Cập nhật: 02/10/2017 14:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những năm qua, diễn biến sạt lở bờ sông, bờ biển vùng đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp. Hiện nay, khu vực này có 562 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 786 km, trong đó, sạt lở bờ sông chủ yếu diễn ra dọc các sông: Tiền, Hậu, Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây và các nhánh chính của hệ thống kênh, rạch. Ðiều đáng nói là, sạt lở bờ sông đang tăng cả về phạm vi và mức độ nghiêm trọng.

Toàn khu vực có 513 điểm sạt lở với tổng chiều dài 520 km, điển hình như: bờ sông Tiền, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình (Ðồng Tháp); bờ sông Vàm Nao, xã Mỹ Hội Ðông, huyện Chợ Mới (An Giang); bờ sông Bò Ót, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt (Cần Thơ); bờ sông Cổ Chiên, xã Ðại Phước, huyện Càng Long (Trà Vinh). Trong khi đó, sạt lở bờ biển cũng có xu thế tăng, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha/năm, nhất là khu vực bờ biển thuộc hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Hiện có 49 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài 266 km, trong đó có 40 khu vực thường xuyên bị xói lở với tốc độ từ 10 đến 45 m/năm. Ðáng chú ý, trong số các điểm sạt lở này, có 40 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm với tổng chiều dài 131 km, gồm bờ sông 21 điểm với chiều dài 37 km, bờ biển 19 điểm với chiều dài 94 km.

Sạt lở gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn đê điều, khu dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mê Kông đã và đang làm tăng các biến động bùn cát trên các tuyến sông và vùng ven biển, gây mất ổn định lòng sông, bờ sông và xâm thực bờ biển. Hơn nữa, việc khai thác cát quá mức đã làm lòng sông bị hạ thấp, dẫn đến cao độ mực nước về mùa kiệt trên các tuyến sông bị giảm; thay đổi chế độ thủy văn dòng chảy tại các phân lưu, hợp lưu ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định bờ sông, bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn ven biển. Việc xây dựng, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến giao thông, trong đó có nhiều đoạn bám sát bờ sông, kênh, rạch, nhất là các tuyến liên huyện, liên xã; tác động của các phương tiện vận tải về mật độ và trọng lượng cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ sạt lở. Ngoài ra, các tuyến đê bao được xây dựng dù chưa có quy hoạch để trồng lúa vụ ba đã làm thu hẹp không gian thoát lũ, gây tác động không nhỏ đến ổn định lòng dẫn, tăng nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, việc xử lý sạt lở thời gian qua chủ yếu trông chờ nguồn ngân sách nhà nước, vì thế, nhiều khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm chưa được đầu tư xử lý kịp thời.

Để khắc phục tình trạng này, các bộ, ngành và địa phương cần tăng cường công tác quản lý bờ sông, bờ biển nhằm giảm tác động gây xói lở theo hướng quản lý tổng hợp, dành không gian thoát lũ, làm đường giao thông; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong phòng, chống sạt lở bờ sông, kênh rạch; quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, công trình ven sông để hạn chế chất tải lên bờ sông, kênh rạch, cản trở dòng chảy; bố trí, sắp xếp từng bước di dời dân ra khỏi bờ sông, lòng kênh, rạch, ưu tiên những nơi có nguy cơ cao về sạt lở. Ðồng thời kiểm soát, chấn chỉnh việc phá rừng cho các mục đích kinh tế, trồng rừng thay thế; quản lý tổng hợp vùng bờ biển theo hình thức xã hội hóa, gắn trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng ven biển; kiểm soát việc sử dụng và khai thác nước ngầm để hạn chế hiện tượng lún sụt đất: Rà soát quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển để hạn chế các tác động gây xói lở bờ biển; quy hoạch hệ thống quan trắc diễn biến xói lở bờ biển, nước biển dâng, dòng ven. Xác định các giải pháp phòng, chống sạt lở phù hợp từng khu vực, thân thiện môi trường, giảm chi phí đầu tư; phát triển rừng ngập mặn ven biển thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ giải quyết khu vực sạt lở phức tạp bảo đảm bền vững, không gây sạt lở lan truyền.

 

Theo BẢO HÂN/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm