Cập nhật: 09/08/2017 15:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ trung tâm huyện Yên Lạc, ngược lên phía Bắc khoảng 4 km là xã Tề Lỗ, nơi hội tụ 2.300 hộ với 8.100 khẩu. Từ xa xưa, nơi đây sống bằng buôn bán tóc rối, lông gà, lông vịt. Khoảng 30 năm trở lại đây, Tề Lỗ phát triển nghề thu mua phế liệu “một vốn bốn lời”. Với lợi nhuận cao, người dân đã tràn ra ruộng tập kết phế liệu. Từ nhu cầu thực tiễn này, năm 2004, UBND tỉnh cho phép phát triển Dự án Cụm công nghiệp – làng nghề chợ sắt Tề Lỗ với tổng diện tích 24,1 ha cho người dân thuê lâu dài (49 năm) theo mô hình: cơ sở sản xuất kinh doanh và nhà ở... Dự án đã đem lại lợi ích kinh tế thiết thực.

Ý đảng hợp với lòng dân

Dự án Cụm Công nghiệp – làng nghề, chợ sắt Tề Lỗ (Yên Lạc) ra đời xuất phát từ nhu cầu cấp thiết của người dân muốn có mặt bằng để tập kết hàng hóa, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ và làm nhà ở. Với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuận lợi của xã phía Bắc cộng với thế mạnh về nguồn nhân lực, có nền tảng truyền thống phát triển thương mại-dịch vụ (TM-DV) và nghề truyền thống thu mua phế liệu của nhân dân địa phương, nhưng sự phát triển chủ yếu mang tính tự phát quy mô nhỏ lẻ, manh mún không còn phù hợp với sự phát triển KT-XH trong thời kỳ mới hội nhập. Nhằm khai thác tiềm năng sẵn có, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp, tăng tỷ trọng sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập nâng cao đời sống người dân, đầu năm 2004, huyện Yên Lạc đã lập Dự án “Quy hoạch Cụm công nghiệp – làng nghề, chợ sắt Tề Lỗ trình UBND tỉnh và được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch dự án với quy mô gần 8 ha thuộc khu đồng Nội Dưới và Gốc Quếch thuộc xóm Nội – Giã Bàng giao cho xã làm chủ đầu tư. Tiếp đó, ngày 19-7-2004, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3454/QĐ-UB phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết cụm kinh tế xã hội xã Tề Lỗ với tổng diện tích 17 ha nâng tổng diện tích mặt bằng lên hơn 24 ha (với tính chất và quy mô dự án lớn, để đảm bảo đầu tư và tiến độ, UBND tỉnh giao UBND huyện Yên Lạc làm chủ đầu tư). Trong 24.958 m2 quy hoạch, cơ cấu đất công nghiệp 136.370 m2; đất dịch vụ 9.295 m2; đất đầu mối kỹ thuật 5.083; cây xanh 20.542 m2; đất giao thông 65.653 m2; rãnh thoát nước 786.6 m2; đất công cộng 3.228 m2.

Công nhân làm hương xuất khẩu tại cơ sở sản xuất nhà chị Nguyễn Thị Thành (Tề Lỗ).

Dự án ra đời như luồng gió mát xoa dịu nhu cầu bức xúc về đất phát triển sản xuất, kinh doanh và dịch vụ cũng như nhu cầu về đất ở của người dân và cả những người dân có đất phải thu hồi (9 hộ bị thu hồi 100%) đều rất phấn khởi tin tưởng, ủng hộ. Các bước tiến hành thủ tục thông báo quy hoạch, kế hoạch thu hồi đất, giá đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) giao đất đều được cơ quan chức năng từ huyện tới xã quan tâm thực hiện theo đúng quy trình kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi. Thấu hiểu được việc làm có ý nghĩa về KT-XH lớn của huyện, của tỉnh, phần lớn người dân trong xã sớm nhận tiền đền bù, tự nguyện GPMB giao đất cho Nhà nước ngay từ đợt đầu năm 2004. Đến ngày 10/1/2005, có 291/323 hộ nhận đền bù còn 32 hộ chưa nhận. Sau nhiều lần vận động thuyết phục đến cuối năm 2007 tổng diện tích đất thu hồi của dự án cơ bản xong, nhiều hộ bị thu hồi 100% diện tích, không còn đất sản xuất nhưng vẫn vui vẻ bàn giao.

