Cập nhật: 18/09/2017 14:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, tài nguyên biển và hải đảo ở nước ta chủ yếu được quản lý theo ngành, lĩnh vực, mà chưa xem xét việc phân tích các chức năng của mỗi vùng một cách tổng thể. Đây được coi là nguyên nhân làm suy thoái nhiều loại tài nguyên biển, hệ sinh thái, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo đang có chiều hướng gia tăng ở nước ta.

 

Cán bộ Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng tiến hành thu gom

 rác trôi nổi trên một vụng biển thuộc Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: ĐỨC HIẾU

Việt Nam nằm bên bờ Biển Đông, có đường bờ biển dài hơn 3.260 km, đứng thứ 27 trong tổng số 157 quốc gia có biển và các quốc đảo trên thế giới, với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có diện tích khoảng một triệu km2, gấp ba lần diện tích đất liền. Tổng diện tích các đảo của Việt Nam vào khoảng 2.500 km2, với tổng số dân sống trên các đảo khoảng 300 nghìn người. Hiện, cả nước có 28 tỉnh, thành phố có biển, với khoảng hơn 40 triệu người đang sinh sống, chiếm gần 50% tổng số dân cả nước... Do có nguồn tài nguyên biển, ven biển khá phong phú và đa dạng, cùng lịch sử khai thác, sử dụng và quản lý biển lâu đời cho nên nhiều ngành kinh tế gắn liền với biển như: Năng lượng, cảng và vận tải biển, viễn thông, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, thể thao, du lịch đã có những bước phát triển vượt bậc; góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Đánh giá về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo ở nước ta thời gian qua, Quyền Tổng cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phạm Ngọc Sơn cho biết, biển có tính chất đặc thù, là không gian liên thông; chất lượng môi trường biển bị chi phối rất mạnh bởi các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, nhất là ở khu vực ven bờ. Tuy nhiên, do tài nguyên biển và hải đảo ở nước ta chủ yếu được quản lý theo ngành, lĩnh vực; việc khai thác, sử dụng chủ yếu thực hiện theo các quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch khai thác, sử dụng một loại, hoặc một nhóm loại tài nguyên mà chưa xem xét vấn đề khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo dựa trên việc phân tích các chức năng của mỗi vùng biển một cách tổng thể; thiếu sự gắn kết, hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên trên cùng một vùng biển; thiếu công cụ điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng cho nên hạn chế sự phát triển chung, làm suy thoái nhiều loại tài nguyên, nhất là tài nguyên tái tạo. Tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo có chiều hướng gia tăng; nhiều hệ sinh thái biển và hải đảo quan trọng đã bị tổn thương nghiêm trọng, dẫn đến sự nghèo nàn nguồn lợi thủy sản...

Nhằm khắc phục tình trạng nêu trên, trong những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan công tác quản lý, khai thác, sử dụng biển theo hướng phát triển bền vững, nhất là các văn bản liên quan quy hoạch biển như quy hoạch về bảo tồn đa dạng sinh học và hệ thống khu bảo tồn biển; các ngành kinh tế biển có quy hoạch tổng thể phát triển ngành như quy hoạch hệ thống cảng biển, dầu khí, du lịch, thủy sản; các địa phương có biển trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố đề cập nội dung sử dụng và khai thác biển thuộc địa phương mình. Tuy nhiên, đến nay, chưa có quy hoạch tổng thể không gian biển với nội hàm điều chỉnh đồng bộ các ngành, lĩnh vực sử dụng tài nguyên biển đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững. Do vậy, Việt Nam cần phương thức quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo dựa trên tiếp cận hệ sinh thái.

Để thực hiện được phương pháp quản lý này, Luật Biển Việt Nam, Luật Tài nguyên, Môi trường và Hải đảo đã quy định nhiều cơ chế, chính sách, công cụ để bảo đảm thực hiện, trong đó quy hoạch sử dụng biển là một trong những công cụ hết sức quan trọng nhằm định hướng và tổ chức không gian cho việc sử dụng các vùng biển Việt Nam; định hướng điều phối các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển, nhằm góp phần bảo vệ toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái.

Theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ đã tổ chức xây dựng Dự thảo Quy hoạch sử dụng biển Việt Nam đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện giai đoạn 2017 - 2025, hiện đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ để trình Quốc hội thông qua. Mục tiêu chung của Quy hoạch là bảo đảm sử dụng bền vững các vùng biển và hải đảo thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo đảm an ninh - quốc phòng, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: Giải quyết các vấn đề trong sử dụng tài nguyên, không gian biển, tập trung vào việc phân vùng chức năng chi tiết các vùng biển và ven biển; củng cố hệ thống khu bảo tồn biển; điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành kinh tế biển và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố có biển...

KHÁNH HUY

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm