Cập nhật: 30/08/2017 14:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Miu Lê và Ngô Kiến Huy vào vai bà nội và cháu trai trong phim Em là bà nội của anh

Sau một loạt phim làm lại - remake - khá hút khách như: Em là bà nội của anh, Bạn gái tôi là Sếp, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi, đừng sợ, v.v... nền điện ảnh Việt Nam được gì và mất gì?

Cái được: Đó là những bộ phim (đa phần là hài hước, ca nhạc, có chút kinh dị nữa...) phục vụ nhu cầu giải trí của khán giả. Song song với điều này nhà đầu tư những bộ phim kia cũng lãi lớn. Những bộ phim này đã được chiếu ở nước ngoài, đã qua thử thách của khán giả và nó đã thu được bộn tiền về cho các nhà đầu tư rồi. Đưa sang Việt Nam làm lại, chiếu lại là thu thêm một lần lãi khủng nữa . Cho nên người ta thuê các nhà BK, đạo diễn Việt Nam chuyển thể nó dưới dạng phiên bản Việt để gần gũi với khán giả Việt hơn.

Các nhà đầu tư phát hành và chiếu phim Hàn Quốc hơn mười năm nay đổ bộ vào thị trường Việt Nam - một thị trường bị bỏ trống - biết rằng ở đây, người xem Việt họ rất "đói" phim. Đói gì cho ăn nấy dù không phải sơn hào hải vị cũng tốt chán. Họ - những nhà buôn phim Hàn Quốc thông minh đã không từ một ý tưởng nào miễn là ra tiền, có lãi khủng. Khởi thuỷ họ mua lại cụm rạp của Megastar - đổi tên thành CGV, họ mang phim Hàn, phim Mỹ sang chiếu... thế rồi thấy doanh thu tốt, cho đến nay các cụm rạp CGV phát triển nhanh, mạnh. CGV đã có mặt ở khắp các TP lớn trên đất Việt Nam!

Ban đầu các nhà ĐA Việt hy vọng họ kinh doanh phim lãi, sẽ dành một phần lãi đó giúp người Việt sản xuất phim Việt. Và đây, remake - làm lại phim Hàn phiên bản Việt, cũng là cách giúp đỡ cho lĩnh vực sản xuất Việt Nam có công ăn việc làm đây chăng? Phim hấp dẫn thì hấp dẫn thật, nhưng nghe chữ “làm lại” mọi người đều chả mấy thú vị. Đều ồ lên đầy vẻ thất vọng sau khi hai chữ “làm lại!” vang lên. Vì cái hay (nếu có) cũng là cái hay của người ta. Chả có mấy sự sáng tạo của mình. Khán giả Việt đương nhiên là ao ước được xem phim Việt một cách thuần chất nhất có thể. Do người Việt nghĩ ra câu chuyện của người Việt và do người Việt làm! Thế nhưng phim Việt cũng như phát hành chiếu phim Việt bao năm nay cứ nhường dần nhường dần thị phần cho người Hàn. Vì sao vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng như vậy lại không thể đề cập trong phạm vi bài viết này mà sẽ ở một bài viết khác.

Cái mất: Chắc chắn các nhà biên kịch và đạo diễn khi được họ mời làm lại những bộ phim của họ đều không mấy thú vị so với việc được làm chính phim của mình, do mình nghĩ ra và sáng tạo ra nó từ đầu. Tôi có thể khẳng định điều này. Bởi công việc làm lại phim này chỉ là công việc đi “làm thuê” mà thôi, sẽ bị quản lý, bị kiểm soát từng cảnh từng cảnh sao cho không đi chệch khỏi quỹ đạo, đường ray của bản gốc. Sẽ bị hạn chế cái tôi của tác giả rất nhiều. Đúng, họ đã mang công ăn việc làm cho cả một ê kíp, có thể thù lao rất cao, cao hơn làm phim Việt rất nhiều nhưng vẫn không thể thú vị bằng làm việc của chính mình, sáng tác bằng lao động của mình từ những dòng đầu tiên của kịch bản do mình nghĩ ra, do ê kíp của mình thực hiện. Và tác phẩm thuần chất mang hơi hướng Việt, đậm tâm hồn và cốt cách Việt.

Remake - phim làm lại nghĩa là kịch bản bên người ta có sẵn rồi. Anh chỉ việc chuyển thành văn bản Việt cho người Việt hiểu, khán giả Việt xem do các diễn viên Việt đóng. Dù đóng hay đến mấy thì cái khóc cười của câu chuyện trên phim kia cũng là của người ta. Mượn ý tứ của người ta để chiếu trên đất mình. Tôi không phủ nhận đạo diễn cũng như các thành phần chính lao động trong những bộ phim này là không vất vả, không cực nhọc. Họ, có khi phải chịu đựng sức ép còn lớn hơn cả chính phim của họ nữa kia. Đi “làm thuê” làm sao thoải mái bằng làm cho chính mình được.

Thôi thì trong lúc “thóc cao gạo kém” hay là “gạo châu củi quế” thì cách làm này của các nhà kinh doanh phim ảnh Hàn cũng gọi là khá thông minh, nắm bắt được thị trường nên đã “du nhập” phim Hàn vào VN theo kiểu khác - kiểu làm lại phim Hàn phiên bản Việt. Câu chuyện phim, các nhân vật trong phim đã được chế tác hấp dẫn, mùi mẫn. Thay tên nhân vật bằng tên Việt, hát bài hát bằng tiếng Việt và tất nhiên lời thoại cũng bằng tiếng Việt (nội dung là của kịch bản gốc) thì chả khác gì phim Việt rồi. Đạo diễn Việt dàn dựng, diễn viên Việt đóng... Ôi chao... thế là ra rạp, PR cho nó rầm rộ, lại có sẵn các cụm rạp của nhà, chiếu rạp ngoài thì thoả thuận ăn chia cũng thiên về chủ phim... Thật nhất cử lưỡng tiện! Các nhà buôn phim Hàn lại được tiếng “giúp đỡ điện ảnh Việt”!!!

Chính vì những bất cập như đã nói ở trên nên LHPVN lần thứ 20 tại Đà Nẵng vào tháng 11.2017 tới, phim remake - làm lại sẽ không được xét và trao giải Bông sen vàng. Tác giả kịch bản cũng vậy. Nhưng đạo diễn và các diễn viên cùng các thành phần khác, có cơ hội hơn. Vì dù là phim làm lại nhưng họ vẫn có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực sáng tạo của mình.

Việt Nam hiện có hàng trăm rạp chiếu, phim Việt sản xuất không nhiều (đã vậy lại ít phim hay) nên việc remake - làm lại phim này cũng là một hướng lấp chỗ trống. Bên cạnh đó các nhà nhập khẩu phim, buôn phim “cõng” cơ man là phim Mỹ, phim Hàn vào. Lác đác có phim Thái, phim Hồng Kông, phim TQ, phim Nga... góp phần cho mâm cơm điện ảnh nhiều màu sắc và nhiều hương vị khác nhau hơn.

Người Việt chưa bao giờ quay lưng với phim Việt. Tại sao phim Việt (tuy mỗi năm sản xuất 40 phim đều do tư nhân đảm nhiệm) nhưng lại rất ít phim hay? Rất ít phim nghệ thuật thuần tuý như trước (như cái thời đất nước còn chiến tranh, còn nghèo đói hơn bây giờ nhiều ). Đó là câu trả lời không dễ dàng gì. Xin mượn lời một đạo diễn phim Việt nổi tiếng để kết bài này, đó là “phim Việt bây giờ cái gì cũng có chỉ thiếu mỗi tư tưởng!!!”. Một nhận xét thật chí lý. Thiết nghĩ người viết bài này không cần bình luận gì thêm.

Theo Nguyễn Thị Hồng Ngát

baovanhoa.vn

Tệp đính kèm