Cập nhật: 12/07/2017 16:05:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trung tâm Du lịch sinh thái và Giáo dục môi trường Hoàng Liên được thành lập theo Quyết định số 272/QĐ-UBND ngày 31/01/2007 của UBND tỉnh Lào Cai trên cơ sở nâng cấp Ban Quản lý du lịch Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Tháng 6/2014, trung tâm được đổi tên thành Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên, là đơn vị sự nghiệp có thu, trực thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên, có chức năng giúp Vườn Quốc gia Hoàng Liên thực hiện quản lý, tổ chức và phát triển các hoạt động về giáo dục, dịch vụ môi trường.

Tiềm năng du lịch của Lào Cai là rất lớn, nhưng việc khai thác cần gắn với bảo vệ môi trường và cảnh quan.

Sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, như đỉnh Fansipan, Suối Vàng - Thác Tình yêu, Vũng Rồng - Giếng Tiên; các tuyến, điểm du lịch trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã dần hình thành và trở thành điểm đến không thể thiếu của du khách khi đến Sa Pa. Từ lợi thế này, trung tâm đã đưa vào khai thác nhiều loại hình du lịch hấp dẫn, như đi bộ khám phá thiên nhiên, tìm hiểu con người và văn hóa bản địa; du lịch nghỉ dưỡng, cắm trại trong rừng; du lịch nghiên cứu khoa học, tìm hiểu đa dạng sinh học; du lịch sinh thái kết hợp giáo dục môi trường; leo núi mạo hiểm chinh phục đỉnh núi cao. Mỗi loại hình du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên đều có vẻ đẹp, sự hấp dẫn riêng.

Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã xây dựng lán nghỉ, nhà ăn tại độ cao 2.200 m và 2.800 m trên tuyến Trạm Tôn - Fansipan; lán nghỉ kết hợp trạm kiểm soát rừng tại độ cao 2.600 m tuyến Cát Cát - Fansipan. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình trên tuyến Suối Vàng - Thác Tình yêu. Hiện, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đang hoàn thiện thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư cơ sở hạ tầng (gồm nhà nghỉ, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm, phòng trưng bày đa dạng sinh học) tại Trạm Núi Xẻ, hứa hẹn là điểm du lịch thu hút du khách trong tương lai. Nhờ sự quan tâm, đầu tư này, lượng khách du lịch đến tham quan Vườn Quốc gia Hoàng Liên tăng lên đáng kể. Nếu năm 2009, chỉ có trên 3.000 lượt khách, thì năm 2016, đã thu hút trên trên 107.000 lượt khách, khẳng định vị trí của Vườn Quốc gia Hoàng Liên trong bản đồ du lịch Việt Nam.

Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và văn hóa bản địa độc đáo, vì vậy, trong những năm qua, nhiều tổ chức nước ngoài đặt vấn đề hợp tác, đầu tư, hướng dẫn và trợ giúp Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Nhờ đó, nhiều chương trình hợp tác quốc tế về du lịch sinh thái và giáo dục môi trường được triển khai. Trong đó không thể không kể đến việc hợp tác giữa trung tâm với Vườn Quốc gia Pyrenees (Cộng hòa Pháp) để xây dựng dự án phát triển du lịch sinh thái và giáo dục môi trường trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Bên cạnh việc khai thác các loại hình du lịch, công tác giáo dục bảo vệ môi trường cho người dân cũng được trung tâm thực hiện thường xuyên. Nếu như trước đây, việc tuyên truyền, giáo dục chủ yếu được thực hiện tại các xã vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên, thì nay được mở rộng tới nhiều đối tượng, như học sinh, sinh viên, khách du lịch, hướng dẫn viên... Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao, Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường Hoàng Liên đã xuất bản, cấp phát nhiều ấn phẩm như: Cẩm nang chinh phục đỉnh Fansipan, Sách du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Hoàng Liên... cung cấp chi tiết, đầy đủ thông tin về các hoạt động du lịch và giáo dục môi trường, đa dạng sinh học cũng như các nội quy, quy định về hoạt động du lịch trong Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Hoàng Liên còn tổ chức vinh danh, trao kỷ niệm chương cho du khách chinh phục thành công đỉnh Fansipan và có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường trên tuyến du lịch.

Để phát triển du lịch sinh thái gắn với giáo dục môi trường, trong thời gian tới, trung tâm tăng cường khảo sát, khai thác và phát triển thêm nhiều tuyến, điểm du lịch mới, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ du lịch; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, trung tâm chú trọng giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ tài nguyên rừng và thu gom rác thải du lịch tới đông đảo người dân, khách du lịch, hướng dẫn viên, các doanh nghiệp lữ hành.

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm