Cập nhật: 30/10/2017 10:37:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bài 2: Hợp tác phát triển - yêu cầu bức thiết

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, liên kết phát triển vùng ven biển Trung Bộ và Nam Trung Bộ đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tại nhiều địa phương đã có chuyển biến về nhận thức và hành động hợp tác phát triển, tạo hiệu quả bước đầu cũng như nhận được sự ủng hộ, đón nhận từ các bộ, ngành T.Ư, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

 

Hệ thống di sản, lăng tẩm ở Huế luôn thu hút đông đảo khách tham quan.

Ðưa ý tưởng thành hành động

Tháng 7-2011, tại TP Ðà Nẵng, nhân hội thảo khoa học "Liên kết phát triển các tỉnh ven biển miền trung", lãnh đạo chủ chốt các tỉnh đã thống nhất thực hiện biên bản cam kết liên kết phát triển vùng. Lúc ấy, chỉ có bảy tỉnh, thành phố, từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa. Sau đó, có thêm hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Mới đây, tỉnh Quảng Trị cũng bắt đầu tham gia liên kết.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang, quan điểm liên kết của các địa phương là bình đẳng, các bên cùng có lợi trên cơ sở khai thác, phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để cùng phát triển. Nội dung liên kết gồm nghiên cứu phân bổ lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp thế mạnh từng địa phương; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất,... trong đó, hết sức chú trọng liên kết xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch.

Thực hiện liên kết, các địa phương bắt tay xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu vùng (giai đoạn 1), phối hợp tổ chức khóa học "Xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa trên bản đồ (ArcGis)" cho cán bộ các địa phương trong vùng; vận động, chủ trì và phối hợp cùng các bộ, ngành T.Ư và các địa phương huy động các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nhiều lĩnh vực tham gia nghiên cứu liên kết phát triển du lịch vùng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, khai thác kinh tế biển,... Ðồng thời, phối hợp nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển các khu công nghiệp hỗ trợ trong vùng. Tuy sự liên kết thực tế mới chỉ dừng lại ở định hướng và một số hoạt động nhỏ, chưa thật sự làm chuyển biến hẳn tư duy phát triển, song đây cũng là kết quả của quá trình liên kết tự nguyện, kiên trì và trải qua không ít khó khăn. Ðằng sau những thành quả du lịch, thu hút đầu tư địa phương gần đây đều có sự đóng góp ngày càng rõ nét của xu thế liên kết vùng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Khoa vẫn thẳng thắn nhìn nhận, việc liên kết du lịch giữa các địa phương trong vùng vẫn còn rất lỏng lẻo, mới chỉ dừng lại ở tổ chức sự kiện, doanh nghiệp du lịch liên kết mang tính sự vụ, nhỏ lẻ. Sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng khá giống nhau, các khu du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí đều na ná như nhau, tỉnh nào cũng có khu nghỉ dưỡng (resort), sân gôn, cáp treo, các môn thể thao biển,... cho nên mỗi địa phương nếu không tạo được sản phẩm đặc trưng riêng thì không thể tạo ra chuỗi liên kết du lịch bổ sung nhau. Bởi, du khách chỉ cần đến một tỉnh trong vùng một lần là đủ.

Vì vậy, để liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh trong vùng thành công, cần phải tìm ra được những nét khác biệt và nổi trội để khai thác và liên kết; trong kinh doanh du lịch cần đầu tư sản phẩm chủ đạo của từng địa phương, điểm đến, tránh sự trùng lặp, dàn trải, xây dựng chuỗi sản phẩm để bổ sung cho nhau, hạn chế cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Tìm giải pháp liên kết đồng bộ

Có thể nói, thiên nhiên đã ưu ái ban tặng các tỉnh ven biển miền trung quá nhiều "đặc sản" biển và tạo được những nét đặc trưng riêng của vùng miền không trộn lẫn. Giá trị du lịch, văn hóa biển đã và đang là con đường ngắn nhất nhưng bền vững nhất kết nối các địa phương trong khu vực. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Ðà Nẵng Huỳnh Văn Hùng cho rằng, thực tế giữa văn hóa - kinh tế có quan hệ mật thiết, hỗ trợ, tác động lẫn nhau để phát triển bền vững.

Các tỉnh ven biển miền trung, cần cùng nhau đánh thức các tiềm năng văn hóa, bởi đây chính là nguồn tài nguyên mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế cho mỗi địa phương. Mới đây, tại TP Nha Trang, Bộ Ngoại giao phối hợp UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội nghị gặp gỡ Nhật Bản với khu vực Nam Trung Bộ. Tại hội nghị, Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam U.Ku-ni-ô cho biết, nhà đầu tư cũng như du khách Nhật Bản chủ yếu chỉ tìm đến Hà Nội, Ðà Nẵng, Hội An và TP Hồ Chí Minh, chưa nghĩ tới tìm hiểu cơ hội đầu tư và du lịch tại các địa phương khác trong vùng. Tại hội nghị, PGS, TS Trần Ðình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam đã nói một câu rất hình ảnh: Miền trung đẹp nhưng cái đẹp của miền trung chưa làm cho miền trung giàu.

Tham gia liên kết vùng, Bình Thuận đã xây dựng chương trình triển khai các nội dung liên kết phát triển kinh tế - xã hội với chín tỉnh, thành phố trong vùng. Năm 2015, Bình Thuận phối hợp Ban điều phối tổ chức hội thảo quốc tế "Liên kết phát triển du lịch vùng duyên hải miền trung với vùng Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên, các tỉnh Nam Lào và Ðông Bắc Cam-pu-chia" tại Bình Thuận.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận Võ Hoàng Tuyết Linh cho biết, hình thức quảng bá, xúc tiến qua việc tham gia các sự kiện du lịch được đánh giá là hoạt động rõ nét nhất trong liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương. Thông qua chương trình liên kết, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng và thực hiện các tua du lịch kết nối giữa các địa phương với các sản phẩm du lịch đa dạng mang nét đặc trưng núi - biển - đồng bằng, nhất là các tua du lịch gắn liền với sự kiện văn hóa - du lịch của mỗi địa phương. UBND tỉnh đã kiến nghị các bộ, ngành hỗ trợ bổ sung vốn để tỉnh thực hiện đường ven biển Hòa Thắng - Hòa Phú dài 23 km, nền đường rộng 45,5 đến 50 m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, trở thành tuyến đường kết nối du lịch giữa các khu du lịch nổi tiếng trong vùng như Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận).

Ngư dân Bình Thuận, nhất là ở đảo Phú Quý có thế mạnh phát triển tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, trong khi ngư dân các tỉnh chung quanh có thế mạnh đánh bắt, khai thác hải sản xa bờ. Các tàu dịch vụ thu mua và khai thác đã liên kết với nhau cùng có lợi, tàu dịch vụ thu mua được hải sản, còn tàu khai thác giảm bớt được chi phí nhiên liệu, tăng thời gian khai thác. Chi cục trưởng Thủy sản Bình Thuận Huỳnh Quang Huy khẳng định, đây là hình thức tổ chức sản xuất liên kết trên biển rất hiệu quả, phát huy được tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất, giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, sự liên kết này vẫn mang tính đơn lẻ, các tỉnh cần nâng cao vai trò của mình trong mối liên kết này.

Thực tế, lợi ích cục bộ chi phối lớn đến hợp tác giữa các địa phương. Với quy định của Luật Ngân sách hiện hành, dòng tài chính vẫn do các địa phương tự phân phối, tự tăng tính hấp dẫn của môi trường đầu tư bằng cơ chế mềm của địa phương. Hiển nhiên, các tỉnh đều có vị thế ngang hàng, khiến cơ chế đặc thù lại trở thành phổ biến, không còn đặc thù nữa. Ðây là thách thức không dễ vượt qua trong nỗ lực liên kết phát triển vùng duyên hải miền trung và các địa phương trên cả nước nói chung.

Kết quả bước đầu là đáng ghi nhận, mặc dù chỉ mới cung cấp một hình mẫu gợi ý về thể chế phát triển vùng, chưa đủ định hình chắc chắn, được bảo đảm và hỗ trợ bằng các thể chế và chính sách mang tính quốc gia. Các tỉnh chưa thật sự có thực quyền hoặc phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc quyết định hoặc tham gia ý kiến về những vấn đề liên quan mang tính liên vùng, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự án đầu tư trong vùng.

Bài, ảnh: ĐÀO NGUYÊN HẬU và CHÂU KẾ NGUYÊN

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm