Cứ đến mùa mưa bão thì nhiều khu dân cư ven biển Quảng Ngãi lại đối diện sạt lở bởi sự xâm thực của triều cường. Bờ biển sạt lở, kè chắn sóng hư hỏng đe dọa tính mạng của hàng trăm hộ dân. Cứ mưa đến, người dân lại lo lắng, bất an.
Kè chắn sóng Phổ Thạnh bị sóng đánh hư hỏng phải gia cố tạm.
Nhà bên mé biển
Những ngày mưa, hôm nào ông Lê Văn Long ở thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh cũng ra trước nhà canh chừng sóng biển. Nhà ông chỉ cách mé biển chưa tới 4m nhưng lúc thủy triều lên thì nhà cách biển non 2m. Sóng dâng cao cả nhà ông lại di dời tạm. Ông Long lo lắng “Cứ sóng lớn là phải lo đi dần. Ở đây mùa mưa cứ thấp thỏm. Đổ đá che chắn tạm thời trước nhà nhưng không ăn thua”.
Hơn 100 hộ dân thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh huyện Đức Phổ sinh sống ở bờ biển luôn trong tâm trạng lo lắng, bất an. Nhiều năm qua vùng neo đậu tàu thuyền này bị triều cường xâm thực, sạt lở lấn sâu vào đường dân sinh, nhiều điểm sạt cách nhà dân chưa tới 2m. Để an toàn, người dân đóng cọc tre, bao cát, đá ngăn sóng biển tấn công.
Cách đó không xa là tuyến kè trọng yếu thôn Thạch Bi 2, bảo vệ cho 300 hộ dân trong thôn. Thế nhưng mùa lũ năm ngoái, hơn 500m đê bị sóng đánh vỡ. Tường chắn sóng bị xô ngã trôi ra phía biển, mái kè bị sụp lún hoàn toàn. Đường dọc thân kè bị sụt lún, chân kè bị xô lệch, đài móng liên kết các cừ bị hư hỏng, vỡ tan hoang.
Người dân thôn Thạch Bi 1 đổ đá chắn sóng biển xâm thực.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư chi bộ thôn Thạch Bi 2, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ cho hay “Bờ kè này làm lâu rồi giờ sóng biển phá hư hết. Nếu không có giải pháp lâu dài thì sẽ mất luôn cả nhà dân, nguy hiểm tính mạng dân khi có bão lớn”.
Xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ có 5.000 hộ dân. Trong số này, có trên 1.000 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tình trạng sạt lở bờ biển. Tình trạng biển xâm thực khu dân cư, phá vỡ, hư hỏng nặng các tuyến kè biển, đe dọa tính mạng hàng trăm hộ dân ven bờ.
7 năm chờ đợi không được di dời
Những ngày có thông tin thời tiết báo mưa, bà Nguyễn Thị Trí ở thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn lại lập cập đến nhà bạn ngủ nhờ. Sống một mình bên bờ biển, bà lo sợ không biết căn nhà sẽ đổ sập lúc nào. Bà Trí cho biết, sau trận lũ dữ năm 2009 đến nay, căn nhà của bà nghiêng hẳn một bên. Tường chung quanh nứt dọc từ trên mái xuống móng nhà; phần nửa gian bếp bị tốc mái, cột nhà được neo tạm dây thép. Đợt bão số 10, 11 vừa qua, bà phải ở nhờ nhà người quen hơn nửa tháng.
“Cứ mưa gió là đi ở nhờ. Tui muốn sửa nhà cũng không được vì biển lấn vô sát mép nhà. Xin xã cho di dời đến khu tái định cư cũng không được. Đêm hôm một mình ở nhà chả biết sập lúc nào”, Bà Trí thở dài.
Bà Nguyễn Thị Trí luôn bất an khi ở nhà của mình.
Dọc ven biển thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, gần 20 ngôi nhà người dân ngay bên cạnh bờ biển. Những ngày biển động, nhà dân cách biển từ 5 đến 10m. Đặc biệt, 5 ngôi nhà ở ngay bờ vực, có thể bị sóng cuốn trôi bất cứ lúc nào.
Chị Tiêu Thị Liễu chán nản “Nhà tôi bị sụp lún nửa nhà. Cả gia đình phải chuyển xuống nhà dưới ở tạm mấy năm nay. Xin mãi mà chưa được di dời đến nơi an toàn”.
Trước những nguy hiểm từ sạt lở bờ biển, chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng có hướng xử lý lâu dài.
“Trước đây cũng đã di dời mấy hộ ở vùng nguy hiểm rồi. Những năm gần đây thì biển lấn sâu vào trong nên tiếp tục bị sạt lở, nguy hiểm cho người dân. Chúng tôi cũng kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết”, ông Ngô Văn Thính, Chủ tịch UBND xã Bình Trị, huyện Bình Sơn thông tin.
Theo chính quyền địa phương, ngoài việc đầu tư khắc phục các tuyến kè hư hỏng, ngành chức năng cũng cần xây mới tuyến kè tại các điểm xung yếu. Việc xây dựng kè rất cần được nghiên cứu, tính toán phù hợp từng khu vực triều cường vùng biển để tránh xây xong bị sóng đánh hư hỏng, lãng phí.
Ông Nguyễn Duy Trinh, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh kiến nghị: “Góc độ của xã thì chúng tôi chỉ có thể sửa tạm thôi. Cần có phương án căn cơ để bảo đảm an toàn cho người dân vùng ven biển Phổ Thạnh này”.
ĐÔNG HUYỀN
Theo nhandan.com.vn