Tam Đảo nhìn từ xa và nhìn thật gần
Một người Hà Nội (quê 36 phố phường) từng lang thang tới nhiều địa chỉ du lịch để sống, để trải nghiệm, để rồi viết. Thường, anh không nặng về "kỹ thuật" báo chí mà lôi cuối người đọc ở cách kể chuyện tự nhiên của một khách du lịch về một vùng đất. Bài viết này là phần mở đầu của "Tam Đảo ký sự" với nhiều câu chuyện ít ai biết về Tam Đảo của anh...
Tam Đảo nhìn từ xa và nhìn thật gần
Một người Hà Nội (quê 36 phố phường) từng lang thang tới nhiều địa chỉ du lịch để sống, để trải nghiệm, để rồi viết. Thường, anh không nặng về "kỹ thuật" báo chí mà lôi cuối người đọc ở cách kể chuyện tự nhiên của một khách du lịch về một vùng đất. Bài viết này là phần mở đầu của "Tam Đảo ký sự" với nhiều câu chuyện ít ai biết về Tam Đảo của anh.
Ở Hà Nội, vào những ngày trời trong đứng ở những nơi quang đãng không vướng cây cối phố phường, có thể nhìn thấy nhấp nhô hai dãy núi sẫm in trên nền trời. Về phía đông bắc là Tam Đảo, một cái tên đã đi vào trong trí nhớ không phải vì hình dáng mờ xa của nó mà vì người ta biết rằng ở đó có một khu nghỉ mát trên núi. Phía tây bắc là Ba Vì, một cái tên đã in vào trí nhớ cũng không phải vì sự hiện diện của nó mà chính vì ở đó là nơi có Thánh Tản Viên, vị thần núi của dân tộc ngự trị. Không hiểu vì sao hai dãy núi cùng dăng ngang nhìn về Hà Nội này lại cùng được người xưa lấy con số 3 để đặt làm tên.
Ba ngọn núi cao nhất ở Tam Đảo
Vào những lúc thanh lòng, lẳng lặng nhìn lên Tam Đảo, những người tinh mắt sẽ thấy ít nhất cũng có đến gần chục cái đỉnh khác nhau lô xô chen chúc chứ không phải chỉ có ba ngọn như người ta vẫn thường tưởng tượng mỗi khi nhắc đến tên của dãy núi này. Rồi mấy năm gần đây, chẳng mấy ai còn có thể đứng ở Hà Nội mà nhìn thấy núi cả. Nhà cửa san sát vươn lên che hết mọi tầm mắt. Thêm nữa có mấy ngày người thành phố thấy được trời trong xanh đâu mà nhìn thấy núi, nhất là phía gần chân trời, quanh năm mù mù trắng ngay cả vào những ngày quang quẻ.
Khói bụi đã âm thầm phủ dần lên không trung những chiếc màng mỏng tang mỗi ngày mỗi đục dần nhưng chậm và đều đến nỗi người ta dần quên đi là mới ngày nào họ vẫn còn nhìn thấy những dải núi thẫm nơi chân trời. Hơn thế nữa, thời buổi bây giờ mấy ai lại ngơ ngác nhìn lên trời làm chi. Đăm đáu nhìn trân trân vào mặt đường mà còn va quệt còn ách tắc, ngó lên trời hoạ có là ấm đầu. Vả lại chưa thấy ai không nhìn lên trời mà chết, chỉ thấy lơ mơ không nhìn xuống đất là ngã bổ chửng tức thì.
Nhưng càng cúi xuống nhiều thì người ta càng mệt và lại muốn tìm đường đi ra đâu đó, thế là rủ nhau mà lên Tam Đảo. Để lên Tam Đảo, người ta đi theo con đường nhựa từ thị trấn Vĩnh Yên dẫn vào chân núi. Vòng vèo theo con đường vừa dốc vừa quanh co đến chóng mặt dưới bóng của các tán rừng thông cao vút, khi gần đến thị trấn ngẩng mặt lên là thấy ngay có ba cái chóp núi cao dang rộng cánh tay như mời gọi, như đón chào. Trên một trong ba chóp núi ấy có chiếc cột truyền hình đâm thẳng lên trời, và rất nhiều người đã reo lên: Tam Đảo đây rồi!
Đúng là có ba ngọn núi cao ôm lấy một thung lũng chen chúc khách sạn và biệt thự lớn nhỏ. Đúng là Tam Đảo, ba hòn đảo núi nhô lên giữa một đại dương mênh mông mây trắng. Thế nhưng một lần vừa mới rời khỏi các con đường chính chừng dăm trăm mét đi ra sườn núi phía tây nơi có con đường cụt dẫn vào rừng già, anh chàng kiểm lâm dẫn đường chỉ tay qua bên kia một dải thung lũng uốn sâu hun hút dưới chân và giảng giải rằng: Ba ngọn núi nhô cao bên kia hõm núi có tên là Thiên Thi, Thạch Bàn và Phù Nghĩa. Đó chính là ba ngọn núi tạo thành cái tên Tam Đảo.
Ngọn núi gần nhất có cái sườn uốn cong xanh mướt đẹp và mềm như bờ lưng của một nàng tiên kia còn được gọi là đỉnh Rùng Rình. Từ dây qua đấy trông thì rõ gần nhưng phải đi chừng hơn một tiếng chui dưới tán rừng. Bước chân lên đó sẽ thấy đất dưới chân mình rùng rà rùng rình như đi trên đệm mút bởi vì cây cỏ bao đời đã bị rêu mốc kết thành một tấm thảm dày trùm lên nhấp nhô đá núi. Ai đã một lần đặt chân lên đó là không bao giờ có thể quên được cảm giác kỳ lạ đến nao lòng. Xưa kia người Pháp đã dọn một con đường mòn đi quanh các ngọn núi. Bây giờ lẫn trong cây rừng vẫn còn một vài chiếc bàn đá lục lăng, ghế ngồi và cả những thanh sắt giăng ngang xưa là tay vịn nay đã mục rỉ…
Hoá ra mình chẳng biết ngay cả đến những cái đơn giản nhất về Tam Đảo. Ngượng ngùng vì sự ngộ nhận bấy nay, quay lưng lại nhìn về thị trấn mới thấy rằng đứng ở đây mới thấy là ba ngọn núi nghênh ngang vây quanh thị trấn còn thấp hơn ba ngọn núi trước mặt nhiều. Về đến văn phòng, tìm trên tấm bản đồ địa hình treo sừng sững trên tường mới thấy thị trấn Tam Đảo chỉ là một cái chấm rất nhỏ trên một dải núi dài có tên là Tam Đảo.
Từ trước đến nay đã có biết bao nhiêu người cũng đã lầm lẫn như thế, cũng đã tự cho mình là đã biết hết Tam Đảo sau một hai lần lên đây thuê phòng khách sạn, ngủ một đêm để hưởng không khí mát lạnh, để ngắm mây trôi. Sành sỏi hơn một chút thì biết tìm đường xuống chân thác Bạc ngồi nghe nước reo, biết ra bể bơi vầy mình trong dòng
Thị trấn Tam Đảo và tháp truyền hình.
nước lạnh dẫn vào từ con suối rừng. Đỉnh cao của dân lọ mọ là tìm ra mấy quán nhậu để thì thầm gọi mấy món thịt thú rừng con con, như cầy, như dũi, nhậu với rượu chuối hột. Thế là coi như đã biết hết tất tần tật, chẳng còn gì phải băn khoăn.
Trong hàng mấy trăm du khách đang tràn vào cái thị trấn toàn những là khách sạn ở trên núi kia, có được bao nhiêu người biết đúng đâu là ba ngọn núi cao tạo thành cái tên Tam Đảo, bao nhiêu người chẳng cần để ý đến ba ngọn núi ấy là những ngọn núi nào, và bao nhiêu người đã lầm tưởng ba chỏm vây quanh thị trấn là ba ngọn cao nhất dải núi này? Và còn biết bao nhiêu điều mà không ai biết hoặc không cần biết đến làm gì. Họ đã đặt chân lên Tam Đảo và thế là đủ lắm rồi.
Lang thang dạo chơi theo các con đường nhựa chạy vòng vèo trong thị trấn, thỉnh thoảng người ta lại gặp một dãy tường đá hộc cũ kỹ rêu phong nằm ẩn mình dưới lớp cỏ dày, dẫn xuống một vài dãy bậc thang đá xếp, chỗ lành chỗ vỡ, và đôi khi thấy cả một khúc lan can đổ gục, để trơ cả lõi gạch đã đen rêu. Nhưng không phải ai cũng biết rằng cách đây gần một thế kỷ, bên trên những chiếc nền đá ấy là những biệt thự tuyệt đẹp có cả sân vườn cây cối xum xuê, có bao lơn nhìn ra thung lũng và có tiếng dương cầm êm ái vọng ra hoà vào mây trắng tràn lan bên song cửa. Trên những nền đất ấy đã có những cuộc dạ tiệc linh đình của gia đình những nhà quý tộc Pháp kiêu căng chở nguyên từng viên ngói thuỷ tinh gửi theo tàu biển từ cảng Marseille vượt đại dương sang đây để xây nhà, đã có những cuộc tháo chạy hoảng hốt tơi bời khi người Nhật hăm hở đưa quân lên Tam Đảo.
