Số vũ khí quân đội Philippines thu được của các phiến quân ở Marawi. (Ảnh: Reuters)
Các quốc gia Đông Nam Á bày tỏ sự "lo ngại sâu sắc" và cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật từ Trung Đông nhằm đối phó mối đe dọa ngày càng gia tăng từ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trong khu vực.
Đây là nội dung đã được nhất trí trong cuộc họp giữa các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Brunei, Australia và New Zealand, do Indonesia và Australia đồng chủ trì, vừa diễn ra tại thành phố Manado của Indonesia. Hội nghị được tổ chức nhằm đưa ra biện pháp phản ứng trước mối đe dọa đang ngày một gia tăng từ IS, được nhấn mạnh bởi cuộc xung đột ở thị trấn Marawi giữa các phiến quân Maute có liên hệ với IS và quân đội Philippines.
Cuộc xung đột ở Philippins đã dấy lên hồi chuông báo động về nguy cơ IS sẽ tìm cách thiết lập thành trì ở Đông Nam Á sau khi hứng chịu nhiều thất bại ở Trung Đông. Mối đe dọa này còn trở nên nghiêm trọng hơn với hàng loạt tay súng Đông Nam Á mới quay trở về nước sau khi chiến đấu ở Trung Đông , các nhóm vũ trang bị ảnh hưởng bởi IS và cuộc xung đột ở thị trấn Marawi trên đảo Mindanao của Philippines.
Trước sự phát triển và lan rộng một cách nhanh chóng của các tay súng Hồi giáo cực đoan, các đại biểu tham dự hội nghị đã đưa ra thông cáo chung kêu gọi tăng cường chia sẻ thông tin cũng như hợp tác chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát biên giới, phi cực đoan hóa, cải cách luật pháp và ngăn chặn việc các nhóm Hồi giáo cực đoan sử dụng mạng xã hội để lập kế hoạch tấn công và tuyển mộ thành viên mới.
Ông Wiranto cũng cho biết, sáu quốc gia đã đồng ý thiết lập Diễn đàn Chống khủng bố nước ngoài nhằm tăng cường chia sẻ thông tin và hợp tác giữa các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật. Ông nói: "Chúng ta không thể yên lặng bởi chủ nghĩa khủng bố đã trở thành một mối đe dọa thực sự cho nhân loại. Không một quốc gia nào có thể tránh khỏi đe dọa này và bởi vậy chúng ta cần phải cùng đối mặt với nó".
Hội nghị cũng đưa ra sáng kiến tổ chức một cuộc đối thoại giữa các lực lượng thực thi luật pháp vào tháng 8 tới với sự tham dự của tất cả các quốc gia bị ảnh hưởng bởi IS. Reuters dẫn một số nguồn tin từ cuộc họp cho biết các quốc gia từ Trung Đông, trong đó có cả Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ tham dự cuộc họp thượng đỉnh nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai khu vực.Mặc dù Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á từ lâu đã có một khuôn khổ hợp tác nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan, nhiều nhà phân tích và quan chức vẫn cho rằng mức độ hợp tác này vẫn là chưa đủ. Hồi tuần trước, Viện Phân tích Chính sách Xung đột ở Jakarta (Indonesia) đã đưa ra một bản báo cáo trong đó xác định "những rào cản to lớn" đối với sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Indonesia, Malaysia và Philippines, những quốc gia đang ở "tiền tuyến" đối mặt với mối đe dọa từ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, IS hiện đang có một nhóm các tay súng bao gồm hàng trăm chiến binh đến từ Đông Nam Á đang chiến đấu tại Syria và Iraq. Nhóm này do tay súng người Indonesia Bahrumsyah cầm đầu. Theo cảnh sát Indonesia, có khoảng 510 tay súng người Indonesia ủng hộ IS hiện đang chiến đấu ở Iraq và Syria, trong đó có 113 phụ nữ.
Cảnh sát Philippines cũng ước tính có khoảng 20 tay súng từ Indonesia được cho là đang cùng các tay súng Maute chiến đấu với quân đội Philippines tại thị trấn Marawi. Một trong những thủ lĩnh phiến quân ở Marawi là một học giả nghiên cứu Hồi giáo người Malaysia, Ahmad Mahmud. Tên này là người phụ trách tài chính và tuyển mộ các tay súng nước ngoài cho nhóm phiến quân.
Sau hơn hai tháng giao tranh ác liệt, các tay súng phiến quân vẫn kiểm soát một phần thị trấn Marawi. Hơn 600 người đã bị thiệt mạng, trong đó có 45 dân thường và 114 thành viên của lực lượng an ninh. Chính phủ Philippines cho biết số người chết còn lại đều là các tay súng phiến quân.
Theo nhandan.com.vn