Cập nhật: 04/11/2017 10:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cùng với Singapore, Đà Nẵng là một trong hai thành phố đầu tiên tại Đông Nam Á ứng dụng công nghệ chatbot. 

 

Mô hình ứng dụng Chatbox ra cứu thông tin sử dụng trên điện thoại. (Ảnh: Trần Lê Lâm/Vietnam+)

Singapore ứng dụng thành công chatbot vào tự động hóa hành chính công và Đà Nẵng tiên phong ứng dụng vào lĩnh vực du lịch theo xu hướng du lịch thông minh (4.0).

Đà Nẵng đang là một điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách trong nước cũng như quốc tế. Năm 2016, tổng khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt 5,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 1,66 triệu lượt.

Dự kiến trong năm 2017 và các năm tiếp theo, với đà tăng trưởng như hiện nay, Đà Nẵng sẽ còn tiếp tục đón thêm nhiều lượt khách nữa. Nhân lực ngành du lịch thành phố ước tính khoảng 27.000 người và vẫn đang thiếu rất nhiều tại các mảng dịch vụ.

Dự báo đến năm 2020, số lượng phòng khách sạn tăng lên khoảng 26.000 phòng, dẫn tới nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân lực cho ngành du lịch là rất lớn.

Cũng theo dự báo, trong 2 năm tới, thị phần đặt dịch vụ trực tuyến sẽ bùng nổ, từ 9% lên đến 33%. Du lịch thông minh sẽ là nền tảng dữ liệu trực tuyến, kết nối các giải pháp, các tổ chức, các phương thức để có hình thức du lịch ngày một hấp dẫn và tiện lợi hơn cho du khách.

Để đáp ứng nhu cầu du lịch thông minh, từ cơ quan quản lý nhà nước, đến các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ du lịch, đều cần chuyển đổi.

Thấu hiểu sự thiếu hụt nhân lực lớn, nhu cầu chuyển đổi Du lịch thông minh trong cuộc cách mạng 4.0, thành phố Đà Nẵng đã dành nhiều thời gian, tâm huyết, đẩy mạnh sự phát triển công nghệ vào lĩnh vực du lịch.

Sau thời gian ý tưởng, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng đã hợp tác cùng Công ty cổ phần công nghệ Hekate xây dựng và phát triển kênh thông tin tra cứu du lịch tự động mới (ứng dụng chatbot) trên tin nhắn đầu tiên tại Việt Nam có tên chatbot Danang Fanstaticity.

Kênh thông tin này giúp người dùng có thể tra cứu mọi thông tin về du lịch Đà Nẵng như tìm kiếm địa điểm, tham khảo thời tiết, chỉ đường cùng nhiều tiện ích khác ngay trong ứng dụng tin nhắn.

Chatbot Danang Fanstaticity là sản phẩm hoàn toàn miễn phí, được tích hợp ngay trên nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam là Facebook và tương thích được với các điện thoại di động thông minh sử dụng hệ điều hành Android, IOS… có kết nối Internet thông qua 3G, Wifi.

Người dùng có thể tiếp cận chatbot bằng thao tác đơn giản là quét mã Messenger Code hoặc truy cập link: m.me/visitdanang để tương tác và trải nghiệm với chatbot.

 

Mô hình ứng dụng Chatbox ra cứu thông tin sử dụng trên điện thoại. (Ảnh: Trần Lê Lâm/Vietnam+)

Là một nền tảng tin nhắn tự động, chatbot Danang Fanstaticity cho phép người dùng đặt câu hỏi, tra cứu dữ liệu hỏi-đáp về du lịch ở bất cứ đâu, tại bất cứ thời gian nào.

Người sử dụng có thể tra cứu tên khách sạn, nhà hàng, món ăn mà họ muốn tìm, chatbot sẽ ngay lập tức chỉ đường, giới thiệu và đưa ra những thông tin hữu ích ngay để họ có thể chọn lựa địa điểm yêu thích. Từ đó, những băn khoăn của người dùng về mọi vấn đề du lịch được giải đáp một cách trực tiếp, nhanh chóng và hoàn toàn tự động.

Những yêu cầu của người dùng sẽ được giải đáp ngay lập tức và gợi mở nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu của họ. Chatbot cũng có thể giao tiếp được bằng 2 ngôn ngữ Anh, Việt góp phần hỗ trợ các du khách quốc tế đến Đà Nẵng vào dịp Tuần lễ Cấp cao APEC.

Với giao diện như một khung chat tin nhắn bình thường, màn hình tương tác thân thiện và thông minh, không cần phải tải về máy, chatbot Danang Fanstaticity đem lại sự tiện lợi và dễ dàng sử dụng cho du khách. Chatbot cung cấp thông tin nhanh chóng, tức thì, mọi thời điểm và đêm lại cảm giác cá nhân hóa cho du khách.

Với việc chính thức thí điểm ứng dụng chatbot vào lĩnh vực du lịch, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng có thêm một kênh mới hỗ trợ đắc lực hơn cho du khách đến thành phố Đà Nẵng vào dịp Tuần lễ Cấp cao APEC./.

Theo VĂN SƠN (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/da-nang-chinh-thuc-thi-diem-ung-dung-chatbot-phuc-vu-du-khach/473764.vnp

Tệp đính kèm