Đến với Mường Phăng, TP.Điện Biên, khách phương xa không chỉ được thả bộ trong rừng để tham quan trung tâm căn cứ đầu não của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ, gắn liền với những năm tháng lịch sử chống Pháp oai hùng. Mà còn được chiêm ngưỡng cảnh đẹp như tiên ở hồ Pá Khoang khi nắng chiều xuống, màu xanh mướt mát của khu rừng nguyên sinh.
Vào rừng Đại tướng
Mường Phăng cách TP. Điện Biên chỉ chưa đến 40km. Theo ngôn ngữ dân tộc Thái, “Mường” là một đơn vị quản lý hành chính trong một địa giới không thật xác định, còn “Phăng” theo giải thích của các cụ già người địa phương có nghĩa là “đâm chém”. Tương truyền tại đây, dưới sự chỉ huy của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất (1706 - 1768), nghĩa quân đã đánh một trận ác liệt chống lại đạo quân triều đình do Đoàn Nguyễn Thục chỉ huy, dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Trận đánh bắt đầu từ Nậm Cô (Tuần Giáo), Hoàng Công Chất vừa chống vừa lui, nhử địch vào nơi thủ hiểm là Mường Phăng và kết thúc bằng một trận gươm đao.
Đặc biệt, tại mảnh đất Mường Phăng, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954), Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo xây dựng cơ quan đầu não của quân đội - Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ nằm trong khu rừng nguyên sinh cổ thụ. Để đến với những địa điểm tiêu biểu như Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Lán ở, nơi làm việc, hầm ngủ của Phó Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, chỉ việc đi theo con đường bê tông nhỏ chạy dọc theo cánh rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ to mấy người ôm. Bà con nơi đây thường gọi một cách trìu mến khu rừng này là “rừng Đại tướng” gọi vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam thuở ấy là “già bản Võ Nguyên Giáp” và căn hầm của Đại tướng là “nhà của già bản Võ Nguyên Giáp”.
Điều mang lại thú vị trong chuyến đi khám phá này là người dân ở nơi đây. Từ cô hướng dẫn viên, thuyết trình về di tích cho tới người dân, các em bé nhỏ từ 5 - 6 tuổi đến lớn hơn đều thuộc vanh vách từng sự kiện, từng địa điểm, dấu tích. Các em nhỏ vừa đi theo khách du lịch, vừa thỉnh thoảng giới thiệu trước từng địa điểm. Hỏi làm sao các em có thể biết được nhiều như thế, các em chỉ hồn nhiên trả lời: “Nghe các cô hướng dẫn thuyết trình nhiều nên thuộc”.
Cứ như thế, hành trình đi trong rừng gần 2 tiếng đồng hồ bỗng trở nên nhẹ bỗng. Trong lòng ai cũng cảm thấy tràn đầy niềm tự hào với những kỳ tích mà thế hệ đi trước đã làm được.
Ra ngắm hồ Pá Khoang
Ra khỏi cánh rừng Đại tướng, cùng trên tuyến đường, đi thêm hơn 10 km là tới được một điểm du lịch sinh thái đẹp không kém đó là hồ Pá Khoang. Hồ Pá Khoang nằm lọt thỏm giữa thung lũng rộng lớn, uốn lượn qua những thảm rừng già, xung quanh núi cao bao bọc, khung cảnh sơn thủy hữu tình. Lòng hồ có nhiều đảo nhỏ nhấp nhô, mặt nước hiền hòa yên tĩnh, soi bóng núi non, mây trời xanh thẫm như một bức tranh thủy mặc tuyệt sắc.
Câu chuyện về sự ra đời của hồ Pá Khoang cũng ly kỳ, hấp dẫn như những trận đánh lịch sử. Tròn 20 năm sau chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, đầu năm 1974, bốn đại đội thanh niên xung phong đầu tiên hành quân vào Mường Phăng. Họ đã hoàn thành con đường vắt qua mấy trăm ngọn núi chỉ trong vòng hơn nửa năm trời. Để rồi, gần 6 năm sau, công trình hồ Pá Khoang được hoàn thành, dài 12 km, rộng 3 km, diện tích bề mặt 36 km2, dung tích khoảng 50 triệu m2. Pá Khoang là tên gọi theo phong cách biểu trưng của ngôn ngữ Thái, nghĩa là “Rừng trúc”. Trước kia, trúc ở Pá Khoang nhiều vô kể, người ta bảo: “Ngửa mặt lên thấy trời, cúi mặt xuống thấy trúc”.
Đang giữa mùa hè oi ả, nóng bức nhưng khi đến hồ Pá Khoang, ai nấy đều cảm thấy se se lạnh, không khí trong lành, thoải mái. Chỉ cần thuê thuyền, khách phương xa có thể bồng bềnh trên chiếc thuyền nhỏ theo những con sóng lăn tăn trên mặt nước. Nhiều năm nay, người dân trong các bản trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả lâu năm quanh hồ, trên các đảo trong hồ, tạo nên thảm cây xanh dày đặc, phong phú về chủng loại thực vật. Các loài chim, muông thú về trú ngụ, tạo nên sự cân bằng trong quá trình phát triển hệ sinh thái. Phong cảnh ở đây thật sự đẹp và mộng mơ. Nhất là lúc bình minh lên với những tia nắng ban mai đang hé rạng xuyên qua màn sương sớm và khi hoàng hôn xuống với màu xanh tím huyền ảo của màu nước và rừng núi.
Đến Pá Khoang, du khách được thưởng thức đặc sản mang đậm hương vị núi rừng và có thể nghỉ tại khu nhà nghỉ hoặc những bản văn hóa dân tộc Thái, Khơ Mú nằm ven hồ. Người dân Pá Khoang sống rất cởi mở, thân thiện và mến khách. Tại đây du khách còn có dịp tìm hiểu về những giá trị văn hóa truyền thống đầy bản sắc dân tộc, các điệu xòe và những làn điệu dân ca trữ tình./.
ST