Cập nhật: 06/10/2017 14:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong 20 năm gần đây, thiên tai đã làm chết, mất tích khoảng 10.800 người; thiệt hại về GDP bình quân hằng năm 20 nghìn tỷ đồng (chiếm 1-1,5% GDP).

Mỗi năm Việt Nam thiệt hại khoảng 20 nghìn tỷ đồng do thiên tai gây ra.

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thảm họa thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTTN) phối hợp với Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức ngày 3-10, tại Hà Nội.

Theo thống kê của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, từ năm 2000 đến nay trung bình mỗi năm ở vùng núi phía bắc có khoảng 47 người chết do loại hình thiên tai lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Tính riêng trong năm 2016 có 31/264 trường hợp thiệt mạng, còn đến thời tháng 9 năm 2017 có đến 49/139 người chết do loại hình thiên tai này.

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ NN-PTNT): Thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng tăng cường về cường độ, tần suất, gây nhiều tổn thất lớn về người và thiệt hại cho nền kinh tế.

“Có nhiều nguyên nhân gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, tuy nhiên chúng đều có chung một đặc điểm đó là xuất hiện sau những cơn mưa rất lớn. Ở đồi núi dốc, đất bị phong hóa qua nhiều năm nên vào mùa mưa luôn ở trong trạng thái bão hòa nước. Trong khi đó rừng bị suy giảm, mặt đệm bị bào mòn không còn khả năng giữ được nước. Người dân vùng cao với tập quán sinh sống dựa vào sông suối, chặt phá rừng làm nương rẫy. Các ngôi nhà cũng được dựng lên ở vị trí sát sông suối, hoặc ngay trê sườn đồi, dưới chân các quả đồi, vách núi. Do vậy khi cân bằng tự nhiên bị phá vỡ, thiên tai ập đến, hậu quả thường rất nặng nề”, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, Chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), đánh giá.

Ông Hoài cũng cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, xây dựng các đề án, dự án nhằm phòng chống thiên tai hiệu quả… Cụ thể, tính đến tháng 5-2017, đã có 63/63 tỉnh thành xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng”. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là thiếu kinh phí để triển khai Đề án tại địa phương và hiệu quả nâng cao nhận thức cộng đồng chưa cao.

Hội thảo “Thảm họa thiên tai lũ ống, lũ quét và các giải pháp phòng ngừa, ứng phó”, ngày 3-10.

Về công tác cảnh báo, dự báo, các đơn vị dự báo đã tăng cường bản tin dự báo, cảnh báo đến cấp huyện. Tính đến tháng 9-2017, có 79 trạm đo mưa chuyên dùng thuộc các tỉnh miền núi phía bắc đến Hà Tĩnh được xây dựng. Tuy nhiên, độ chính xác của bản tin dự báo, cảnh báo còn hạn chế, phạm vị rộng. Số lượng các trạm đo chuyên dùng còn rất tít, mật độ thưa.

Yên Bái là một trong những địa phương chịu nhiều thiệt hại mưa lớn, lũ quét gây ra, nhất là trên địa bàn huyện Mù Cang Chải. Suốt từ đầu tháng Sáu đến hoàn lưu cơn bão số hai, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều xuất hiện mưa lớn kéo dài đã gây lũ, lũ quét, sạt lở tại nhiều huyện, thị xã trong tỉnh.

Đặc biệt, trong đêm ngày 2-8, rạng sáng 3-8, do mưa lớn cục bộ tại khu vực trung tâm huyện Mù Cang Chải và các xã lân cận, đã xảy ra lũ quét gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, tải sản của nhân dân và các công trình công cộng. Cụ thể, thiệt hại về người gồm 23 người (tám người chết, sáu người mất tích và bị thương 9 người). Tổng số thiệt hại về tài sản ước tính trên 546 tỷ đồng.

Phát biểu tại hội thảo, đại diện UBND tỉnh Yên Bái cho rằng: Thời gian qua, công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn dù đạt được những kết quả nhất định, song cũng còn không ít hạn chế. Nguyên nhân chính là bởi công tác thông tin tuyên truyền cấp cơ sở còn nhiều yếu kém, đồng thời ý thức người dân còn lơ là chủ quan với tình hình thiên tai, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Một số cơ quan cấp Sở đóng trên địa bàn chưa chấp hành các chỉ đạo, yêu cầu của tỉnh trong công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn…

Đề xuất kiến nghị trong thời gian tới, đại diện tỉnh Yên Bái kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nâng cao chất lượng cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất ở phạm vi hẹp hơn, không dự báo cả huyện, tỉnh theo bản tin, gây khó cho cơ sở trong công tác cảnh báo thiên tai. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai bố trí kinh phí cho Yên Bái thực hiện một số chương trình phòng ngừa và giảm nhẹ thiên tai bao gồm: Dự án quy hoạch, phòng chống lũ quét, hỗ trợ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tại một số huyện trọng điểm, cấp kinh phí triển khai thực hiện đề án về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.

Chia sẻ về kinh nghiệm phòng chống thiên tai nói chung, lũ quét, sạt lở đất nói riêng của Nhật Bản, ông Junichiro Kurokawa, Cục trưởng Quản lý sông ngòi và Phòng chống thiên tai Nhật Bản cho biết: Việc liên tục đầu tư các cơ sở phòng chống thiên tai là điều không thể thiếu. Bên cạnh đó, việc tích lũy thông tin về mực nước sông ngòi, các công trình đập rất quan trọng, trên cơ sở đó vận dụng vào hoạt động cảnh báo sớm. Ngoài ra, theo ông Junichiro Kurokawa, giải pháp quan trọng còn là từng bước nâng cao ý thức người dân trong phòng chống thiên tai...

 

Theo THANH TRÀ/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm