Cập nhật: 02/08/2017 14:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dạy nghề và tạo việc làm ổn định cho thanh niên nông thôn là một trong những cách ngăn chặn tình trạng người lao động bị kẻ xấu lừa đảo, lợi dụng. 

Dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại Trường cao đẳng nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên (Đác Lắc). Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Đác Lắc xuất hiện tình trạng lừa đảo người lao động tham gia chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc (Chương trình EPS), bằng cách gọi điện thông báo đã thi đậu nhưng có sai sót trong hồ sơ, yêu cầu người lao động đưa tiền để được giúp đỡ và chiếm đoạt.

Gần đây nhất, ngày 3-7-2017, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐTB và XH) tỉnh Ðác Lắc nhận được đơn trình báo của năm người gồm: Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Ánh Quang, Nguyễn Văn Tuyến và Phạm Xuân Trường (cùng trú tại xã Cư Ewi, huyện Cư Kuin) cho biết: Ngày 17-6-2017, các lao động này có tham gia kỳ thi năng lực tiếng Hàn dành cho đối tượng xuất khẩu lao động và đến ngày 7-7 mới có kết quả điểm thi. Tuy nhiên, vào tối 23-6, những lao động này nhận được điện thoại (từ số điện thoại 012450415...) của một người tự xưng là "cán bộ" của Sở LÐTB và XH tỉnh Ðác Lắc cho biết, đã thi đậu tại kỳ thi năng lực tiếng Hàn vừa qua, nhưng ngày, tháng, năm sinh trong hồ sơ bị sai và đề nghị chuẩn bị tiền lên Sở để được giúp đỡ. Sau khi nhận được thông tin nêu trên, những lao động này lo lắng gọi lại vào số điện thoại trên thì không liên lạc được, cho nên đã làm đơn gửi lên Sở LÐTB và XH tỉnh Ðác Lắc trình báo sự việc. Sở LÐTB và XH đã cung cấp số điện thoại trên cho Công an tỉnh Ðác Lắc, đề nghị xác minh đối tượng giả danh là "cán bộ" của Sở, nhưng vẫn không xác định được là ai.

Bà Phan Thị Bích Phương, chuyên viên theo dõi lĩnh vực xuất khẩu lao động Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LÐTB và XH tỉnh Ðác Lắc cho biết: Ðối tượng giả danh "cán bộ" Sở LÐTB và XH nắm rất rõ hồ sơ của những ứng cử viên tham gia chương trình cấp phép việc làm cho lao động tại Hàn Quốc. Tại xã Cư Ewi, huyện Cư Kuin trong thời gian qua có nhiều người đi lao động tại Hàn Quốc về, cuộc sống khá giả. Vì vậy, đối tượng muốn nhắm vào những người thật sự muốn đi xuất khẩu lao động để lừa đảo.

Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động Sở LÐTB và XH tỉnh Ðác Lắc Lê Hạnh cho biết: Không phải bây giờ mới xuất hiện tình trạng lừa đảo trong tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh, mà trước đây cũng đã xảy ra nhiều hình thức lừa đảo khác nhau. Chẳng hạn, trong năm 2012, tại huyện Krông Pác có sáu lao động ở xã Vụ Bổn và xã Krông Búc được hai doanh nghiệp ngoài tỉnh đến tuyển dụng, hợp đồng đi làm việc tại Ma-lai-xi-a. Do không có tiền để trang trải chi phí ban đầu, sáu lao động này đã vay vốn ở Ngân hàng Chính sách-Xã hội huyện Krông Pác, với số tiền từ 18 đến 28 triệu đồng/người rồi chuyển cho hai doanh nghiệp, nhưng đến nay không có ai trong số sáu lao động trên sang Ma-lai-xi-a làm việc. Số tiền chuyển trước đó bị doanh nghiệp chiếm đoạt. Ngoài ra, theo Sở LÐTB và XH tỉnh Ðác Lắc, trên địa bàn tỉnh hiện nay không có một doanh nghiệp nào có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mà chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài tỉnh đến mở văn phòng đại diện tại TP Buôn Ma Thuột và trung tâm các huyện, thị xã trong tỉnh để tư vấn, tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, khi ra quyết định giải thể văn phòng đại diện doanh nghiệp không gửi quyết định giải thể cho cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương biết, theo dõi. Vì vậy, các nhân viên của văn phòng đã bị giải thể tiếp tục đi tư vấn, tuyển dụng lao động cho công ty khác và lừa đảo người lao động. Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước, gây hoang mang, lo lắng cho người lao động tham gia các chương trình xuất khẩu lao động.

Sở LÐTB và XH tỉnh Ðác Lắc đã có văn bản đề nghị Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ LÐTB và XH) kiểm tra, chỉnh sửa thông tin của người lao động đã đăng ký tham gia kỳ kiểm tra tiếng Hàn, được chuyển cho phía Hàn Quốc theo đúng thông tin của người lao động đã cập nhật tại kỳ thi năng lực tiếng Hàn diễn ra vào ngày 17 và 18-6-2017. Sở cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, khuyến cáo người lao động về tình trạng kẻ xấu lợi dụng.

 

Theo NGUYỄN CÔNG LÝ/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm