Vậy là, SEA Games 29 đã kết thúc. Đoàn TTVN đứng ở vị trí thứ 3 với tổng số huy giành được là 168, trong đó, 58 Vàng, 50 Bạc và 60 Đồng.
Theo quy định chung về cách tính thành tích để xếp hạng ở SEA Games, theo thứ tự là số huy chương Vàng, Bạc, Đồng đạt được. Và như vậy, cứ lấy số huy chương Vàng ra mà so, đoàn nào cao hơn thì xếp trên; nếu số Vàng bằng nhau thì so Bạc; nếu Vàng và Bạc bằng nhau thì so Đồng.
Ở SEA Games 29 này, Malaysia với lợi thế chủ nhà, có nhiều bộ môn vốn là thế mạnh của họ được đưa vào thi đấu, nên đã bỏ xa các đoàn khác bằng số huy chương Vàng cao ngất ngưởng là 145 (tổng số huy chương là 323). Kế sau, xếp vị trí thứ 2 là Thái Lan với 72 huy chương Vàng (tổng số là 246), bởi họ thực sự mạnh và điều đó đã từng được khẳng định trong nhiều năm nay.
Kim Sơn là trường hợp bất ngờ nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 29. Dù mới 15 tuổi nhưng Kim Sơn đã phá kỷ lục SEA Games ở nội dung 400m hỗn hợp nam.
Còn Việt Nam chúng ta, xét về thực lực, ngang bằng với Indonesia và Singapore; có chăng, nhỉnh hơn chút xíu khi so Philippines và Myanmar; còn Lào, Campuchia, Brunei và Timor Leste thì chẳng tính làm gì. Nhìn lại bảng thành tích, sở dĩ chúng ta xếp thứ 3, ngay trên Singapore là bởi ta hơn họ vừa đủ 01 huy chương Vàng (Singapore: 57 Vàng, 58 Bạc, 73 Đồng với tổng số huy chương là 188).
Rõ ràng, có vẻ như, Singapore mạnh hơn ta khi so về tổng số, cùng số huy chương Bạc và Đồng đạt được. Nhưng... cái nhưng luôn luôn đúng, ấy là họ kém ta chỉ 01 huy chương Vàng, nên đành ngậm ngùi đứng ngay sau ta mà thôi. Bao công sức, bao mồ hôi nước mắt trong luyện tập và thi đấu, vậy mà, hơn bao nhiêu cũng chưa đủ, khi chỉ kém Một (01), đành tụt hạng.
Vậy nên, ở đây, vai trò cá nhân hay mỗi cá nhân trong tập thể khi thi đấu, dù là đối kháng hay biểu diễn, là vô cùng quan trọng và có tính chất quyết định!
Xin viện dẫn một số trường hợp để chúng ta cùng suy ngẫm:
Nếu như, Nguyễn Thị Ánh Viên, sau thất bại đầu tiên, mà sớm suy sụp tinh thần, thì đã không có một Ánh Viên bùng nổ, để rồi liên tiếp gặt hái được huy chương Vàng; hay như, khi đã đạt được 07 Vàng rồi, cô không nỗ lực để có thêm 01 Vàng nữa, thì Việt Nam sẽ không có con số 58 huy chương Vàng kia...
Nếu như, không có một Nguyễn Anh Tú môn bóng bàn bình tĩnh, chắt chiu từng điểm thắng, sau khi Đinh Quang Linh thất bại nhanh chóng trước Gao Ninh - một tay vợt gạo cội của làng bóng bàn thế giới và đội tuyển Singapore, thì đội bóng bàn nam Việt Nam làm sao có cuộc lật đổ ngoạn mục trước đội tuyển bóng bàn nam Singapore, để giành tấm huy chương Vàng danh giá?
Các cô gái của ĐT nữ Việt Nam vượt qua khó khăn để thắng Malaysia 6-0 và đăng quang tại SEA Games.
Nếu như, mỗi cô gái trong đội tuyển bóng đá nữ của ta không cố gắng và phối hợp ăn ý, thì làm sao có thể ghi đến 6 bàn và giữ sạch lưới, dư hẳn 01 bàn thắng (trong khi chỉ cần 05 bàn) để hơn người Thái về hiệu số bàn thắng, đặng giành huy chương Vàng, góp phần đưa đoàn thể thao Việt Nam đến con số 58?
Nếu như, không có một cú cử tạ chứa đựng sự nỗ lực phi thường và khát khao chiến thắng cháy bỏng của Trịnh Văn Vinh, thì làm sao anh có thể chiến thắng vận động viên của Indonesia khi quyết định tăng thêm 10 kg nữa vào tạ và nếu cử đạt thì cũng chỉ nhiều hơn 01 kg, trong khi vận động viên kia đã hết cơ hội? Đây thực sự là một quyết định đúng đắn, táo bạo, nên đã lấy thêm được một viên gạch lát đường đi đến cột đích 58!
Nếu như, không có một Nguyễn Hữu Kim Sơn, vận động viên môn bơi, mới chỉ 15 tuổi và lần đầu tham dự SEA Games, đã bứt lên về đích đầu tiên ở cự ly bơi 400 m hỗn hợp, giành huy chương Vàng, đồng thời phá kỷ lục SEA Games tồn tại nhiều năm nay, thì ta đâu có con số 58 kia?
Nếu như, không có một Lê Tú Chinh xuất sắc khẳng định vị thế tuyệt đối trên đường chạy cự ly ngắn (100m và 200m), cự ly danh giá nhất của bộ môn điền kinh, và đã xứng đáng với sự phong tặng danh hiệu “nữ hoàng tốc độ”, thì không biết chúng ta dừng lại ở cột mốc nào?
Nếu như, không có sự nỗ lực có thể gọi là cuối cùng của một Nguyễn Thị Như Hoa, vận động viên môn kiếm 3 cạnh, người mẹ của hai đứa con nhỏ, xem SEA Games 29 này là điểm cuối sự nghiệp thi đấu thể thao của mình, với niềm tin Vàng?
Còn nhiều lắm, sự nỗ lực của hết thảy những người giành được huy chương, dù là màu gì, và cả những người không giành được huy chương nào, những huấn luyện viên, những người làm công việc quản lý thể thao...
Ngay cả những thất bại, mà điển hình nhất là trường hợp của vận động viên môn bắn súng Hoàng Xuân Vinh - nhà vô địch Olympic, cũng là hữu ích khi cho chúng ta bài học chung về sức người là vô hạn và hữu hạn, về bản lĩnh và áp lực tâm lý thành tích khi thi đấu!?
Chỉ hơn 01, mà chứa đựng bao công sức, mồ hôi và nước mắt, nỗi thất vọng và nụ cười mang niềm vui chiến thắng.
Và hơn nữa, cho mỗi người chúng ta những bài học, sự chiêm nghiệm, suy ngẫm bên ngoài thể thao!.
Theo Nguyễn Chu Nhạc/ VOV.VN -