Cập nhật: 24/08/2017 14:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bất chấp những căng thẳng về chính trị, Nga và Mỹ vẫn âm thầm liên lạc với nhau qua đường dây nóng quân sự về Syria với tần suất dày đặc.

Theo Reuters, thông tin trên được giới chức Mỹ cung cấp. Theo đó, những cuộc liên lạc qua qua đường dây nóng quân sự giữa Nga và Mỹ đã giúp hai bên xác định được rõ ràng khu vực tác chiến để tránh nguy cơ xảy ra va chạm không mong muốn.

Khói bốc lên từ một mục tiêu IS bị không kích tại Syria. Ảnh: Reuters

Nước sông không phạm nước giếng

Cũng theo các quan chức Mỹ, hai bên duy trì khoảng 10-12 cuộc điện đàm mỗi ngày qua đường dây nóng quân sự để đảm bảo rằng, chiến đấu cơ của hai bên không xâm phạm không phận hoạt động của nhau.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ thừa nhận đây không hề là việc dễ dàng nhất là trong bối cảnh cuộc nội chiến tại Syria diễn ra hết sức phức tạp. Trong khi Nga, Iran và lực lượng Hezbolla hậu thuẫn cho quân Chính phủ Syria chống lại phe đối lập và IS thì Mỹ cùng các đồng minh và liên quân Arab lại tập trung hỏa lực để tiêu diệt IS.

Trung tướng Jeffrey Harrigian, Tư lệnh Không quân Mỹ tại Trung Đông, cho biết: “Trên thực tế, chúng tôi đã tiến hành đối thoại để giải quyết những vấn đề hết sức phức tạp như duy trì “đường giảm xung đột” chia tách các khu vực hoạt động giữa Nga và Mỹ và tìm ra cách để hai bên vẫn có thể tiếp tục tiến hành các chiến dịch của mình”.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng bày tỏ lo ngại, khi cả hai bên siết chặt vòng vây đối với IS và lãnh thổ của IS bị thu hẹp đáng kể, nguy cơ chiến đấu cơ của 2 nước va chạm trên không sẽ gia tăng đáng kể. “Chúng tôi phải duy trì liên lạc liên tục với nhau. Đôi khi các cuộc điện đàm diễn ra hết sức căng thẳng. Chúng tôi muốn bảo vệ bản thân, các đối tác trong liên minh và tiêu diệt kẻ thù. Họ cũng muốn như vậy”, ông Harrigan nói.

Các cuộc liên lạc quân sự giữa Nga và Mỹ được đặc biệt quan tâm trong tháng 6 sau khi xảy ra vụ chiến đấu cơ Mỹ bắn hạ cường kích Su-22 của quân đội Syria bị cáo buộc tìm cách tấn công lực lượng bộ binh do Mỹ hậu thuẫn.

Các quan chức Mỹ cho biết, khi vụ việc xảy ra, chiếc Su-22 không phải là chiến đấu cơ duy nhất có mặt tại đó. Các thông tin trao đổi giữa hai bên sau cho thấy có 2 chiếc chiến đấu cơ của Nga bay phía trên chiếc Su-22 và một chiếc máy bay tàng hình F-22 của Mỹ bay cao hơn nữa.

Sau vụ việc đó, Nga công khai cảnh báo sẽ coi bất kỳ chiến đấu cơ nào bay dọc khu vực phía Tây sông Euphrates là mục tiêu tấn công. Tuy nhiên, các chiến đấu cơ Mỹ vẫn bay qua khu vực này trong khi giới chức quân sự Mỹ vẫn duy trì liên lạc với các đồng nghiệp Nga.

“Phía Nga luôn giữ thái độ chuyên nghiệp, cẩn trọng và tính kỷ luật rất cao trong công việc”, Trung tướng Lục quân Mỹ Stephen Townsend, Tư lệnh Liên quân Mỹ đóng quân tại Iraq, cho biết.

Hiện, các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đang tập trung cho cuộc chiến chống lại IS tại thành trì của chúng ở Raqqa. Các lực lượng này đã chiếm lại được hơn 50% thành phố này từ tay IS.

Các quan chức Mỹ cho biết, họ đang trao đổi với phía Nga về việc vạch ra đường phân giới hoạt động giữa chiến đấu cơ Nga và Mỹ đang tập trung yểm trợ cho bộ binh của hai bên siết chặt vòng vây IS tại thành trì cuối cùng này. Đường phân giới này chạy theo đường vòng cung từ khu vực phía Tây Nam Tabqa xuôi theo dòng sông Euphrates đến Deir al-Zor.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis tuyên bố, đường phân giới này là cực kỳ cần thiết bởi phạm vi hoạt động của các lực lượng do Nga và Mỹ yểm trợ đang tiến gần lại với nhau.

“Chúng tôi không liên lạc với quân đội Syria để bàn về việc này. Chúng tôi chỉ muốn trao đổi với phía Nga. Chúng tôi sẽ tiếp tục các chiến dịch của mình dọc theo thung lũng sông Euphrates”, ông Jim Mattis.

Cũng theo lời ông Jim Mattis, khu vực Deir al-Zor có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự sống còn của IS bởi chúng sống chủ yếu bằng nguồn dầu mỏ dồi dào tại đây.

Dù khu vực này hiện vẫn chủ yếu nằm trong tay IS nhưng cả quân Chính phủ Syria và phe đối lập do Mỹ hậu thuẫn đều đặt mục tiêu chiếm lại được Deir al-Zor từ tay IS càng sớm càng tốt.

Người phát ngôn phe đối lập SDF Talal Silo cho biết, họ đang cân nhắc việc mở chiến dịch chống IS tại Deir al-Zor “trong tương lai gần”. Tuy nhiên, hiện SDF đang cân nhắc có tiến đánh Deir al-Zor cùng lúc với cuộc chiến tại Raqqa hay chờ cho đến khi giải phóng xong Raqqa mới mở chiến dịch tại Deir al-Zor.

 

Theo Trần Khánh/VOV.VN

Tệp đính kèm