Hiệu quả kinh tế

Đứng trong khu phố mới với hàng trăm ngôi nhà cao tầng, nằm sát bên nhau mặt tiền hướng ra con đường thẳng được trải bê tông bằng phẳng rộng từ 13.5m đến 16.5 m, hai bên trồng cây xanh, tạo diện mạo khu công nghiệp mới hiện đại, văn minh. Điều đó là minh chứng sinh động cho sự khởi sắc đi lên ở nơi “đất chật, người đông”, “tấc đất, tấc vàng”. Ông Hà Văn Lưu, Trưởng BQL dự án Cụm công nghiệp-làng nghề, chợ sắt Tề Lỗ cho biết: Đến nay, Cụm công nghiệp – làng nghề, chợ sắt Tề Lỗ có gần 200 hộ xây xen ghép đầu tư xây dựng nhà xưởng, bước vào sản xuất kinh doanh, trong đó có gần 20 doanh nghiệp và 30 cơ sở đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng thu hút gần 1.000 lao động là người của địa phương và khu vực lân cận làm việc với mức thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Lau khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi trong xưởng sản xuất hương xuất khẩu rộng 800 m2 với gần 30 lao động đang cần mẫn xếp, bó, xoăn, chuốt hương đóng bao để chuẩn bị xuất khẩu của gia đình mình, chị Nguyễn Thị Thành, 48 tuổi, ở thôn Giã Bàng phấn khởi cho biết: Mỗi tháng cơ sở sản xuất hương của gia đình chị xuất khẩu đạt từ 50-100 tấn (tùy theo điều kiện thời tiết nếu nắng thì đạt khoảng 100 tấn/tháng), với giá 10 ngàn đồng/kg, sau khi trừ mọi chi phí lãi 1.000 đồng/kg hương. Để có xưởng sản xuất hương, gia đình phải vay thêm ngân hàng đầu tư máy móc, mua nguyên liệu, nhà xưởng trị giá gần 3 tỷ đồng. Nhờ biết nghề sản xuất hương xuất khẩu và kinh doanh thiết bị, máy móc cũ, gia đình chị đã có tiền nuôi con du học ở Pháp và mở rộng xưởng. Dự kiến năm 2014, gia đình chị sẽ tiếp tục mở rộng thu hút từ 10-20 lao động. Không chỉ gia đình chị Thanh mà hàng trăm hộ đã đầu tư nhà xưởng để SXKD đạt hiệu quả kinh tế cao như cơ sở của ông Tâm Bốn, Minh Lê, Diệp Thảo, Thảo Linh. Ông Nguyễn Văn Nguyên, người dân ở thôn Giã Bàng, một trong 9 hộ bị thu hồi 100% đất sản xuất với tổng diện tích 2.040 m2 (cao nhất xã) phấn khởi cho biết: “Dù gia đình có bị thu hồi hết đất canh tác song ông vẫn thấy rất vui vì sự phát triển kinh tế rất năng động của quê hương”. Dự án Cụm công nghiệp – làng nghề, chợ sắt Tề Lỗ ra đời giải quyết được việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá có giá trị kinh tế thay thế cho sản xuất nông nghiệp giá trị thấp, trong đó có một số diện tích 1 vụ cấy lúa, nuôi trồng thủy sản không ăn chắc. Đặc biệt, hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất có đất dịch vụ và làm nhà ở lâu dài để sản xuất kinh doanh nâng cao thu nhập cải thiện đời sống.

…Và trách nhiệm

Năm 2005, giữa những công việc bề bộn sau đền bù GPMB giao đất cho các hộ đặt cược trúng thầu, thì có 32 hộ dân vẫn không chịu nhận tiền đền bù, GPMB đã khiếu kiện lên các cấp từ xã tới huyện, tỉnh và các cơ quan ở T.W về giá bồi thường, đất dịch vụ của người có đất bị thu hồi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình anh ninh, trật tự xã hội. Chủ tịch UBND xã Tề Lỗ Bùi Đức Hoan (năm 2005 là Chủ tịch Hội Nông dân xã) khẳng định: Những bức xúc của người dân về một số thiếu sót của chính quyền xã lúc đó là có cơ sở, nhưng một số người dân đã lợi dụng sự dân chủ, thiếu tính xây dựng “sự việc bé xé làm to”, khiếu nại vượt cấp nhiều lần, thậm chí có người khiếu nại sai sự thật. Quá trình thực hiện các bước dự án Cụm công nghiệp –làng nghề, chợ sắt Tề Lỗ có một số cán bộ xã đã làm chưa đúng trình tự, thủ tục hành chính, chính sách đền bù GPMB làm cho sự bức xúc bùng phát. Với phương châm: “Kỷ cương và trách nhiệm”, lấy hiệu quả kinh tế, xã hội làm thước đo của mọi công việc. Tôn trọng ý kiến người dân, mọi thiếu sót được khẩn trương khắc phục, điều chỉnh những nội dung chưa đúng, chưa hợp lý thông qua các buổi làm việc và đối thoại của lãnh đạo tỉnh, huyện và đại diện của trụ sở tiếp dân của T.Ư, tỉnh và huyện về đối thoại giải quyết trực tiếp tại xã như: xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm; giải quyết đất dịch vụ cho một số hộ dân bị thu hồi được thuê để SXKD; đền bù với giá hợp lý có lợi cho người dân; đồng thời kiểm điểm nghiêm những thiếu sót và công khai nhận lỗi trước dân, Những việc làm nghiêm túc, kịp thời có kỷ cương, với tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo tỉnh và huyện đã làm cho người dân phấn khởi tin tưởng, làm theo.

Những ngày tháng Tám này đi trên con đường bằng phẳng ở Cụm công nghiệp - làng nghề, chợ sắt Tề Lỗ, được nghe cán bộ và người dân nơi đây nói về những dự định trong tương lai, phương án giải quyết cho thuê đất đối với một số hộ chưa nhận tiền bồi thường, GPMB tiếp theo; dự án xử lý chất thải rắn công nghiệp, ô nhiễm môi trường không khí; hệ thống nước sạch, nguồn điện sản xuất, hạ tầng, cây xanh để xây dựng cụm công nghiệp, làng nghề theo hướng văn minh hiện đại mà chúng tôi thấy sự năng động với tương lai sáng đang hiện lên ở một vùng quê thuần nông.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm