Cách thủ đô Hà Nội hơn 90km về phía nam, nằm trong vùng lõi của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, khu du lịch sinh thái Tràng An thuộc địa phận các xã Trường Yên, Ninh Vân, Ninh Hải (huyện Hoa Lư), Gia Sinh (huyện Gia Viễn), xã Ninh Nhất, phường Tân Thành (TP. Ninh Bình), tỉnh Ninh Bình.
Du khách ngồi thuyền tham quan Tràng An
Nơi đây được ví như một “Hạ Long cạn” với vẻ đẹp hùng vĩ, tráng lệ được tạo nên bởi các thế núi muôn hình vạn trạng soi bóng xuống những dòng suối nhỏ quanh co, uốn lượn nối liền các hang động, thung lũng hoang sơ, kỳ bí. Đây còn là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và các di tích lịch sử văn hóa đặc sắc. Ngoài tuyến du lịch đường bộ có chiều dài 1,6km qua ba đèo liền nhau là đèo Cậy, đèo Vài và đèo đền Trần, đến với khu du lịch sinh thái Tràng An, du khách còn có thể lựa chọn tuyến du lịch đường thủy kết hợp leo núi theo một lộ trình khép kín. Xuất phát từ bến thuyền trung tâm với điểm dừng chân đầu tiên là đền Trình, tiếp theo du khách ngồi thuyền qua các hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu rồi lên bờ và leo gần 500 bậc đá để vào dâng hương tại đền Trần. Sau đó, du khách xuống thuyền đi qua hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt, hang Seo, hang Sơn Dương và lên thăm phủ Khống, rồi tiếp tục lộ trình đến hang Khống, hang Trần, hang Quy Hậu và trở về điểm xuất phát, kết thúc chuyến đi.
Đền Trình được xây từ thời nhà Đinh, theo thế “Ỷ sơn, diện thủy” (tức lưng dựa vào núi, mặt nhìn ra sông), có kiến trúc hình chữ Đinh. Đền gồm 2 tòa tiền bái và hậu cung. Tiền bái thờ hai vị quan trung thần nhà Đinh tước hiệu là Tả Thanh Trù và Hữu Thanh Trù. Hậu cung thờ "Tứ trụ triều đình" của nhà Đinh đã có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lập ra nước Đại Cồ Việt, đó là: Ngoại giáp Đinh Điền, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Đô hộ phủ sỹ sư Lưu Cơ và Trịnh Tú.
Hang động tại Tràng An
Sau khi qua đền Trình, du khách sẽ có dịp khám phá hệ thống các hang động kỳ thú. Đầu tiên là hang Địa Linh (“đá nở hoa”) dài 300m, thông sang thung lũng đền Trần. Vào sâu trong hang, du khách sẽ thấy có những chỗ rộng, bằng phẳng với những nhũ đá mang vẻ đẹp lộng lẫy, ánh lên như kim cương, vàng, ngọc khiến du khách có cảm giác như lạc vào kho châu báu hóa thạch. Trong hang cũng có những nơi rất hẹp, bề ngang chỉ chừng 3m, tạo ra vẻ đẹp huyền bí, linh thiêng đúng như tên gọi của hang.
Ra khỏi hang Địa Linh, du khách tiếp tục tới hang Tối. Hang dài 315m, bên trong có nhiều nhũ đá với các hình thù độc đáo, phải dùng đèn pin chiếu sáng mới nhìn thấy. Giữa lòng hang có một mạch nước nóng nên nhiệt độ trong hang thường cao hơn bên ngoài từ 2 đến 3°C. Liền kề hang Tối là hang Sáng dài 112m, rộng 12m và gấp khúc. Trần hang có nơi cao 12m, xung quanh có nhiều khối nhũ đá rất đẹp. Qua hang Tối là đến hang Nấu Rượu dài khoảng 250m. Trong hang có một giếng sâu khoảng 15m, nước rất trong và mát. Tương truyền, tiền nhân xưa đã phát hiện ra giếng nước và dùng nước này để nấu rượu. Trong quá trình khảo sát hang, các nhà khảo cổ đã tìm được rất nhiều hũ, vại, vò và các dụng cụ mà người xưa dùng để nấu rượu.
Thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, đền Trần còn có tên gọi là đền Nội Lâm (đền trong rừng), thờ Quý Minh Đại Vương và phu nhân là Hoàng Phi quý nương. Tương truyền đây là ngôi đền được các vị vua nhà Trần cho xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động tín ngưỡng trong những năm tháng lui về hành cung Vũ Lâm, chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Đền Trần có kiến trúc theo kiểu chữ Nhị, gồm hai tòa tiền bái và hậu cung. Tiền bái gồm 3 gian, 2 dĩ, bên trong có hai hàng cột bằng đá xanh nguyên khối. Mặt ngoài của cột chạm lộng và chạm thông phong đề tài độc long, mây, sóng nước, cá chép hóa long, sư tử và hoa cách điệu. Hậu cung có ban thờ bằng đá xanh nguyên khối tam cấp. Bên trên có hai long cung, bên trong long cung có tượng Quý Minh Đại Vương và phu nhân.
Tiếp tục hành trình khám phá khu du lịch sinh thái Tràng An, du khách sẽ tới thăm hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt, hang Seo và hang Sơn Dương. Các hang này có độ dài trung bình từ 100 - 250m. Nhũ đá trong các hang phần nhiều có màu trắng muốt hay xanh ngọc. Tài liệu địa chất cho rằng vùng núi đá vôi này có nhiều oxít silic khiến nhũ đá “mọc” chậm nhưng lại tạo ra vẻ óng ánh, lung linh, huyền ảo. Đặc biệt, hang Sính, hang Si và hang Ba Giọt gắn liền với truyền thuyết về một câu chuyện tình buồn. Xưa có chàng công tử yêu tha thiết một nàng công nương. Khi chàng gánh đồ sính lễ đến hang Sính để cầu hôn thì nàng đã bị cống nạp cho nước láng giềng. Chàng sang hang Ba giọt tắm gội, sau đó ôm khối tình riêng trẫm mình ở hang Si.
Qua các hang này, du khách lên thuyền và vào tham quan Phủ Khống, là nơi thờ một vị quan trấn ải kinh đô thời Ðinh và 7 vị quan đại thần nhà Đinh đã khâm liệm và an táng Vua Đinh Tiên Hoàng trong khu vực núi rừng Tràng An, sau đó tuẫn tiết để thể hiện lòng trung thành với vua. Hiện nay, bên cạnh phủ Khống vẫn còn lưu giữ nhánh của cây thị hàng nghìn năm tuổi, tương truyền là cây thị đánh dấu nơi thờ 7 vị quan trung thần.
Trước khi trở về điểm xuất phát để kết thúc chuyến đi, du khách được đến thăm hang Khống, hang Trần, hang Quy Hậu, trong đó, hang Khống có chiều dài 70m. Đây chính là kho quân sự, xưởng sản xuất vũ khí của Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Sự kết hợp của các loại hình du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch văn hóa đã tạo cho tuyến du lịch đường thủy kết hợp leo núi ở khu du lịch sinh thái Tràng An trở nên phong phú, hấp dẫn. Bên cạnh đó, sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo, thân thiện của đội ngũ hướng dẫn viên và người dân địa phương nơi đây cũng là yếu tố góp phần thu hút du khách đến và quay trở lại khu du lịch này.
ST