Theo Tổng cục Thống kê, trong chín tháng năm 2017, thiên tai làm 169 người chết và mất tích, 232 người bị thương; 1.600 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hơn 233 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; hơn 110 nghìn ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hỏng. Thiệt hại ước gần 21,5 nghìn tỷ đồng. Một số địa phương bị thiệt hại nhiều là Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Trị, Yên Bái. Cũng theo báo cáo sơ bộ, tổng số tiền mặt cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai từ đầu năm đến nay là hơn 551 tỷ đồng.
* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư cho biết, do chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới trên cao, từ hôm nay (3-10) đến ngày 5-10 ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to (tổng lượng mưa phổ biến 50 - 150 mm, riêng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình 150 - 200 mm, có nơi hơn 250 mm). Nguy cơ sạt lở đất và lũ quét có khả năng xảy ra tại vùng núi một số tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngoài ra, khu vực nam Biển Ðông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái-lan có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xuất hiện lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7, cấp 8; sóng biển cao từ 1,5 đến 2,5 m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1.
* Sáng 2-10, do phía thượng nguồn có mưa lớn, trên suối Nậm Luông (huyện Bảo Yên, Lào Cai) xuất hiện lũ lớn, gây ngập lụt nhiều diện tích hoa màu của người dân hai xã Nghĩa Ðô và Vĩnh Yên. Ðặc biệt, tại xã Nghĩa Ðô, nước lũ đã khiến chợ Nghĩa Ðô ngập sâu trong nước từ 0,8 đến 1 m. Hiện nay, lực lượng chức năng đang giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.
* Tại huyện Xín Mần (Hà Giang), mưa lớn làm trôi hoàn toàn 0,3 ha đất lúa, bốn nhà dân bị hư hỏng; tỉnh lộ 178 bị sạt và vùi lấp năm vị trí từ Km 20 đến Km 33 thuộc địa phận xã Khuôn Lùng và xã Nà Chì, với khối lượng hơn 1.200 m3; tuyến đường từ Ðèo Gió đi xã Quảng Nguyên bị sạt lở lớn ở hai vị trí với khối lượng hơn
800 m3. Hiện nay, UBND huyện đang huy động lực lượng đến thăm hỏi, giúp nhân dân khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống; đồng thời nhanh chóng khắc phục sạt lở để nhân dân đi lại.
* Trong hai ngày 1 và 2-10, tại Yên Bái, mưa gây sạt lở, ngập úng làm ách tắc nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Văn Yên. Ðặc biệt, tại Km 6+900, tỉnh lộ 164 bị sạt lở ta-luy dương gần 100 m với khối lượng đất đá khoảng 10 nghìn m3 khiến các xã Lâm Giang, Lang Thíp bị chia cắt hoàn toàn. Các tuyến đường An Thịnh đi Yên Phú, Ðông An đi Xuân Tầm, Yên Phú đi Viễn Sơn, Xuân Ái đi Viễn Sơn cũng bị sạt lở ta-luy nhiều đoạn. Hiện tại, đơn vị quản lý đường bộ đang huy động phương tiện san gạt, bước đầu bảo đảm giao thông tạm thời trên các tuyến trọng yếu.
* Ngày 2-10, tại TP Hồ Chí Minh mưa kéo dài từ sáng tới đầu giờ chiều làm nhiều tuyến đường ngập nặng. Tại quận Thủ Ðức nhiều đoạn đường nước ngập gần nửa mét khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn; giao lộ Tô Ngọc Vân - Phạm Văn Ðồng có thời điểm nước ngập hơn nửa bánh xe máy làm các phương tiện chết máy, gây ùn ứ giao thông. Còn tại đoạn quốc lộ 13 cũ nước dâng cao khoảng 40 cm; các tuyến đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Quá, Hồ Ngọc Lãm... thuộc khu vực các quận 7, 12, Tân Phú, Bình Thạnh cũng ngập nhiều giờ liền.
* Theo Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mưa giông xảy ra liên tục trong những ngày qua tại TP Hồ Chí Minh là do dải hội tụ nhiệt đới hình thành trên khu vực Nam Bộ, trên dải hội tụ nhiệt đới có vùng xoáy thấp dịch chuyển từ biển vào đất liền gây mưa lớn. Dự báo, dải hội tụ nhiệt đới vẫn hoạt động trên khu vực Nam Bộ kèm theo gió mùa tây nam gây mưa, kéo dài đến ngày 3 hoặc 4-10. Có những khu vực lượng mưa từ 40 đến 50 mm, trong mưa có xuất hiện lốc xoáy, dông sét.
Theo nhandan.com.vn