Cầu Thượng ở làng Kênh, thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) được xây vào đời Lý sau khi triều đình cho đào một con kênh dẫn nước từ sông Hồng vào để tưới tiêu cho cả một vùng thuộc trấn Sơn Nam hạ.
Cầu có 5 gian, dài hơn 10m, rộng 4m, cao 3m tính từ mặt sàn lên, hai bên đều có bục để ngồi. Từ sơ khai, mái cầu được lợp bằng cây bổi (cây cói) chứ không lợp ngói, do bổi nhẹ hơn, xốp hơn, chịu được gió bão. Chỉ khi nào lớp bổi đã mục thì người dân lợp lớp mới. Ngày nay, cầu được lợp bằng lá cọ.
Cầu đã được tu bổ nhiều lần với quy mô lớn vào các năm 1883, 1904 và 2014. Trong khi tu bổ, đặt thượng lương, thợ đều khắc ghi trên hệ thống vỉ cột bằng chữ Hán. Trong ảnh là hàng chữ: “Kiến Phúc nguyên niên Giáp Thân mạnh hạ nguyệt thập nhị nhật lương thời thượng lương thụ trụ” (đặt thượng lương vào giờ tốt ngày 12 tháng 4 năm Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc thứ nhất - 1884).
Hệ thống cột cũ đan xen với cột mới cùng những dây níu mái bằng mây đan hình đồng tiền rất đẹp mắt. Mặt sàn, khung cầu, vì kèo mái đều được làm bằng gỗ lim, trải qua hàng trăm năm vẫn không mối mọt.
“Trước đây mỗi buổi trưa hè, người dân thường ra cầu nghỉ ngơi, hóng mát, buổi tối trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ ngay phần sân trước cầu”, ông Lương Minh Lại, người sống gần cầu cho biết. Trên bục cầu hiện vẫn còn khắc một bàn cờ cổ do người xưa lên cầu chơi cờ để lại.
Căn cứ hệ thống chữ Hán khắc trên vỉ kèo, cột, Phòng Quản lý di tích, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết, cầu Thượng làng Kênh là cây cầu gỗ mái lợp bổi duy nhất ở Việt Nam.
Sưu tầm