Cập nhật: 27/09/2017 10:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 4/11/2011 về phát triển dịch vụ, du lịch Vĩnh Phúc giai đoạn 2011 - 2020 được triển khai, thực hiện trong những năm qua đã tạo đà cho du lịch Vĩnh Phúc phát triển, làm thay đổi diện mạo "ngành công nghiệp không khói" của địa phương đầy tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực này.

 

Flamingo Đại Lải Resort được đầu tư quy mô, bài bản, tạo hình ảnh mới cho du lịch Vĩnh Phúc.

Với mục tiêu hướng đến phát triển dịch vụ, du lịch bền vững, du lịch Vĩnh Phúc nhiều năm trở lại đây đã hướng đến văn minh, hiện đại, hội nhập khu vực quốc tế, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhiều dự án lớn, tầm cỡ được triển khai phù hợp với quy hoạch của Tỉnh như: Đảo Ngọc, Flamingo Đại Lải Resort, Pradise Đại Lải Resort, FLC Vĩnh Thịnh Resort, Tam Đảo 2... Đảo Ngọc được khai thác từ "truyền thuyết "về đảo Chim, chủ yếu phát triển theo hướng du lịch sinh thái, du lịch tâm linh... đã tạo một không gian lớn, có sức mới lạ ở vùng du lịch Đại Lải. Cùng với đó, khu Flamingo Đại Lải Resort được khai thác từ lợi thế thiên nhiên, giữ gìn môi trường, nơi đây được kiến tạo để trở thành một trong 10 điểm nghỉ dưỡng hấp dẫn nhất hành tinh, đạt được nhiều giải thưởng danh giá trong nước và Quốc tế. Tại đây, dịch vụ phát triển khá đa dạng với các môn thể thao thời thượng: Golf, lướt sóng, du thuyền, chèo thuyền Kayak; nghỉ dưỡng sang trọng với các biệt thự được thiết kế theo phong cách Châu Âu, thậm chí có cả "Vương quốc hoa hồng" đầu tiên tại Việt Nam hội tụ 500 loài hoa hồng quý; bể bơi nước nóng ngoài trời lớn nhất miền Bắc; hàng trăm vườn treo trên cao; đường dạo trên cao, toà nhà với 50.000 cây xanh... tạo bước đột phá về phát triển dịch vụ du lịch. Đảo Ngọc, Flamingo Đại Lải Resort, Pradise Đại Lải Resort, FLC Vĩnh Thịnh Resort, Tam Đảo 2... đã làm thay đổi hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc, thu hút khách du lịch ngày càng đông và để lại ấn tượng về các loại hình du lịch độc đáo này. Không những vậy, một số khu du lịch lớn nữa cũng đang được triển khai... tạo một bức tranh hoàn chỉnh, đa sắc màu cho du lịch Vĩnh Phúc.

Với sự quyết liệt vào cuộc của tỉnh, tạo cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển dịch vụ, du lịch, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho từng giai đoạn. Tam Đảo trở thành huyện trọng điểm du lịch của tỉnh với khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo 1; khu du lịch cao cấp Tam Đảo 2; Trung tâm lễ hội Tây Thiên... Hiện hàng loạt các dự án vui chơi, giải trí tầm cỡ đã và đang được triển khai, thi công tại khu du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo 1 như: Lâu đài, khu tổ hợp dịch vụ cao cấp, khu ẩm thực, khu công viên trung tâm và các tuyến đường nội thị thị trấn Tam Đảo... với tổng kinh phí ước tính hàng nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, Tam Đảo 1 những năm gần đây tăng đột biến về lượng khách du lịch, 100% cơ sở lưu trú kín phòng hoặc quá tải ngày cuối tuần, dịp lễ. Cùng với đó, khu danh thắng Tây Thiên những năm qua được đầu tư khá bài bản với các hạng mục quy mô như: Khu trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên với gần 160 ha, tiêu biểu là các công trình: Đền thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, Đền Mẫu Hoàng Thiên, Đền Cô Chín, Miếu Sơn thần, sân hành lễ và khu nội tự. Bên cạnh đó, còn có các công trình Đại Bảo tháp, Hồ xung quanh Đại Bảo tháp, Chùa Thiên Ân, Chùa Báng. Các dịch vụ tiện ích, hiện đại cũng được quan tâm, đầu tư tại đây như: hệ thống cáp treo, khu dịch vụ, nhà khách và bến xe điện... Tây Thiên đã thu hút hàng vạn du khách thập phương và đã được xếp hạng di tích đặc biệt cấp Quốc gia. Các khu danh thắng, du lịch này đã thành công trong việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như: du lịch lễ hội - tín ngưỡng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch tìm hiểu văn hóa, lịch sử; du lịch thể thao, mạo hiểm; du lịch vui chơi, giải trí.

Lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc ngày càng tăng với nhịp độ tương đối ổn định. Tính trung bình từ năm 2011 đến nay, tốc độ tăng trưởng bình quân của khách du lịch là 15,6%, doanh thu tăng 12 - 15%. Sự phát triển của du lịch đã tác góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của nhân dân.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết 01 còn những tồn tại, hạn chế, đặc biệt, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch còn chậm. Công tác tuyên truyền, quảng bá còn chưa sâu rộng, chưa hình thành được các tour du lịch có tính liên kết vùng. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực của ngành du lịch còn chưa được quan tâm đúng mức. Hiện nay, đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn trên các lĩnh vực hoạt động du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên...

Thời gian tới, để từng bước đưa du lịch Vĩnh Phúc phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết 01- NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch 829/KH - UBND của UBND tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và bước đột phá mới nhằm thúc đẩy du lịch phát triển đúng hướng, nhanh và bền vững. Tập trung mọi nguồn lực để khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương. Đồng thời, cần phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, gắn khai thác với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Huy động các nguồn lực đầu tư để tăng nhanh số lượng cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, phục vụ chuyên nghiệp… để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách; đẩy nhanh tiến độ các dự án có quy mô lớn gắn với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

ST

Tệp đính kèm