, các đoàn thể... tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn trên nhiều lĩnh vực; thực hiện tốt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, tổ chức nắm tình hình, phát hiện và xử lý những trường hợp cố tình vi phạm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần mở thêm các lớp dạy nghề, tư vấn, giới thiệu tạo việc làm mới cho lao động; hỗ trợ các trường hợp được trao trả về vay vốn ưu đãi lập các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống... Cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các trường hợp cò mồi, môi giới người dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê; cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc cấp giấy thông hành, hộ chiếu nhằm hạn chế tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép…
Có thể nói, tìm việc làm tạo thu nhập là nhu cầu chính đáng, nhất là với đồng bào vùng nông thôn, miền núi còn khó khăn. Nhưng, đi lao động bằng cách vượt biên trái phép là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự và quy chế bảo vệ biên giới. Hằng ngày, vẫn còn nhiều người dân bất chấp hệ lụy để tiếp tục đi lao động "chui" ở nước ngoài. Ðiều này cho thấy các giải pháp của cơ quan chức năng đề ra chưa thực hiện quyết liệt, thiếu đồng bộ dẫn đến kém hiệu quả. Nếu không sớm cải thiện, bài toán lao động vượt biên trái phép tại Cao Bằng chưa thể giải, dù đã tồn tại nhiều năm.
Bài và ảnh: PHONG CHƯƠNG
Theo nhandan.com.vn