Cập nhật: 09/08/2017 14:45:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch quốc tế WTM Luân Ðôn.

Ðể du lịch Việt Nam có được mức tăng trưởng khá trong thời gian qua, có phần đóng góp quan trọng của công tác xúc tiến, quảng bá. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực còn gặp không ít khó khăn do tính chuyên nghiệp chưa cao, kinh phí còn hạn hẹp.

Từ đầu năm đến nay, du lịch Việt Nam đã đón gần 7,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu ước tính đạt hơn 307 nghìn tỷ đồng, tăng 26%. Nhiều khả năng trong năm 2017, ngành du lịch nước ta sẽ đạt mức tăng trưởng 30% đối với lượng khách quốc tế. Ðể có được những thành tựu đáng khích lệ đó trong hai năm vừa qua, bên cạnh việc đơn giản hóa thủ tục cấp, miễn thị thực đối với khách nước ngoài, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường quản lý, làm trong sạch môi trường kinh doanh dịch vụ, có một phần không nhỏ từ việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá.

Với sự quan tâm đầu tư của ngành du lịch và sự phối hợp của các cấp, ngành liên quan, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam từng bước được đổi mới, mở rộng về quy mô, phạm vi hoạt động với nhiều chương trình, sự kiện được tổ chức ở trong nước và ngoài nước. Các chương trình đã giới thiệu đến du khách hình ảnh đất nước, con người Việt Nam và những tiềm năng, thế mạnh cùng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mở ra các cơ hội hợp tác đầu tư, khẳng định vị thế du lịch nước ta trong khu vực và thế giới. Hoạt động xúc tiến, quảng bá cũng ngày càng đa dạng, tận dụng được thế mạnh công nghệ thông tin. Tiếp thị điện tử (E-marketing) qua mạng in-tơ-nét đã mang thông tin về du lịch nước ta đến với 340 nghìn lượt người xem trên kênh Youtube và hàng triệu lượt người truy cập các trang web du lịch của Việt Nam. Ngành du lịch triển khai tổ chức, mời gọi các đơn vị truyền thông, báo chí và lữ hành đến tìm hiểu, giới thiệu về các điểm đến Việt Nam. Chủ động tham gia những sự kiện du lịch quốc tế lớn như đại hội thể thao quốc tế, hội chợ, liên hoan, lễ hội du lịch, Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC Việt Nam 2017, Ðại hội Thể thao bãi biển lần thứ 5 (Beach Games 5), cuộc thi viết thư quốc tế IPU, lễ hội bắn pháo hoa Ðà Nẵng, Festival Huế... Những nỗ lực này đã được bạn bè quốc tế quan tâm, góp phần tạo ra làn sóng khách đến từ các thị trường trọng điểm...

Tuy nhiên công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại cần vượt qua, trong đó có yếu tố xuất phát từ chính hạn chế của du lịch nước ta. Nhiều hội nghị, hội thảo được tổ chức, nhiều giải pháp được đề cập, nhưng dường như công tác xúc tiến, quảng bá vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Việc liên kết, phối hợp tổ chức sự kiện của các đơn vị trong nước với các đơn vị quốc tế chưa thật tốt, thiếu sự thống nhất. Nội dung trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch của Việt Nam còn thiếu sức lôi cuốn; hoạt động truyền thông còn đơn giản, thiếu tính chuyên nghiệp, chưa mang những thông điệp, chủ đề rõ ràng, chưa đánh giá được hiệu ứng tác động. Việc nghiên cứu thị trường chưa được quan tâm đúng mức, thiếu chiến lược xúc tiến sản phẩm phù hợp và phải tùy thuộc vào điều kiện kinh phí. Quy trình cấp kinh phí, thẩm định phê duyệt đề cương, dự toán, đấu thầu cho công tác xúc tiến, quảng bá phải qua nhiều cấp phê duyệt, đòi hỏi thời gian chờ đợi dẫn tới bị động, mất đi cơ hội xúc tiến. Công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực và thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực này chưa thật hiệu quả, thiếu cơ chế động viên, chưa tách biệt được chức năng quản lý nhà nước với chức năng xúc tiến du lịch, kinh phí xúc tiến mỗi năm còn thấp so với các nước.

Theo ý kiến của các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp du lịch tại Hội nghị Xúc tiến du lịch năm 2017 vừa được tổ chức tại Hà Nội, để nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, ngành du lịch cần nghiên cứu thành lập đơn vị chuyên trách hoạt động xúc tiến du lịch quốc gia, tăng cường sự phối hợp, kết nối giữa các trung tâm xúc tiến du lịch trong cả nước. Ðặc biệt là vai trò của Tổng cục Du lịch trong việc định hướng, cập nhật, dự báo các biến động thị trường, làm cơ sở cho mọi chương trình hành động. Nội dung và phương thức tổ chức cần được đổi mới, triển khai hiệu quả các mô hình hợp tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng đưa vào hoạt động Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch... Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần kết hợp hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch với thương mại, có sự phối hợp với các Trung tâm văn hóa Việt Nam ở các nước để tổ chức quảng bá hình ảnh; mở rộng thêm các ứng dụng dành cho du lịch địa phương trên mạng xã hội.

 

Theo TRỊNH MAI ANH /nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm