Các lãnh đạo tài chính APEC qua quá trình bàn thảo đã đưa ra tuyên bố chung sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 ngày 21/10 tại Quảng Nam.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng công bố tuyên bố chung. Ảnh: VGP/Thế Phong
Thay mặt các lãnh đạo tài chính APEC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng đã công bố tuyên bố chung tại buổi họp báo sau Hội nghị với một số điểm trọng tâm.
Trước tiên, về kinh tế toàn cầu và khu vực, các lãnh đạo Tài chính APEC cho rằng viễn cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn là khá lạc quan, với sự phục hồi trên diện rộng cả ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế phát triển.
Trong trung hạn, rủi ro về thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu vẫn tồn tại và tăng trưởng năng suất lao động chậm lại sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng bền vững. Các nền kinh tế APEC cam kết sẽ tiếp tục tập trung vào những hoạt động ưu tiên và hợp tác về kinh tế và tài chính để thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới mục tiêu cùng vun đắp tương lai chung.
“Chúng tôi cam kết sử dụng các công cụ chính sách - cả tiền tệ, tài khóa và cơ cấu - ở cấp độ quốc gia cũng như phối hợp chung để đạt được mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và bao trùm”, các lãnh đạo tài chính APEC thống nhất.
Các lãnh đạo tài chính APEC cho rằng, chính sách tài khoá cần phù hợp với hoàn cảnh của mỗi nền kinh tế cần được sử dụng một cách linh hoạt, hỗ trợ tăng trưởng, trong khi vẫn bảo đảm tỷ lệ nợ công trên GDP duy trì ở mức bền vững. Chính sách tiền tệ tiếp tục hỗ trợ cho các hoạt động kinh tế, bảo đảm ổn định giá cả, phù hợp với các chức năng của ngân hàng trung ương.
Về đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng, các lãnh đạo tài chính APEC cùng xác định rõ tầm quan trọng của việc huy động các nguồn đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng và của cơ sở hạ tầng chất lượng tốt đối với tăng trưởng kinh tế bền vững. Việc đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng là giải pháp quan trọng góp phần đáp ứng nhu cầu cao về nguồn vốn đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng.
Các lãnh đạo tài chính thống nhất khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục tăng cường hợp tác khu vực, tìm kiếm và phát triển các giải pháp tài chính hiệu quả cho đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực. Đồng thời, các lãnh đạo tài chính APEC kêu gọi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung tâm Cơ sở hạ tầng Toàn cầu và các tổ chức quốc tế khác tiếp tục phối hợp với các nền kinh tế APEC xây dựng các bài học kinh nghiệm tốt, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực cho các nền kinh tế về đầu tư cơ sở hạ tầng.
Về xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), các lãnh đạo tài chính thống nhất cần thiết tăng cường hợp tác trong khu vực nhằm chia sẻ kinh nghiệm, cách tiếp cận và các thông lệ tốt nhất trong việc xây dựng chính sách, pháp luật và quản lý thuế, nhằm giải quyết những thách thức về BEPS trong khu vực, đồng thời nâng cao tính chắc chắn, minh bạch và công bằng của hệ thống thuế.
Các Bộ trưởng Tài chính hoan nghênh nỗ lực của các nền kinh tế APEC trong việc xây dựng chương trình hỗ trợ lẫn nhau, chia sẻ kinh nghiệm về triển khai thực hiện các tiêu chuẩn tối thiểu BEPS và các hành động BEPS có liên quan.
Về tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai, các Bộ trưởng Tài chính thống nhất cần có các chiến lược tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai hiệu quả, bao gồm cả giải pháp quản lý rủi ro tài chính đối với tài sản công, sẽ giảm thiểu và chuyển giao rủi ro, qua đó hỗ trợ tốt hơn và kịp thời cho công tác phục hồi và tái thiết khi xảy ra thiên tai. Các lãnh đạo tài chính khuyến khích các nền kinh tế tiếp tục cải thiện hệ thống thông tin rủi ro phù hợp với hoàn cảnh của từng nền kinh tế. Nhận thức vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc cung cấp các công cụ chuyển đổi rủi ro trên thị trường, các nhà lãnh đạo tài chính khuyến khích các nền kinh tế phát triển quan hệ đối tác với khu vực tư nhân để tìm kiếm các giải pháp tiềm năng.
Đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế tham dự buổi họp báo sau Hội nghị. Ảnh: VGP/Thế Phong
Về tài chính bao trùm, các Bộ trưởng Tài chính đánh giá tài chính nông nghiệp là một trong những nội dung quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững khu vực nông nghiệp nông thôn, góp phần thu hẹp chệnh lệch thu nhập thông qua việc nâng cao năng lực cho người dân, hỗ trợ kinh doanh hộ gia đình, các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các chuỗi giá trị, hoạt động sản xuất nông nghiệp dựa trên ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Việc áp dụng các sản phẩm tài chính mới và đa dạng vào lĩnh vực này sẽ giúp cho người dân và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thuận lợi hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính phù hợp với điều kiện kinh tế.
“Chúng tôi cũng đề nghị Ngân hàng thế giới, Công ty Tài chính Quốc tế, Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC và các đối tác phát triển quốc tế khác tiếp tục hỗ trợ các nền kinh tế APEC triển khai các sáng kiến nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả cơ sở hạ tầng tài chính trong khu vực và thúc đẩy hợp tác về thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ đầu tư và thương mại xuyên biên giới”, tuyên bố chung nêu.
Trả lời báo chí về các nội dung ưu tiên thống nhất tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, các nội dung mà các Bộ trưởng Tài chính thảo luận ngày hôm nay là những nội dung hết sức quan trọng và sẽ được báo cáo lên các nhà lãnh đạo APEC vào tháng 11 tới.
“Trong đó, tôi xin nhấn mạnh hai nội dung là về đầu dài hạn cho cơ hạ tầng và về tài chính bao trùm. Kết quả hợp tác về tài chính bao trùm sẽ là nội dung quan trọng được tổng hợp trong báo cáo về Tăng trưởng bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trình lên các nhà lãnh đạo tại Hội nghị thượng đỉnh”, ông Đinh Tiến Dũng nói.
Còn lãnh đạo tài chính Philipines cho biết thêm, các hoạt động thuơng mại quốc tế cũng được quan tâm, đặc biệt trong cách thức để các nước APEC ứng phó với các suy nghĩ về bảo hộ thương mại gia tăng trong thời gian gần đây. Các nội dung về trao đổi thương mại cũng sẽ được quan tâm trao đổi thêm trong thời gian tới.
Lực Thắng/Chinhphu.vn