Và từ đó đến nay, bao nhiêu thăng trầm đã chà đi xát lại trên các nền đá ấy. Thế rồi hôm nay, từ các chiếc hầm móng đổ nát đã dãi nắng dầm mưa mấy chục năm trường nay lại đang mọc lên các khách sạn nghênh ngang hoành tráng. Hầu hết những ông chủ mới chẳng cần biết đến việc cái ngôi nhà trên tầng hầm đá mà họ vừa phá, khi xưa đã có hình hài ra sao. Họ đập thật lực và xây lên thật nhanh, vùi xuống thật sâu những viên gạch vỡ cuối cùng không vứt đi đâu được. Những cụ già hiếm hoi ở Tam Đảo còn được tận mắt nhìn thấy các ngôi biệt thự xưa ấy thì nay đã ra đi gần hết, một vài cụ cuối cùng đã nặng tai, nói nhịu và quên lẫn hết cả. Mà cũng chẳng có ai hỏi han gì, cho nên có nhớ cũng chẳng để làm chi. Và vì không cần nhớ cho nên rất chóng quên.
Nói dại nếu nay mai có động đất đổ nhà sập phố thì rồi lại sẽ có một lớp móng thứ ba đè lên trên của một thị trấn mới mà đến khi cháu chắt ta đào đất để xây cái gì đó lại hô hoán ầm lên là đã phát hiện ra mấy thị trấn cổ nằm đè lên nhau sâu dưới ba tầng đất mà hiện vật thu gom chỉ toàn là gạch vụn tả tơi. Khi ấy sẽ lại có những cuộc hội thảo cuồng nhiệt về việc làm sao có thể hình dung ra cái thị trấn cổ ấy hình hài thế nào. Sẽ lại có rất nhiều tiền đầu tư để làm sao mà bảo tồn các viên gạch vụn, sẽ có nhiều luận án thạc sĩ tiến sĩ về các tầng khảo cổ mới tìm ra. Chẳng khác gì như việc vừa rồi người ta đào móng xây nhà mới đột nhiên thấy mấy tầng móng nát đè lên nhau của các triều đại xưa ở nơi khúc rìa khu thành cổ Thăng Long, đất thiêng sông núi đã một ngàn năm tuổi. Không một di văn, không một ký ức, không một ảnh hình, tất cả chỉ còn là hàng ngàn miếng gạch vụn tả tơi.
Một đêm không trăng sao, ngồi bên bàn rượu với các chàng thanh niên lớn lên trên đất Tam Đảo và lẳng lặng nghe họ chuyện trò. Đầu tiên là người nọ tiếp lời người kia, sau dần thành ra đôi co quanh những mẩu chuyện định nói làm quà cho ông khách lạ. Một chàng cao hứng kể về những gốc chè tuyết cổ thụ trên núi chỉ cách cái bàn rượu này có gần một tiếng đường rừng, năm ngoái anh ta theo bố leo lên hái được đến ba cân búp mang về sao khô rồi biếu mọi người, ngon hơn chè tuyết Suối Giàng nhiều. Chàng khác chặn ngay, chè tuyết trong rừng thì ai chả biết nhưng năm ngoái hái chè thì nhớ sai rồi. Cây chè tuyết ấy đã chết từ năm kia, sau khi bị ai đó định đánh cả gốc mà không được. Đúng là mấy năm rồi không chịu bước chân khỏi nhà. Rồi đến cái chuyện một ông Tây vào rừng rồi lạc mất tăm mấy ngày đến nỗi vợ con phải bay sang để định xin xác mang về. Thế mà cãi nhau mãi cũng không ngã ngũ anh ta người Đan Mạch hay là Hà Lan, lạc ba hay là năm ngày. Nghe như là chuyện ở đẩu ở đâu, không chừng mấy năm nữa lại chìm dần đi đằng sau các bức màn khói của bận rộn đời thường như dãy núi Tam Đảo đã biến mất khỏi tầm mắt của người Hà Nội.
Thế nhưng những ông chủ đang than vắn thở dài vì ai lên Tam Đảo cũng chỉ muốn về ngay, chẳng ai chịu lên thuê phòng vào mùa đông giá rét, các vị ấy đâu có biết rằng không phải những căn phòng khách sạn mà chính là những câu chuyện của những chiếc nền đá đổ nát, của những cây chè tuyết trăm tuổi kia mới có thể làm nên cái hồn để có sức lôi kéo người ta lưu lại Tam Đảo dài hơn và nhớ về Tam Đảo lâu hơn. Thêm nữa, chính những câu chuyện tưởng như vô bổ ấy lại kết thành những lời khuyên minh triết cản tay những người đang hấp tấp biến cái thung lũng nhỏ xinh này thành một đống hỗn độn chen chúc các khối bê tông khổng lồ lạnh lẽo.
Sưu tầm