Một phiên đấu giá tranh tại Hà Nội.
Không phải đến ngày 11-8 vừa qua, với sự xuất hiện của bài viết "Tranh Việt Nam đang nổi tiếng hơn bao giờ hết. Nhưng thị trường lại ngập tràn tranh giả" trên tờ The New York Time, nạn tranh giả ở nước ta mới trở nên “tai tiếng” trong làng hội họa thế giới. Sự việc này thêm một lần gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự dai dẳng của nạn tranh giả.
Công khai buôn bán
Trong bài viết (tựa đề tiếng Anh: Vietnamese Art Has Never Been More Popular. But the Market Is Full of Fakes), tác giả Richard C. Paddock nhắc lại một số vụ tranh giả đình đám bị phanh phui những năm gần đây, trong đó có việc họa sĩ Thành Chương phát hiện một bức tranh của mình được đề tên tác giả là Tạ Tỵ tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu ở Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh vào tháng 7-2016. Theo nhận định của tác giả, sự kiện này làm chấn động giới hội họa Việt Nam, là một sự thật đáng xấu hổ tại thị trường tranh Việt Nam.
Có thể thấy, giá trị hội họa Việt Nam từng được khẳng định với những tác phẩm của các danh họa thời kỳ Mỹ thuật Ðông Dương (1925 - 1945) đạt mức giá hàng trăm nghìn USD trên các sàn đấu giá quốc tế. Tháng 4 vừa qua, bức tranh Cuộc sống gia đình của Lê Phổ vẽ khoảng những năm 1937 - 1939 được bán với giá gần 1,2 triệu USD tại một cuộc đấu giá ở Hồng Công; xác lập kỷ lục mới về tranh đắt nhất của họa sĩ Việt Nam. Trước đó, bức Nhìn từ đỉnh đồi của ông cũng từng được bán với giá 844.000 USD vào năm 2014. Tuy nhiên, nhiều năm qua sự tồn tại của nạn tranh giả với không ít vụ việc bị phát hiện tại các cuộc triển lãm, đấu giá trong nước và ngoài nước làm giảm uy tín hội họa Việt Nam, mất lòng tin của giới sưu tầm và người chơi tranh nghệ thuật về sự minh bạch của thị trường mỹ thuật Việt.
Khi được hỏi về bài báo nêu trên, không ít ý kiến trong giới mỹ thuật nước nhà lấy làm "ngậm ngùi" thấy cơ bản là… đúng (!) Sau sự kiện triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu cuối năm 2016 làm dậy sóng dư luận vì có 15 trong số 17 bức là nhái, hai bức bị mạo danh, thị trường mỹ thuật Việt Nam gần đây lại liên tiếp rộ lên những nghi ngại tranh thật - tranh giả. Là một trong những tên tuổi hàng đầu được săn tìm, tranh Bùi Xuân Phái luôn dính "nghi án". Ngày 22-10-2016, trong một phiên đấu giá tại TP Hồ Chí Minh, dù được đấu giá thành công với số tiền 102.000 USD, bức Phố cổ Hà Nội vẫn khiến không ít họa sĩ lên tiếng khẳng định là giả. Gần đây, ngày 30-7-2017, dù đang trong nghi vấn thật, giả, bức Phố cũ vẫn được đấu giá với mức 12.500 USD tại Hà Nội… Không chỉ tranh của các tác giả thời kỳ Mỹ thuật Ðông Dương bị làm giả nhiều, một số tác giả đương đại cũng lên tiếng vì phát hiện tranh mình bị nhái như Ðặng Xuân Hòa, Lê Thanh Sơn, Trần Lưu Hậu… Ngày 9-8 mới đây, họa sĩ Phạm An Hải công bố trên mạng xã hội về việc tranh của mình bị làm giả và mạo danh. Cụ thể, tháng 5-2017, một nhà sưu tập từng mua năm bức tranh của Phạm An Hải từ ông Bảo Khánh (một người quen của tác giả) với giá 285 triệu đồng. Khi nhà sưu tập này đi làm khung, thì chủ xưởng (tình cờ cũng là một người chơi tranh Phạm An Hải) phát hiện ra tranh giả, chụp hình và gửi lại cho tác giả. Trong đó, bức Dư âm phố cổ là tranh chép, vì tác giả vẫn đang giữ tranh gốc, còn hai bức kia là của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng đã bị tẩy xóa tên và ký tên Phạm An Hải.
Năm 2011, trước việc ga-lơ-ry Viet Fine Arts (Tràng Tiền, Hà Nội) từng một số lần bày bán các bức tranh giả phỏng theo tác phẩm của mình lại tiếp tục tái phạm, họa sĩ Văn Thơ bức xúc cầm dao rạch nát bức tranh nhái theo tác phẩm Ông công nhân già của mình và mời công an tới lập biên bản. Nhưng sau đó, cơ quan chức năng Hà Nội chỉ xử phạt vi phạm hành chính chủ ga-lơ-ry hai triệu đồng về hành vi xâm phạm quyền phân phối dưới hình thức bán tác phẩm. Năm 2016, quá "sốc" khi phát hiện tranh của mình bị mạo danh tại triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu, họa sĩ Thành Chương từng quyết tâm tìm ra sự thật với nhiều giải pháp, trong đó có việc gửi đơn thư tới các cơ quan, tổ chức liên quan, nhưng đến nay đành thở dài: Tôi bây giờ chẳng bận lòng về chuyện đó nữa. Sự thể hai năm rõ mười, đầy đủ nhân chứng vật chứng kể cả kết luận của Hội đồng giám định rồi, nhưng không ai động đậy. Thành ra tôi không buông cũng chẳng được. Giờ đây, họa sĩ Phạm An Hải chỉ biết xử lý vụ việc của mình bằng cách gọi điện nói chuyện với nhà sưu tập, xác nhận đó là tranh giả và mạo danh vì không muốn họ bị thiệt thòi. Ngoài ra, ông đăng tải các hình ảnh tranh giả - tranh thật này lên mạng xã hội, công bố rõ sự việc để cảnh báo các nhà sưu tập.
Từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý
Sự tồn tại dai dẳng của nạn tranh giả lâu nay do nhiều nguyên nhân. Vì nhu cầu, khả năng tài chính của một số khách hàng muốn sở hữu tranh của các danh họa tên tuổi, giá cả phải chăng; lại không đủ trình độ, hiểu biết về mỹ thuật và sự thận trọng khi tìm hiểu về tác phẩm. Vì lợi nhuận của nhà buôn bán, sưu tập tranh (phần lớn là các chủ ga-lơ-ry). Vì chính bản thân họa sĩ sáng tác không có cách thức tự bảo vệ đứa con tinh thần của mình bằng cách đăng ký bản quyền; lưu lại hình ảnh, chứng từ hóa đơn khi giao dịch mua bán…, chủ yếu nhằm mục đích "né" thuế. Thậm chí, nhiều người cũng vì lợi nhuận mà tự "chép" lại tác phẩm của chính mình hoặc người thân. Các cơ quan chức năng chưa có sự phối hợp đồng bộ trong xử lý vi phạm. Do đó, dẫn đến sự "chìm xuồng" của không ít vụ việc, gây tâm lý thất vọng, bi quan trong giới nghệ sĩ và người sưu tầm, yêu nghệ thuật. Một số thành viên Hội đồng giám định tác phẩm của triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu bày tỏ nỗi buồn, bởi quyết định thành lập Hội đồng giám định không có nên các ý kiến tư vấn, đề xuất không có giá trị pháp lý. Nếu chúng ta quyết liệt hơn, nhờ đến sự can thiệp của lực lượng cảnh sát quốc tế thì có lẽ vụ việc không bị bỏ qua, thậm chí có thể làm sáng tỏ phần nào đường dây mua bán tranh giả quốc tế, trong đó tranh của nhiều danh họa nổi tiếng Việt Nam bị nhái và đưa lên các sàn đấu giá lớn như Sotheby’s, Christie…
Một yếu tố hết sức quan trọng, là vấn đề giám định tranh, bởi nếu người mua không hoàn toàn tin tưởng ở sự bảo chứng của các ga-lơ-ry, nhà đấu giá hoặc gia đình danh họa, có thể nhờ đến hội đồng giám định. Song lâu nay cả người bán lẫn người mua đều "bỏ quên" bước này. Trung tâm giám định mỹ thuật ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trước đây đã được thành lập, nhưng từ năm 2005 đến 2010 hầu như chẳng có ai "gõ cửa" nên đành giải thể. Tháng 6-2016, Trung tâm Giám định tác phẩm văn học nghệ thuật thuộc Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) được thành lập, nhưng số tranh được giám định rất ít ỏi. Như vậy, nhu cầu xã hội đối với việc giám định hội họa đến thời điểm này hầu như không có, dẫn đến thực trạng các trung tâm không có thì thiếu, có lại thừa.
Theo Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành: Thị trường mỹ thuật Việt Nam đã đi những bước đầu tiên theo mô hình tương đối chuyên nghiệp, khá đủ các yếu tố như: lực lượng sáng tạo với nhiều họa sĩ giỏi, có tác phẩm chất lượng; hệ thống ga-lơ-ry là các "chân rết" để phát triển thị trường; các trung tâm đấu giá để việc mua bán diễn ra công khai, minh bạch. Nhưng hiện nay đang thiếu khâu giám định - việc cần thiết để xác định tranh thật, giả. Cục đã đề xuất với lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép triển khai xây dựng Thông tư về tiêu chuẩn giám định viên mỹ thuật. Trong đó, sẽ có quy định về tiêu chuẩn giám định viên cũng như các sàn đấu giá phải công khai danh tính giám định viên, tránh tình trạng mù mờ như hiện nay. Còn về máy móc, hiện tại chưa có nhưng khi cần thiết vẫn có thể xin hỗ trợ từ Bộ Công an. Ông Vi Kiến Thành cũng chỉ rõ, khi xảy ra vấn đề về bản quyền tranh, cần báo đến ba cơ quan có trách nhiệm xử lý là công an, quản lý thị trường và thanh tra văn hóa địa phương. Hành vi buôn bán tranh giả có thể quy tội xâm phạm bản quyền và bị xử phạt hành chính theo Nghị định 158. Nếu các cơ quan cần tư vấn chuyên môn, có thể mời chuyên gia của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nếu không xử lý được có thể báo về Cục Bản quyền tác giả. Tiếp tục không giải quyết được nữa thì phải đưa ra tòa án dân sự. Chúng ta đã có đủ một hành lang pháp lý gồm Nghị định về hoạt động mỹ thuật, các Quy chế, Thông tư… cùng Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Ðấu giá tài sản. Vấn đề quan trọng là cần có những vụ việc bị xử lý kiên quyết, đến cùng. Như vậy mới có thể tạo tiền đề để nạn tranh giả được giải quyết, không thể mãi là nhiệm vụ "bất khả thi"!
Theo Bài và ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG LIÊN
nhandan.com.vn
Văn hóa: