Cập nhật: 29/09/2017 10:00:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gây hạn chế lượng khí đi vào và đi ra khi thở khiến phổi tổn thương vĩnh viễn. Bệnh làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân và điều trị rất khó khăn. Vì vậy, việc phòng tránh có ý nghĩa rất quan trọng.

 

Có những yếu tố ảnh hưởng đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và chúng ta có thể hóa giải các yếu tố đó để phòng tránh cũng như hạn chế sự tăng nặng của bệnh này.

Ảnh hưởng của thời tiết

Sự thay đổi thời tiết và nhiệt độ có thể làm các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trở nên xấu đi. Không khí lạnh, khô hoặc không khí nóng có thể gây ra đợt bùng phát các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Nhiệt độ quá lạnh  và cao trên 32oC là những yếu tố nguy hiểm cho bệnh này. Các yếu tố như gió và độ ẩm cũng là nguy cơ cho việc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Vì vậy, để phòng tránh bệnh nặng, khi thời tiết lạnh và có gió, nên che chắn mũi và miệng khi đi ra ngoài. Việc sử dụng khẩu trang, khăn, thậm chí có thể dùng bàn tay đưa lên để che mũi và miệng là có ích. Đối với môi trường trong nhà ở, độ ẩm lý tưởng là khoảng 40% và có thể duy trì độ ẩm này bằng cách sử dụng máy làm ẩm không khí.

Trong những ngày trời nắng nóng và ẩm ướt, không có cách nào để tránh bệnh phổi tắc nghẽn bùng phát tốt hơn việc ở trong nhà và bật điều hòa. Trên thực tế, đó là cách duy nhất để làm giảm nguy cơ phát bệnh cấp tính. Để phòng tránh bệnh, nhiều người ở giai đoạn giữa và giai đoạn cuối của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thậm chí còn chuyển đến một địa phương khác để sinh sống, nơi có nhiệt độ và thời tiết ổn định hơn.

Tác hại do ô nhiễm không khí

Sự ô nhiễm không khí ở trong nhà hay ở ngoài đều có thể gây kích thích phổi và làm các triệu chứng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bất ngờ xuất hiện. Các loại bụi bẩn, phấn hoa, khí ozon hoặc khói có thể là các nguyên nhân gây bệnh khi ở ngoài trời. Tương tự, các loại bụi bẩn, phấn hoa, lông súc vật và các chất hóa học từ các sản phẩm tẩy rửa, sơn hoặc các sản phẩm dệt may có thể gây ra các đợt bùng phát triệu chứng khi ở trong nhà.

Vì vậy, những người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần bảo vệ bản thân khỏi các chất gây ô nhiễm bên ngoài bằng các cách như việc bảo vệ bản thân trước không khí lạnh, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và hạn chế luyện tập thể thao hoặc hoạt động thể lực ngoài trời. Cách tốt nhất để làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là ở trong nhà, đặc biệt là khi lượng khí ozon và lượng khói bụi trong không khí quá cao. Bình thường, lượng khí ozon sẽ cao nhất vào thời điểm giữa tháng 5 đến tháng 9 và lượng khí này vào buổi chiều sẽ cao hơn buổi sáng.

Để cải thiện không khí trong nhà, nên sử dụng máy lọc không khí để có thể loại bỏ các chất gây kích thích bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Thường xuyên lau dọn nhà cửa, đặc biệt là hút bụi có thể giúp làm giảm nguy cơ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính bùng phát. Nên dùng các sản phẩm tẩy rửa thiên nhiên không chứa các chất gây kích thích phát bệnh.

Nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến phổi và phế quản, rất nguy hiểm đối với các bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Những bệnh lý gây nhiễm khuẩn, cúm, cảm lạnh có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng ho, khò khè và khó thở. Nếu không được điều trị, các bệnh nhiễm khuẩn này có thể dẫn đến viêm phổi, gây nguy hiểm tới tính mạng.

Vì vậy, cách tốt nhất để giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn là thường xuyên rửa tay sạch và đảm bảo rằng tiêm đủ vắc-xin phòng bệnh cần thiết. Thường xuyên uống đủ nước, thực hiện vệ sinh tốt, giữ nhà cửa sạch sẽ và tránh đến những nơi đông người hoặc tránh tiếp xúc với người bị bệnh... là những cách tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Tránh khói thuốc

Khói thuốc lá, thuốc lào, shisha là mối nguy hiểm đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã được nhiều nghiên cứu khẳng định.  Khói thuốc lá chứa thạch tín và rất nhiều chất hóa học độc hại có thể gây kích ứng phổi. Khói thuốc có thể gây tổn thương các lông mao chịu trách nhiệm làm sạch đường dẫn khí. Tổng hợp các yếu tố trên có thể làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và gia tăng nguy cơ các triệu chứng bệnh bùng phát.

Để tránh khói thuốc, mọi người nhất là bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính không nên hút thuốc lá, thuốc lào... Nếu bạn bị phổi tắc nghẽn mạn tính, bạn nên cai thuốc ngay lập tức. Trường hợp bạn đã cai thuốc rồi, nên làm mọi cách có thể để không tiếp xúc với khói thuốc cũng như không hút thuốc lá thụ động.

Ths. Phạm Ngọc Quý

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm