Nạn mua bán người đang diễn biến phức tạp, không chỉ tác động xấu đến đạo đức, nòi giống, lối sống, thuần phong, mỹ tục, pháp luật, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh, trật tự của đất nước, là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội.
Từ đầu năm 2011 đến tháng 6 năm nay, cả nước xảy ra 2.748 vụ mua bán người, liên quan 4.110 đối tượng, 5.984 nạn nhân bị lừa bán, trong đó có 447 vụ mua bán người vì mục đích hôn nhân (chiếm 16,27% tổng số vụ mua bán người), với 927 đối tượng (chiếm 22,55%), lừa bán 1.140 nạn nhân (chiếm 19,05%). Tội phạm này hoạt động ở tất cả các tỉnh, thành phố; nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện cả nam giới, trẻ sơ sinh và hiện tượng đẻ thuê... Hơn 80% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Cam-pu-chia, Lào và Trung Quốc.
Ðối tượng phạm tội chủ yếu là lưu manh có tiền án, tiền sự về tội mua bán người. Chúng cấu kết thành những đường dây khép kín để lôi kéo, móc nối, lừa gạt, cưỡng ép những người nhẹ dạ, mất cảnh giác rồi đưa ra nước ngoài bán. Ngoài ra, còn có người nước ngoài vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với đối tượng môi giới người Việt Nam để dẫn dắt, hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia…
Ðáng chú ý, thời gian gần đây, lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi, nhiều đối tượng đã tổ chức những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm người thân, lao động trái phép, rồi thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú có người bị bán làm vợ bất hợp pháp hoặc bị cưỡng bức lao động, lạm dụng tình dục. Nạn nhân thường là phụ nữ trong độ tuổi kết hôn, sống ở những vùng nông thôn, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống còn hạn chế. Một số phụ nữ có lối sống thực dụng, hưởng thụ, lười lao động, sống dựa vào người khác, chỉ mong lấy được chồng nước ngoài để "đổi đời" mà không lường trước những nguy hiểm.
Nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tội phạm mua bán người, nhất là thông qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài, Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã quan tâm chỉ đạo và trực tiếp ban hành nhiều văn bản liên quan. Ðáng chú ý là, Chủ tịch nước phê chuẩn Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (năm 2011); Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; Bộ Tư pháp ban hành các thông tư hướng dẫn thi hành nhằm chấn chỉnh việc kết hôn có yếu tố nước ngoài, trong đó, khắc phục các kẽ hở không để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động. Ðặc biệt, năm bộ, ngành, gồm: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT (ngày 23-7-2013) hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng có hành vi mua bán người; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em...
Tuy nhiên, trong thực tế, một số ban, ngành, đoàn thể vẫn chưa quan tâm chú trọng, chưa phát huy hết trách nhiệm, chưa tạo dựng được phong trào rộng khắp và chưa thu hút được đông đảo người dân tích cực tham gia phòng, chống mua bán người. Nhiều nơi tổ chức các hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu các kế hoạch, biện pháp cụ thể, thiếu hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện cho nên hiệu quả chưa cao. Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người, môi giới hôn nhân trái phép vẫn diễn biến ngày càng phức tạp, có xu hướng quốc tế hóa.
Để đẩy lùi tội phạm này, các cơ quan chức năng, các địa phương cần tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức quán triệt và có kế hoạch triển khai hướng dẫn thực hiện hiệu quả các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Thực hiện hiệu quả truyền thông, phổ biến thông tin pháp luật, kiến thức về hôn nhân và gia đình; các biện pháp phòng ngừa tội phạm mua bán người thông qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định liên quan sao cho phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Ðồng thời nghiên cứu, đề xuất Chính phủ đàm phán, ký kết và triển khai các hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước, vùng lãnh thổ, nhất là những nơi có nhiều cô dâu Việt Nam nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài.
Bộ Công an cần đẩy mạnh phối hợp Bộ đội Biên phòng tập trung điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, làm rõ các đường dây mua bán người, nhất là thông qua hôn nhân có yếu tố nước ngoài; phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về loại tội phạm này một cách kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Qua đó, kiên quyết bóc gỡ, triệt xóa các trung tâm, tụ điểm môi giới hôn nhân trá hình, không để chúng có điều kiện hoạt động phạm tội. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế với các nước, các tổ chức quốc tế trong việc trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh bắt giữ, chuyển giao tội phạm mua bán người, giải cứu và hồi hương nạn nhân, bảo hộ, giúp đỡ cô dâu Việt Nam kết hôn tại nước sở tại...
Theo nhandan.com.vn